Man United cần làm gì để có 2 tỷ bảng xây SVĐ mới 100 nghìn chỗ?

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 26/03/2025 13:34(GMT+7)

Zalo

Man United có lẽ là đội bóng kỳ lạ nhất lúc này. Một mặt, họ cho biết đã không có lợi nhuận trong 6 năm và đang nợ 1 tỷ bảng. Mặt khác, họ lại lên kế hoạch xây một SVĐ mới, với sức chứa 100 nghìn chỗ và giá thành lên đến… 2 tỷ bảng.

m1
 

Dự án đầy tham vọng của Sir Jim Ratcliffe

Hơn 1 tuần trước, đồng sở hữu Man United, Sir Jim Ratcliffe, đã công bố kế hoạch xây dựng một SVĐ mới có sức chứa 100.000 chỗ ngồi bên cạnh sân cũ Old Trafford. Tỷ phú người Anh cho biết trong một tuyên bố: "Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình vô cùng thú vị hướng đến việc xây dựng SVĐ bóng đá lớn nhất thế giới, tại trung tâm của Old Trafford được tái thiết".

Tỷ phú người Anh đã công khai mong muốn Man United có một SVĐ mới, hiện đại kể từ khi ông trở thành chủ sở hữu thiểu số nhờ thâu tóm 27,7% cổ phần CLB vào tháng 2 năm ngoái, và đội bóng đã tiến hành tham vấn mở rộng xem nên tái phát triển SVĐ hiện có hay xây dựng một SVĐ mới.

Kết quả là Man United chọn phương án xây một SVĐ mới trên nền bãi đậu xe hiện tại của sân Old Trafford. Sân mới sẽ có sức chứa lớn nhất nước Anh, với những trang thiết bị hiện đại nhất và tổng chi phí xây dựng dự toán lên đến 2 tỷ bảng, dự kiến hoàn thành trong 5 năm.

Foster and Partners - đơn vị thiết kế SVĐ Wembley mới, khánh thành vào năm 2007 và SVĐ Lusail, địa điểm tổ chức trận chung kết World Cup 2022 tại Qatar - được Quỷ Đỏ “chọn mặt gửi vàng”, cho dự án sân Old Trafford mới. Đơn vị này cho biết SVĐ mới của Man United sẽ bao phủ bởi một cấu trúc như chiếc ô lớn với 3 ba cột buồm được mô tả là "chiếc đinh ba" cao 200 mét và có thể nhìn thấy từ khoảng cách 40 km do cao hơn bất cứ tòa nhà nào ở Manchester.

Foster and Partners hy vọng có thể khởi công trong năm nay và Man United sẽ tiếp tục chơi tại Old Trafford cho đến khi sân mới hoàn thành. Sau khi quá trình xây dựng hoàn tất, trụ sở hiện tại của Man United có khả năng sẽ bị phá dỡ.

Man United cần làm gì để có 2 tỷ bảng xây SVĐ mới 100 nghìn chỗ 1
 

Đối với Sir Ratcliffe, sân Old Trafford mới được thiết kế để thu hút sự chú ý của thế giới và cân bằng lại cơ sở hạ tầng thể thao theo hướng có lợi cho miền bắc nước Anh. “Tôi nghĩ một ví dụ thực sự tốt là Tháp Eiffel,” ông nói. “Mọi người trên thế giới đều biết đến Tháp Eiffel: bạn đến Paris, bạn ở lại Paris, bạn tiêu tiền. Chúng tôi có 1 tỷ người trên toàn thế giới theo dõi Manchester United. Tôi nghĩ mọi người trên thế giới quan tâm đến bóng đá sẽ muốn đến thăm Old Trafford”.

“Miền bắc nước Anh đã giành được 10 chức vô địch Champions League, còn London giành được hai huy chương, nhưng London có Wembley, Twickenham, Wimbledon và Làng Olympic. Tôi nghĩ miền bắc nước Anh xứng đáng có một SVĐ nơi đội tuyển Anh có thể thi đấu, nơi chúng ta có thể tổ chức trận chung kết Champions League. Nếu chính phủ thực sự ủng hộ kế hoạch tái thiết này, thì với tầm nhìn của Norman Foster, người mà theo quan điểm của tôi là kiến ​​trúc sư vĩ đại nhất thế giới, chúng ta sẽ xây dựng một SVĐ mang tính biểu tượng”.

Theo phương án của Man United, SVĐ mới này sẽ là một phần trong kế hoạch tái thiết rộng lớn hơn của khu vực Old Trafford, và Bộ trưởng tài chính Anh Rachel Reeves gần đây đã chính phủ ủng hộ kế hoạch này. Đội bóng thành Manchester cho biết dự án có thể tạo ra tới 92.000 việc làm mới và sẽ xây dựng 17.000 ngôi nhà, và thu hút thêm 1,8 triệu du khách đến khu vực này hàng năm và mang lại thêm 7,3 tỷ bảng (khoảng 9,45 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế Anh.

