Thật bất công nếu cho rằng những cú vấp ngã liên tiếp vừa qua của Real Madrid xuất phát từ ngôi sao lớn nhất và cũng là người ghi nhiều bàn nhất của họ, nhưng hệ thống chiến thuật phục vụ cho một mình Cristiano Ronaldo cũng khiến Real Madrid nhanh chóng mệt mỏi và vừa rồi là sụp đổ.
Nghịch lý Ronaldo
Đây tiếp tục là một mùa giải mà Ronaldo thể hiện khả năng ghi bàn khủng khiếp của anh, với 26 bàn sau 25 trận ở Liga và 42 bàn qua 38 trận tính trên mọi đấu trường. Anh đã ghi tổng cộng 243 bàn cho Real Madrid chỉ sau 237 lần, trong đó có 172 bàn sau 160 trận ở Liga.
Lionel Messi của Barcelona và Diego Costa của Atletico Madrid cũng phải mơ ước hiệu suất ấy. Messi ghi được 22 bàn sau 23 trận ở Liga (35 bàn qua 35 trận trên mọi đấu trường), còn Costa “chỉ” có 24 bàn sau 29 trận tại Liga (32 bàn trong 42 trận). Nhưng nghịch lý là Atletico Madrid lại đang đứng đầu, Barca số 2 còn Real đã tụt xuống thứ ba và không tự quyết định được số phận của mình.Việc Ronaldo quá lười phòng ngự chính là điểm yếu của Real
Cuối trận thua Sevilla, Ronaldo đã phản ứng dữ dội với Gareth Bale sau khi cầu thủ người xứ Wales đá phạt vọt xà ngang. Có lẽ cầu thủ người Bồ cho rằng anh phải được đá quả phạt đó, nhưng Ronaldo cũng quên rằng không ít lần anh cũng đá văng cơ hội của Madrid lên trời. Đó là phản ứng cá nhân và có phần trẻ con.
Bàn thua đầu tiên của Real Madrid trước Sevilla cũng xuất phát từ một tình huống phản công bên cánh phải. Tất cả những gì Ronaldo làm vào thời điểm ấy là đứng nhìn Sevilla phát triển bóng dọc biên trái của Madrid và sau đó ghi bàn.
Hãy chú ý đến một con số khác: Điểm phòng ngự của Ronaldo mùa này, theo chấm điểm của hãng thống kê Squawka, chỉ là 35, một con số thấp thảm hại nếu so với Lionel Messi (129) hay các đồng đội như Gareth Bale (83) và thậm chí là Karim Benzema (42). Nếu Ronaldo là một trung phong thực sự, thống kê đó không hề đáng ngại, nhưng anh lại xuất phát từ biên trái.
Ronaldo có sức mạnh thể chất, kỹ thuật và độ mẫn cảm phi thường với những bàn thắng, nhưng ưu ái Ronaldo cũng đẩy cả một hệ thống vào trạng thái căng thẳng và mệt mỏi. Anh vẫn có phần ích kỷ và thậm chí là không có tác dụng khi cần phải tham gia vào việc phòng ngự từ xa.
Một ngôi sao luôn đứng trên tập thể?
Nếu chúng ta nghĩ về đội bóng một người theo khía cạnh là tất cả phải làm việc để cho một người có thể làm bất cứ điều gì anh ta muốn, thì có lẽ đó là điều đang diễn ra ở Real Madrid. Thường thì chỉ có những số 10 được phép chơi bóng mà không cần theo khuôn khổ nào cả, nhưng họ là những nhà tổ chức, những bộ não đích thực của đội bóng. Ronaldo, xét cho cùng, chỉ là một mũi giáo, dù là mũi giáo sắc bén nhất Thế giới đi chăng nữa.
Huyền thoại Valeriy Lobanovskyi cho rằng tính liên kết giữa các cầu thủ với nhau luôn quan trọng hơn chính những cầu thủ ấy. AC Milan của Arrigo Sacchi, Liverpool dưới thời Bob Paisley hay Ajax của Rinus Michels và những đội bóng vĩ đại nói chung đều được tạo ra dựa trên nền tảng ấy: Không một ngôi sao nào được phép đứng trên tập thể.
Marcelo Bielsa, người mà những học thuyết bóng đá của ông có ảnh hưởng đến bóng đá hiện đại hơn bất kỳ ai, đã từng nói: “Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ ai trong đội nghĩ rằng họ có thể chiến thắng một mình. Điểm mấu chốt là kiểm soát không gian tốt, duy trì một đội hình với cự ly gần nhau có khoảng cách từ hàng hậu vệ đến hàng công không quá 25 mét và sở hữu một hệ thống phòng ngự không bị rối loạn khi di chuyển.”
Với Ronaldo, mọi thứ dường như phải được dành cả cho anh và khát vọng của riêng anh. Nhà báo Jonathan Wilson của Guardian đã từng lấy ví dụ là trận chung kết năm 2008 ra để phân tích điểm yếu của một đội bóng chỉ tập trung phục vụ cho Ronaldo: Khi ấy, anh cũng xuất phát từ cánh trái của Man United, và trong nửa giờ đầu tiên, Ronaldo hoàn toàn át vía Michael Essien, chơi hậu vệ phải của Chelsea. Nhưng chỉ nửa giờ thôi, không gì hơn.
Tiền vệ người Bồ chính là cầu thủ mở tỉ số cho Man United, nhưng sau đó, khi Chelsea dâng cao và Essien thường xuyên lao xuống sâu xuống cánh. Phản ứng của Ronaldo? Anh không hề theo kèm. Từ thời điểm đó, Man United rơi vào thế bị động suốt hiệp hai và sau đó, chính Essien đã chuyền cho Lampard gỡ hòa cho Chelsea. Ronaldo đá trượt quả phạt đền của anh, nhưng may mắn là Terry lẫn Anelka bên phía Chelsea đều đá hỏng, và Man United vẫn đăng quang.
Con dao hai lưỡi
Nhưng kể từ đó, Sir Alex Ferguson đã đẩy Ronaldo lên chơi cao nhất trên hàng công, và trao lại vị trí cánh trái cho Wayne Rooney, không lấp lánh bằng, nhưng có trách nhiệm và hỗ trợ phòng ngự tốt hơn hẳn. Sir Alex đã nhìn ra rằng trọng dụng Ronaldo là một con dao hai lưỡi.
Real Madrid đã làm ngược lại những gì Sir Alex đã làm: Kéo Ronaldo trở lại cánh trái và thậm chí giải phóng hoàn toàn nhiệm vụ phòng ngự cho anh. Phần lớn những bàn thắng của Ronaldo ở Real thường chỉ đến sau 1 chạm và hiếm hoi lắm mới phải dùng đến 2-3 chạm, lối chơi của một chân sút cắm, trong khi anh vốn xuất phát từ cánh trái.
Ở trận Kinh điển, Ronaldo di chuyển tự do và thường xuyên bó vào trong để nhường chỗ cho Di Maria băng lên, giúp tiền vệ người Argentina tỏa sáng, nhưng cũng để lại những khoảng trống mênh mông ở phần sân nhà.
Khi bóng đá hiện đại ngày càng chú trọng đến tính hệ thống và bất kỳ một ngôi sao nào cũng phải thích ứng với hệ thống, Ronaldo là một sự lỗi thời. Được tất cả các đồng đội phục vụ và không cần tuân thủ kỷ luật hệ thống, cầu thủ người BĐN có thể phá vỡ rất nhiều kỷ lục ghi bàn nữa, nhưng đó vừa là một vũ khí khủng khiếp, vừa là một lỗ hổng của Madrid.
Theo Vietnamnet