Trước khi đến với bóng đá Việt Nam, Lee Nguyễn từng ăn tập và thi đấu tại Châu Âu trong màu áo tại PSV Eindhoven (Hà Lan), Randers (Đan Mạch). Chính bản CV hoành tráng này đã khiến ông bầu Đức của HAGL phải siêu lòng và đưa ra lời đề nghị thử việc tại đội bóng Phố Núi.
Khi trở về thử việc trong màu áo HAGL, trước thềm mùa giải mới 2009, Lee Nguyễn càng củng cố niềm tin rằng anh sẽ thành công khi lã cú hattrick vào lưới Bình Định ở buổi thử chân. Ngay lập tức, Lee Nguyễn được chào đón như một ngôi sao tại đội bóng Phố Núi.
Tiền đạo Việt kiều Lee Nguyễn đánh giá là một cầu thủ tài năng |
Nhưng không chỉ có vẻ ngoài của một ngôi sao, giới chuyên môn cũng cực kì ấn tượng với khả năng thực sự của Lee. HLV Mai Đức Chung từng dành những lời khen về cậu học trò cũ khi có dịp cùng làm việc tại Bình Dương: “Lee Nguyễn là cầu thủ xuất phát tốt nhất trong cự ly 5 mét. Điều này cực kì có lợi đối với một cầu thủ bóng đá.
Về chuyên môn, Lee Nguyễn được đánh giá là có tư duy chiến thuật rất nhạy bén. Những đường chuyền bóng rất chính xác cùng các cú sút uy lực.”
Thế nhưng Lee Nguyễn nhanh chóng bật bải khỏi HAGL và rồi là Becamex Bình Dương khi không thể tỏa sáng như đúng kì vọng mà người hâm mộ và giới chuyên môn dành cho anh. Đầu năm 2012, anh chính thức trở lại Mỹ trong màu áo của New England Revolution.
Vậy đâu là nguyên nhân thất bại của Lee Nguyễn 10 năm trước?
Mâu thuẫn với HLV Kiatisuk?
Cập bến HAGL với rất nhiều niềm tin rằng anh sẽ tỏa sáng, ngay mùa giải đầu tiên, Lee Nguyễn đã chứng tỏ được năng lực của bản thân với 9 bàn thắng cùng 12 đường kiến tạo cho HAGL.
Ngày 31/10/2009, HLV Kiatisuk chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng của đội bóng phố Núi và rồi cũng kể từ đó, người ta không thấy Lee Nguyễn thi đấu đúng với đẳng cấp của một chân sút đến từ Châu Âu nữa.
Lee Nguyễn có mâu thuẫn với HLV Kiatisuk? |
Kiatisuk đến, Lee Nguyễn lần đầu tiên phải ngồi dự bị ở hai trận đấu liên tiếp ở mùa giải 2010. Có lẽ nguyên nhân chính dẫn đến xung đột của hai nhân vật được coi là hạng sang tại HAGL lúc bấy giờ vẫn là câu chuyện “một nước không thể có hai vua”.
Trước khi Kiatisuk đến, Lee Nguyễn chẳng khác nào một “ông hoàng” tại đội bóng phố Núi. Từng có giai đoạn, cầu thủ này được sử dụng chuyên cơ riêng của bầu Đức để phục vụ các kế hoạch tập luyện và thi đấu của mình. Chính vì thế, khi một nhân vật tầm cỡ như Kiatisuk, người được coi là huyền thoại sống của HAGL trong giai đoạn 2002-2006, thì cuộc đua tranh vị thế cũng từ đó mà nổ ra. Có lẽ Lee Nguyễn sớm bật bãi khỏi sân Pleiku là chuyện dễ hiểu.
Sân chơi V-League “xù xì” với tiểu xảo và nạn chặt chém
Bên cạnh lý do mâu thuẫn với HLV người Thái, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Lee Nguyễn không thể tỏa sáng chính là phong cách thi đấu bạo lực, chặt chém của bóng đá Việt Nam.
Như HLV Mai Đức Chung đã từng chia sẻ: “Lúc đó, các giải vô địch trong nước hầu hết đều thi đấu dùng sức mạnh, thể lực và tiểu xảo quá nhiều, thậm chí là đá bậy. Điều đó khiến Lee Nguyễn phải e ngại phải đối mặt với những chấn thương.”