Nhưng đầu tiên… là tiền đâu?

Man United, hiện đang nợ 1 tỷ bảng và vẫn chưa cho biết họ dự định sẽ thu xếp tài chính cho dự án xây SVĐ mới như thế nào. Giám đốc điều hành của CLB, Omar Berrada cho biết đây là "một cơ hội đầu tư rất hấp dẫn" và ông "khá tự tin rằng chúng tôi sẽ tìm ra cách để tài trợ cho SVĐ". Tuy nhiên, cách đó cụ thể như thế nào thì người hâm mộ vẫn phải chờ.

Đến đây, một số người yêu mến Quỷ Đỏ có thể nghĩ rằng, các ông chủ giàu có của đội bóng hoàn toàn đủ khả năng chi trả cho hóa đơn xây sân mới. Nhưng sự thực có phải như thế?

Man United cần làm gì để có 2 tỷ bảng xây SVĐ mới 100 nghìn chỗ 2
 

Trước tiên, ta hãy nhìn vào cơ cấu sở hữu tại Man United.

Sir Ratcliffe và những người thừa kế của nhà Glazer sở hữu gần 80% cổ phần Man United, phần còn lại được chia cho các nhà đầu tư và tổ chức đã mua cổ phần của họ thông qua Sàn giao dịch chứng khoán New York, nơi nhà Glazer đã niêm yết một phần CLB vào năm 2012.

Với việc Sir Ratcliffe sở hữu khối tải sản lên đến 29,6 tỷ bảng và nhà Glazer cũng rất giàu (khoảng 10 tỷ USD), bạn có thể nghĩ rằng các ông chủ này nên trả tiền cho ngôi nhà mới của Man United. Tuy nhiên, bạn đã nhầm!

Sir Ratcliffe không dành cả cuộc đời để tích lũy tiền bạc rồi phung phí chúng nhanh như vậy. Tỷ phú người Anh cũng không dư dả như mọi người hình dung: ông sắp đóng cửa nhà máy lọc dầu lâu đời nhất Vương quốc Anh tại Grangemouth ở Scotland. Đây không phải là thời điểm thích hợp để ông chi những khoản tiền lớn, kể cả cho đội bóng yêu thích của mình.

Còn con cái của Malcolm Glazer chỉ coi Man United như một máy ATM, với chức năng duy nhất là rút tiền. Hãy nhìn cái cách gia đình Do Thái này đối xử với đội bóng thì biết. Ưu tiên của họ là lợi nhuận, rồi mới đến các giá trị thuộc về bóng đá hay truyền thống CLB.

Thế nên, Man United cứ phú quý giật lùi, đến mức Sir Jim Ratcliffe mới đây tuyên bố đội bóng sẽ "phá sản vào Giáng sinh" nếu không sa thải hàng trăm nhân viên văn phòng, cắt giảm các bữa trưa miễn phí và ngừng tài trợ cho hiệp hội cựu cầu thủ. Và, đội bóng ấy cũng vì thế mà đã rơi xuống thứ 13 tại Premier League, không có lợi nhuận trong 6 năm kèm theo khoản nợ 1 tỷ bảng đè nặng vào ngân sách hoạt động. Vậy thì tiền đâu để Man United xây sân mới?

Đi vay hay bán đi linh hồn Old Trafford?

Sir Ratcliffe từng ám chỉ rằng ông có thể gánh vác một phần chi phí xây SĐV mới để đổi lấy nhiều cổ phiếu hơn. Tuy nhiên, điều đó không có khả năng xảy ra bởi việc ông mua cổ phiếu từ nhà Glazer hay bất kỳ ai khác là vô ích khi họ sẽ chỉ bỏ túi số tiền đó. Do đó, cách duy nhất để có tiền cho quỹ xây dựng, thông qua con đường này, là phát hành cổ phiếu mới.

Nhưng điều đó sẽ làm loãng vị thế của nhà Glazer hơn nữa, và thật khó tin họ chịu đồng ý. Dù chỉ sở hữu 49% tổng số cổ phiếu của Man Unted, nhưng nhà Glazer vẫn nắm giữ hầu hết các cổ phiếu loại B - có quyền biểu quyết gấp 10 lần so với cổ phiếu loại A mà các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ. Vì vậy, họ vẫn kiểm soát hai phần ba số phiếu bầu để có thể phủ quyết ý định phát hành cổ phiếu mới.

