Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Ngôi sao sân cỏ, những nhà quý tộc... hạ lưu

Chủ Nhật 21/10/2012 15:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nhà đẹp, xe đẹp, tiền nhiều và gái đẹp... bất cứ cầu thủ Anh nào cũng có thể tự hào vỗ ngực đen đét với đời mà rằng: Này, tôi là... quý tộc! Đúng, sự giàu có của bóng đá Anh đã sản sinh ra những nhà quý tộc sân cỏ.

Nhưng sự thực các ngôi sao Anh lại luôn hay gây scandal và rượu chè be bét, bởi tuy khoác lên mình chiếc áo lộng lẫy của giới thượng lưu, nhưng cái đầu của họ vẫn mang nặng ý thức “đá bóng giỏi không cần phải học hành” từ những gia đình xuất thân của họ là lao động chân tay phổ thông.

SIÊU SAO ANH, HỌ Ở ĐÂU RA?

Xin hỏi, anh thuộc tầng lớp nào? Có rất nhiều cách để phân tầng xã hội, trong đó cách phổ biến, truyền thống và đơn giản nhất vẫn là lật hồ sơ xem ai đẻ ra anh và ông bố đáng kính của anh là ai? Nếu điều tra theo phương pháp còn gây ra nhiều tranh cãi này, không ít ngôi sao hào nhoáng ở Premiership hay ĐT Anh sẽ cảm thấy... e ngại, bởi bố mẹ họ là những con người bình thường, phải lao động bằng chân tay và phải vật lộn mưu sinh với đời vì miếng cơm manh áo.

Theo con số cung cấp từ Trung tâm Nghiên cứu Hộ gia đình Anh (British Household Panel Survey - BHPS) thì không ít NHM phải ngạc nhiên, khi biết rằng các ông bố nổi tiếng của những ngôi sao lừng danh của Tam Sư (chỉ tính những ngôi sao dự các VCK World Cup vào các năm 1998, 2002, 2006 và 2010) xuất thân từ nghề lao động chân tay.

 

Đến giờ, họ vẫn phải đổ mồ hôi để kiếm sống hoặc... đang thất nghiệp như thân phụ của Vassell, Terry, Shearer, Seaman, Scholes, Rooney, Merson, McManaman, Ince, Heskey, Gerrard, Fowler, Adams, Batty, Beckham, Campbell, Ferdinand, Ashley Cole hay Downing.

Cha của Heskey tuy đã lớn tuổi, nhưng vẫn phải cầm... dùi cui tham gia đội bảo kê cho một hộp đêm phức tạp ở Liverpool. Cha của Le Saux và Joe Cole là những ông bạn đồng nghiệp chạy hoa quả bửa mặt ở các “chợ đầu mối” tại ngoại ô London. Cha của Darren Anderton từng mở một công ty riêng, nhưng nhanh chóng phá sản và phải hành nghề tài xế taxi kiếm sống qua ngày. Cha của Carragher tạm ổn với một quán rượu nhỏ...

Chỉ có 5 ngôi sao có cha không phải lao động chân tay vì “được học hành tử tế” là Peter Crouch (giám đốc sáng tạo công ty quảng cáo quốc tế), David James (họa sĩ), Theo Walcott (nhân viên thuộc Không quân Hoàng gia), Rob Lee (nhân viên công ty vận tải biển) và Gareth Southgate (nhân viên IBM).

ĐÁ BÓNG GIỎI CẦN QUÁI GÌ HỌC!

Theo Viện nghiên cứu Xã hội và Kinh tế Anh (Institute for Social & Economic Research - ISER), từ trước khi Premiership ra đời (1992), vì nhu cầu phát triển chóng mặt của bóng đá, các trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ ở Anh đã “quét sạch” trẻ em mà họ cho là có tài năng hoặc có thể phát triển ở mọi hang cùng ngõ hẻm tại xứ Sương mù.

Nhưng cũng theo con số của ISER, cho đến cuối thập niên 1980, 70% người Anh rời bỏ trường học để đi tìm việc làm ở độ tuổi 16, dĩ nhiên, khi bằng cấp không có, lại không được đào tạo bài bản, số người trên chỉ có thể tìm kiếm những công việc lao động chân tay.