Nạn chặt chém khiến Lee Nguyễn không thể tỏa sáng - Ảnh: Sport5 |
Hay như HLV Nguyễn Thành Vinh cũng lý giải: “Không khó để chỉ ra nguyên nhân Lee Nguyễn thất bại ở V-League. Chính lối đá bạo lực theo kiểu chém đinh chặt sắt đã ‘giết chết’ Lee Nguyễn.
Cậu ta được đào tạo bài bản, có kỹ thuật, thuộc hàng hiếm, nhưng cũng không thể sống nổi với lối đá triệt hạ của V-League. Chưa vào sân mà hàng loạt cầu thủ đã tính làm thế nào để cho Lee Nguyễn nằm cáng thì làm sao mà đá được.”
Quả thực, Lee Nguyễn đến với bóng đá Việt Nam trong giai đoạn mà lối đá bạo lực sân cỏ đang lên ngôi tại V-League. Số thẻ vàng và thẻ đỏ tại V-League trong giai đoạn mà Lee Nguyễn thi đấu tại Việt Nam gần như gấp đôi so đó ở thời điểm hiện tại.
Mùa giải 2009, năm đầu tiên mà cầu thủ Việt kiều thi đấu cho HAGL, trọng tài rút ra tổng cộng 845 thẻ vàng và 52 thẻ đỏ tại V-League. Những mùa giải sau đó, số thẻ phạt giảm không đáng kể và vẫn ở ngưỡng đáng báo động. Mùa giải 2010, số thẻ được ghi nhận là 820 thẻ vàng và 44 thẻ đỏ. Ở mùa giải sau đó khi Lee sang khoác áo Bình Dương, con số thẻ phạt vẫn ở mức 794 thẻ vàng và 63 thẻ đỏ.
Lee Nguyễn về V-League trong giai đoạn bùng nổ của bạo lực sân cỏ |
So với số thẻ phạt trung bình của 5 mùa giải gần đây nhất, người ta hoàn toàn có lý để lo ngại cho chân sút Việt kiều khi thử sức tại V-League trong giai đoạn 2009-2011. Số thẻ phạt trung bình trong 5 mùa bóng gần đây chỉ đạt 623,3 thẻ vàng và 37 thẻ đỏ mỗi mùa.
Có lẽ chính tâm lý e ngại chấn thương đã khiến Lee Nguyễn đánh mất khả năng của mình khi thi đấu tại sân chơi V-League.
Được săn đón như một ngôi sao
Chuyển tới thi đấu trong màu áo HAGL, Lee Nguyễn được giới truyền thông săn đón như một ngôi sao đích thực của làng giải trí mỗi khi xuất hiện.
Chính Lee Nguyễn cũng từng thừa nhận anh “khó sống” khi ở Việt Nam khi nhận được sự quan tâm quá lớn từ người hâm mộ. Trả lời phỏng vấn của FIFA năm 2006, Lee Nguyễn từng chia sẻ: “Tại Việt Nam, tôi được xem như một thần tượng trong khoảng 2 năm thi đấu tại đây.
Lee Nguyễn được chào đón như một ngôi sao khi về V-League |
Tôi thường tạo ra hiệu ứng với người hâm mộ, giống hiệu ứng domino. Khi một người thấy bạn ở các trung tâm thương mại, họ sẽ thông báo cho những người khác. Và khi mọi người xung quanh vây đến, bạn sẽ không thể nào mà di chuyển được.”
Chính những hiệu ứng của một ngôi sao đã khiến cầu thủ này không có được sự tập trung cần thiết trong các buổi tập và sự chuẩn bị cần thiết trước mỗi trận đấu. Liệu đây có phải là gốc rễ dẫn đến những mâu thuẫn giữa anh và HLV Kiatisuk khi còn ở Pleiku?
Chuyển tới thi đấu tại Bình Dương, Lee Nguyễn vẫn không thể khẳng định được tên tuổi của mình. Và rồi cuối cùng Lee Nguyễn cũng đã phải rời khỏi Việt Nam để trở lại Mỹ khoác áo New England Revolution. Và câu chuyện Lee Nguyễn tỏa sáng ra sao tại đất nước cờ hoa ra sao hẳn mọi người cũng đã rõ.
Trước ngưỡng cửa trở lại V-League lần thứ 2, Lee Nguyễn vẫn được kì vọng sẽ tỏa sáng trong giai đoạn cuối của sự nghiệp với những phẩm chất kĩ thuật vốn có. Nhưng trên hết, chàng cầu thủ Việt kiều cần rút ra những bài học xương máu từ thất bại cách đây 10 năm.
Quỳnh Anh