Man United cần làm gì để có 2 tỷ bảng xây SVĐ mới 100 nghìn chỗ 3
 

Kịch bản khả thi nhất là Glazer và Sir Ratcliffe có thể đồng ý cùng nhau pha loãng vị thế của họ để tạo ra 5-10% cổ phần cho một đối tác mới. Chúng ta đã thấy một số quỹ đầu tư tư nhân lớn nắm giữ cổ phần có quy mô tương tự trong các đội bóng ổ NBA và bóng đá kiểu Mỹ NFL. Nhiều quỹ đầu tư hoặc công ty kiểu đó đã bày tỏ sự quan tâm đến Man United khi.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây việc mua cổ phần thiểu số của một CLB bóng đá châu Âu dường như không phải là khoản đầu tư sáng giá. Phản ứng từ thị trường chứng khoán đã chỉ ra điều đó. Giá cổ phiếu hiện tại của Manchester United là 13,83 USD, nghĩa là thấp hơn so với năm 2012 khi CLB này niêm yết. Cổ phiếu Man United không còn hấp dẫn, nên cơ hội tìm được ai đó chịu chi ra số tiền lớn để nắm giữ 5-10% cổ phần cũng chẳng dễ dàng.

Có một cách khác, đó là vay ngân hàng. Nhưng cách này cũng có thể nhấn chìm một đội bóng đang được xem như “Chúa Chổm” ở Premier League. Tính đến cuối năm ngoái, Man United có tổng số tiền vay hơn 730 triệu bảng, được chia thành một khoản tín chấp và một đợt phát hành trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2027. Tệ hơn nữa, đội bóng chủ sân Old Trafford còn nợ các CLB khác 300 triệu bảng theo các đợt chuyển nhượng, cao hơn nhiều số tiền mà các đội khác nợ họ.

Với tổng số nợ 1 tỷ bảng, mùa trước Man United đã phải trả khoản tiền lãi hàng năm cao nhất giải đấu là 36 triệu bảng. Liệu bức tranh tài chính như thế có dễ thuyết phục các ngân hàng giải ngân cho Man United một khoản vay mới không?

Thời điểm vay không thuận lợi với Man United

Tottenham chi hơn 1 tỷ bảng để xây SĐV mới của họ từ năm 2016 đến năm 2019 và đã vay gần như toàn bộ số tiền đó. Tuy nhiên, lãi suất khi đó ở mức thấp kỷ lục. Hiện tại, Tottenham nợ khoảng 850 triệu bảng với lãi suất hàng năm chỉ là 2,79% và mức lãi này sẽ được cố định trong nhiều năm tới.

Nhờ đó, Tottenham chỉ phải trả khoảng 22 triệu bảng tiền lãi mỗi năm nhưng đã tăng gấp ba lần doanh thu từ những ngày có thi đấu so với một thập kỷ trước, lên 103 triệu bảng. Họ cũng hứa hẹn gia tăng hơn nữa về thu nhập thương mại nhờ các sự kiện khác mà họ có thể tổ chức ở SVĐ mới cũng như lượng người đến sân hàng ngày tăng lên.

Man United cần làm gì để có 2 tỷ bảng xây SVĐ mới 100 nghìn chỗ 4
 

Lãi suất trung ương tại Anh hiện là 4,5%, vì vậy lãi suất thương mại - dành cho những khách hàng tốt nhất - sẽ cao hơn mức đó khoảng 2%. Nhưng Man United thậm chí có thể phải vay với mức lãi cao hơn nếu nhìn sang một ví dụ là Everton, đội gần đây đã vay 350 triệu bảng để xây dựng SVĐ mới, dự kiến ​​mở cửa vào mùa giải tới, với lãi suất 7,38% mỗi năm.

Vì vậy, giả sử Man United cần vay toàn bộ 2 tỷ bảng để xây SVĐ mới, cộng với khoản nợ ngân hàng và trái phiếu hiện tại là 730 triệu bảng thì theo mức lãi của Everton, đội chủ sân Old Trafford có thể mất mỗi năm gần 200 triệu bảng tiền trả lãi.

Những nhà phân tích tài chính cho biết, các đội bóng châu Âu gần đây đưa vào hoạt động những SĐV mới thường có xu hướng tăng gấp đôi thu nhập vào ngày thi đấu. Hiện tại, Man United kiếm được 108 triệu bảng/mùa từ các trận đấu trên sân nhà. Nhân đôi lên, số tiền này mới chỉ đủ cho họ trả lãi cho gần 3 tỷ bảng vay mượn.

