(Bongda24h) – Với truyền thống và tầm vóc trong làng bóng đá châu Âu, mỗi cuộc chạm trán Anh – Tây Ban Nha xứng đáng là trận “siêu kinh điển” của lục địa già. Tay bút thể thao Graham Lister của Goal vừa điểm lại 5 cuộc thư hùng đáng nhớ nhất lịch sử đối đầu giữa hai đội.
Thứ tư này, ĐT Anh đang “vào phom” của HLV Fabio Capello sẽ có chuyến làm khách trước nhà ĐKVĐ châu Âu tại SVĐ Sanchez Pizjuan, Seville. Đây sẽ là lần gặp nhau 22 trong lịch sử hai đội, với phần thắng hơi nghiêng về ĐT Anh. Tam Sư đã đánh bại đối thủ trong 11 trận, để thua 7 và hòa 3 trận còn lại. Lần cuối cùng, họ để thua 0-1 trong chuyến hành quân đến Madrid, ở trận đấu sặc mùi phân biệt chủng tộc năm 2004.
Hierro và Sheringham trong trận tứ kết Euro 1996 giữa ĐT Anh - Tây Ban Nha
1. 15/5/1929: Tây Ban Nha 4-3 Anh (sân Metropolitano, Madrid)
Người dân xứ sương mù choáng váng vì lần đầu tiên đất nước sản sinh ra bóng đá (quan niệm ở thời điểm ấy) để thua một đội bóng không thuộc khối Liên hiệp Anh, mở ra thời kì phát triển đồng đều cho môn túc cầu giáo ở châu Âu. Với một HLV khá am hiểu bóng đá Anh là Fred Pentland (TBN có HLV riêng và người quản lý riêng, Jose Maria Mateos), La Furia Roja đã áp dụng lối đá kỹ thuật, chuyền ban ngắn để chia cắt các tuyến của ĐT Anh. Gaspar Rubio (2 bàn), Jaime Lazcano và Severino Goiburu là những người lập công cho TBN, trong khi Joe Carter (2) và Joe Bradford suýt làm nên cuộc lội ngược dòng cho Tam Sư. 2 năm sau trận thua này, ĐT Anh “trả thù” ngọt ngào bằng chiến thắng đậm 7-1 trên sân Highbury, nhưng có lẽ thất bại ở Madrid sẽ là “vết thương lòng” mãi không phai của tuyển Anh.
2. 5/7/1982: Tây Ban Nha 0-0 Anh (sân Bernabeu, Madrid)
Trong kì World Cup được tổ chức tại Tây Ban Nha, hai kình địch của lục địa già lại chạm trán nhau nhưng tình thế trái ngược của cả hai lại khiến trận đấu không kịch tính như mong đợi. ĐT Tây Ban Nha của HLV Jose Santamaria đã bị Tây Đức loại khỏi cuộc chơi, nhưng đội quân của HLV Ron Greenwood vẫn có cơ hội vươn lên ngôi đầu bảng nếu giành chiến thắng (TBN, Anh và Tây Đức thuộc bảng B vòng bảng thứ 2). Tuy nhiên, pha bỏ lỡ đáng tiếc của Kevin Keegan ở cuối trận, trong tình huống đánh đầu mà ông thường thành công, khiến ĐT Anh chung số phận với đối thủ: bị loại khỏi World Cup 82 mặc dù đã trải qua chuỗi 5 trận bất bại.
Kevin Keegan tiếc nuối vì ĐT Anh bị loại khỏi vòng bảng thứ hai
World Cup TBN 1982
3. 18/2/1987: Tây Ban Nha 2-4 Anh (sân Bernabeu, Madrid)
Thời điểm ấy, Sir Bobby Robson và Miguel Munoz là hai chiến lược gia dẫn dắt hai đội bóng. Đây cũng là trận đấu mà Tony Adams ra mắt trong màu áo ĐT Anh nhưng có lẽ Gary Lineker mới là ngôi sao sáng nhất, với mà trình diễn ấn tượng ngay tại “sào huyệt” đối thủ. Tiền đạo có bề ngoài bắt mắt này là người giành chiếc giày vàng tại World Cup 1986 và không còn xa lạ với NHM xứ đấu bò khi chuyển sang thi đấu cho Barcelona. Lineker là người ghi cả 4 bàn thắng cho ĐT Anh, sau khi Emilio Butragueno là người mở tỉ số cho TBN. Ramon Vázquez khép lại trận đấu bằng bàn thắng muộn cuối hiệp hai.
4. 22/6/1996: Anh 4-2 Tây Ban Nha (pen) (sân Wembley, London)
Sau hai hiệp chính, hai đội hòa 0-0 và ĐT Anh, với tư cách chủ nhà Euro 1996, đã vượt qua TBN bằng loạt đấu súng cân não. Đội quân của HLV Terry Venables khi ấy gây ấn tượng mạnh bằng màn trình diễn thuyết phục ở vòng bảng, nhưng phải nhờ đến may mắn và cả những sai lầm của trọng tài, sư tử Anh mới gầm vang trước Bò tót TBN.
Trận đấu có mọi thứ: kịch tính, căng thẳng, cơ hội, nhưng… trừ bàn thắng. Đội quân của HLV Javier Clemente đã đưa được bóng vào lưới hai lần, nhưng trọng tài lại thẳng thừng từ chối hai pha lập công của Francisco Kiko và Julio Salinas vì lỗi việt vị. Ở loạt đá penalty, Fernando Hierro sút trúng xà ngang, còn tuyển thủ xuất sắc nhất của Tây Ban Nha thời điểm ấy, Miguel Angel Nadal (chú của tay vợt số 1 thế giới Rafael Nadal) đưa bóng bay thẳng lên khán đài.
Beckham và dấu ấn “thủ lĩnh” năm 2001
5. 28/2/2001: Anh 3-0 Tây Ban Nha (sân Villa Park, Birmingham)
HLV Sven-Goran Eriksson lấy lòng NHM ĐT Anh bằng việc trao chiếc băng đội trưởng cho David Beckham, đây cũng là lần đầu tiên anh được vinh dự đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh Tam Sư. Sự hưng phần của Beckham giống như nguồn cảm hứng giúp đội chủ nhà giành quyền kiểm soát thế trận trước đối thủ được đánh giá mạnh hơn vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, trận đấu chắc chắn sẽ còn hấp dẫn hơn nữa nếu hai đội không liên tục thay người (7 cầu thủ mỗi bên) khiến thế trận bị gián đoạn.
Tây Ban Nha là đội thống lĩnh thế trận trong 35 phút đầu tiên, nhưng sau khi Nick Barmby tỏa sáng với bàn thắng mở tỉ số, Tam Sư dễ dàng có thêm hai pha lập công của Emile Heskey và Ugo Ehiogu. TBN đã có cơ hội ghi bàn thắng danh dự nhưng cú sút từ chấm đá phạt 11m của Javier Moreno lại không thể khuất phục được thủ thành Nigel Martyn. Phát biểu sau trận đấu, HLV Jose Antonio Camacho thừa nhận rằng “ĐT Anh chơi bóng, còn TBN chỉ chạy theo bóng”.
-
Hải Phong