Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc ngày thi đấu áp chót ASIAD và giành 3 HCV gồm bắn súng, cầu mây và karate. Theo Trưởng đoàn Đặng Hà Việt, Đại hội thể thao châu Á lần này có nhiều khó khăn và ảnh hưởng tới thành tích của các VĐV.
Trong đó, đáng tiếc nhất là VĐV xe đạp Nguyễn Thị Thật về thứ 4 nội dung của mình, kém người giành HCV chưa đầy 1 giây. Nguyễn Thị Thật chấn thương nặng trước thềm ASIAD, mới chỉ bình phục và khiến xe đạp thay đổi mục tiêu từ cạnh tranh HCV, xuống còn cạnh tranh huy chương. Tay đua An Giang đã nỗ lực hết sức để nhắm đến ngôi số 1, nhưng không thành công.
Việt Nam mới chỉ giành 3 tấm HCV ASIAD |
Boxing cũng để lại nhiều tiếc nuối, với chấn thương của VĐV Nguyễn Thị Tâm khiến thành tích không đạt như mong muốn. Bắn súng dù có HCV của Phạm Quang Huy, nhưng còn một vài VĐV được kỳ vọng, đạt thông số cao lúc tập luyện, nhưng thể lệ thay đổi của môn bắn súng yêu cầu sự ổn định và tâm lý thi đấu, dẫn đến kết quả không được như ý.
“VĐV là nhân tố quyết định, nên không thể đưa ra chỉ tiêu chính xác trước giải” – Trưởng đoàn Đặng Hà Việt chia sẻ. “Ngoài ra bất lợi cho các nước Đông Nam Á, đó là những hạng cân nhỏ như 56kg trong cử tạ bị đưa khỏi Olympic, đua thuyền được đầu tư nhiều, nhưng tại ASIAD cân cả trọng lượng VĐV và thuyền, chúng ta chỉ có các VĐV thấp bé về thể hình, vì vậy phải sử dụng thuyền nhẹ, khó cạnh tranh được với Nhật Bản hay Trung Quốc”.
“VĐV Nguyễn Huy Hoàng đạt chuẩn A Olympic, đó là nỗ lực lớn, nhưng không phải ngày một ngày hai chúng ta có nhà vô địch ASIAD hay Olympic. Với Huy Hoàng, chuyên gia Hoàng Quốc Huy (người Trung Quốc) đã mất, hiện chưa tìm được người có trình độ đưa Huy Hoàng lên đỉnh cao Olympic. Chúng ta cần hệ thống bài bản, từ công tác giáo dục thể chất, công tác tuyển chọn trên cả nước, trong các trường học. Nếu làm được sẽ chọn được nhiều VĐV tiềm năng”
Khó khăn và thách thức với thể thao Việt Nam |
Theo ông Đặng Hà Việt, thành tích thể thao là sự cạnh tranh của những nền kinh tế lớn trên thế giới, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cạnh tranh ASIAD; Trung Quốc và Mỹ so tài Olympic. “Nền kinh tế giải quyết vấn đề đầu tư, tài trợ, giúp VĐV đạt thành tích. Để nâng công tác tuyển chọn, đào tạo nhân lực là quá trình nhiều năm. Từ một VĐV tiềm năng đến đạt thành tích cao, phải mất 10 năm, tiêu tốn kinh phí lớn.
Phải đưa khoa học vào huấn luyện, từ vấn đề dinh dưỡng đến tập luyện, thống kê, đòi hỏi nguồn lực lớn. VĐV cầu lông Nguyễn Thuỳ Linh đi nước ngoài thi đấu một mình, không có HLV, chuyên gia hay bác sĩ đi theo, bởi chúng ta không đủ khả năng làm điều đó. Thể thao cần sự quan tâm từ lãnh đạo nhà nước, mong muốn sự phát triển mạnh của nền kinh tế”.