Cuối cùng, có lẽ chỉ còn giải pháp bán tên sân là khả dĩ nhất. Michael Weaver, Trưởng hóm định giá tại văn phòng Kroll ở London và là chuyên gia về các giao dịch quyền đặt tên cho biết: “Nếu Man United bán quyền đặt tên cho Old Trafford, họ sẽ kiếm được khoảng 15 triệu bảng Anh một năm nhưng bạn có thể tăng gấp đôi số tiền đó cho một SVĐ mới. Nếu CLB quyết định xây dựng một sân mới, một thỏa thuận về quyền đặt tên trong, giả sử, 10 năm, sẽ trang trải đáng kể chi phí xây dựng và cho phép họ vay ngân hàng phần còn lại với lãi suất tốt hơn”.

Với phân tích như vậy, câu hỏi tiền đâu để xây sân đã hé lộ lời giải. Nhưng đấy cũng sẽ là một lựa chọn không dễ chấp nhận với các fan Quỷ Đỏ. Old Trafford, cái tên ấy, suốt bao thập kỷ qua đã ăn sâu vào tâm khảm những người yêu mến MU và liệu có ai muốn thấy “Nhà hát của những giấc mơ” giờ đây chỉ còn là một hoài niệm nằm ngay ngắn trong một góc bảo tàng của CLB?

Nguồn tham khảo:

‘Eiffel Tower of the north’? Manchester United unveil 100,000-seat new stadium project (The Guardian)

How Manchester United can fund a new £2bn stadium: Land sales, naming rights and… lose the spires? (The Athletic)

Hệ thống sân Old Trafford bị chuột hoành hànhHệ thống sân Old Trafford bị chuột hoành hành
Báo chí Anh tiết lộ MU tiếp tục gặp vấn đề về cơ sở hạ tầng khi rất nhiều chuột bị phát hiện đang hoành hành bên trong hệ thống sân Old Trafford.
Man United xác nhận xây sân 100 nghìn chỗ ngồiMan United xác nhận xây sân 100 nghìn chỗ ngồi
Man United chính thức công bố kế hoạch xây sân vận động 100.000 chỗ ngồi, thúc đẩy tái phát triển khu vực Old Trafford, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
CEO MU: Xây sân mới có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của độiCEO MU: Xây sân mới có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của đội
Giám đốc điều hành Manchester United, Omar Berrada, thừa nhận rằng đội bóng có thể gặp rủi ro trong việc cạnh tranh với các đối thủ khi đầu tư vào sân vận động mới.
Ryan Giggs hoài nghi về kế hoạch xây sân mới của MURyan Giggs hoài nghi về kế hoạch xây sân mới của MU
Huyền thoại Manchester United, Ryan Giggs, tỏ ra hoài nghi về dự án xây dựng sân vận động mới của câu lạc bộ và khẳng định thiết kế được công bố gần đây sẽ "không trở thành hiện thực".

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Thiago Motta ra đi nhưng đống đổ nát tại Juventus vẫn còn đó

Có rất nhiều tiêu chí để một CLB bóng đá lựa chọn HLV trưởng, bao gồm: tài năng, kinh nghiệm, sự am hiểu về giải đấu, am hiểu về truyền thống CLB hoặc đơn giản chỉ là phong cách chiến thuật của người này phù hợp. Ngược lại, khi “mối tình” tan vỡ dẫn đến việc sa thải bắt buộc phải xảy ra, gần như chỉ tồn tại một lý do duy nhất.

Juventus sa thải Thiago Motta: Những lý do và bài học cần rút ra

Có nhiều lý do khiến Juventus chia tay HLV Thiago Motta. Mỗi lý do riêng lẻ có thể chưa đủ để biện minh cho việc sa thải, nhưng xét về tổng thể, CLB không có lựa chọn nào khác: Motta phải ra đi. Dưới đây là 8 lý do khiến ông bị sa thải và 3 điều Juventus cần làm đúng trong thời gian tới, vì Motta không thể là “vật tế thần” duy nhất ở đây.

Tại sao Juventus sa thải Thiago Motta và bổ nhiệm Igor Tudor?

Mùa giải 2024/25 được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Juventus. Massimiliano Allegri thực dụng và cổ điển rời đi mở đường cho sự xuất hiện của Thiago Motta năng động, tiến bộ và hấp dẫn. Nhưng rốt cuộc, việc bổ nhiệm Motta - 42 tuổi và mới chỉ có 5 năm theo nghiệp HLV trước khi gia nhập Juventus - hóa ra lại là một sai lầm nữa của “Bà đầm già” trên hành trình tìm lại những đỉnh cao đã mất.

Thomas Tuchel và ĐT Anh: Từ “Southgate-ball” đến thứ bóng đá cường độ cao

Gareth Southgate đã dành nhiều năm đấu tranh với câu hỏi về bản sắc của ĐT Anh. Thử thách đặt ra là xây dựng một điều gì đó từ con số 0, một phong cách thuộc về chính ĐT Anh chứ không chỉ là sự phản chiếu từ các CLB. Việc thắp lên và bảo vệ ngọn lửa ấy đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ông.

top-arrow