70% là một con số lớn, tạo nên một tầng lớp người trong xã hội mà các nhà xã hội học gọi là “tầng lớp trung lưu” và quá trình này theo lăng kính của các nhà kinh tế-chính trị là “sự tư sản hóa” (embourgeoisement). Điều đó giải thích tại sao, đa số các ngôi sao hiện tại của Tam Sư cũng như Premiership có xuất phát điểm từ “tầng lớp trung lưu” hoặc thấp hơn.

Trong bối cảnh bóng đá Anh lùng sục tài năng trẻ, cộng thêm sự ảnh hưởng từ lối giáo dục của những gia đình thuộc “tầng lớp trung lưu”, lớp trẻ ở Anh thường có xu hướng nghĩ tới bóng đá, hơn là học hành khổ cực để kiếm một tấm bằng.

Và “tư tưởng trung lưu” kiểu như “đá bóng giỏi không cần học hành” lại càng ăn sâu vào tâm trí của những ngôi sao trẻ ở lò đào tạo. Mặt khác, chính các trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ chỉ xem việc bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho cầu thủ trẻ... cho có. Bởi họ cần đôi chân săn chắc của cầu thủ, hơn là cái đầu đầy chữ.

Vì sao các ngôi sao Anh hay gây scandal và rượu chè nát bét? Trong cuốn tự truyện “Managing My Life: The Autobiography” của mình, HLV Alex Ferguson lý giải: “Đó là vấn đề của cả một thế hệ. Hầu hết các cầu thủ là con cái của những gia đình lao động phổ thông. Bố mẹ, anh chị họ là công nhân của những xưởng máy hay những mỏ than.

Những người này có thói quen ăn nhậu sau những giờ lao động cực nhọc và thứ văn hóa ăn nhậu, say sưa bí tỉ ấy đã hằn sâu vào đầu óc họ từ thời thơ ấu. Chính vì thế, sau mỗi trận đấu cuối tuần, giới cầu thủ bao giờ cũng có xu hướng ăn chơi bung bét một đêm”.

MUỐN THÀNH CÔNG, CẦN CHƠI BÓNG BẰNG ĐẦU

Ngày nay, theo thống kê của ISER, hơn 70% giới trẻ Anh tiếp tục cắp sách tới trường ở tuổi 16, 40% trong số này theo học ở cấp cao hơn. Ở bình diện Premiership, dân trí cũng được nâng cao lên, khi các HLV ngoại và cầu thủ ngoại tràn ngập xứ Sương mù.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của hai học giả Stefan Szymanski và Simon Cuper trong cuốn sách “Soccernomics”, phần lớn những ngôi sao bạc triệu người Anh có nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp trung, hạ lưu vẫn: “nhổ nước bọt vào mặt cái bọn trí thức, khạc nước miếng vào cái sự học hành”. Bởi vậy, Không ai có thể nghi ngờ nhận định của Sir Alex đáng kính.

“Thánh” Johan Cruyff định nghĩa: “Bóng đá là môn chơi mà bạn phải sử dụng cái đầu”. Ngoài Cruyff, những huyền thoại khác của bóng đá thế giới như Ruud Gullit, Dennis Bergkamp, Tostao, Socrates, Osvaldo Ardiles, Jorge Valdano, Pep Guardiola, Fernando Redondo, Kaka... vẫn kiên trì học hành dù đã qua tuổi 16 và đã thành danh.

Người La Mã từng xây dựng được một đế chế hùng mạnh từ thế kỷ 1 trước Công lịch nhờ đội quân tinh nhuệ. Nhưng khi quân đội và chiến binh La Mã chiêu mộ rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội tham gia thì quân đội ấy dần suy tàn, dẫn đến sự diệt vong của cả một đế quốc hùng mạnh.

ĐT Anh từng vô địch World Cup 1966, nhưng Tam Sư chưa bao giờ đủ tầm để có thể so sánh như một đế chế kiểu La Mã. Tuy vậy, cái cách suy tàn và thất bại của ĐT Anh lại hệt như đế quốc vĩ đại của Julius Caesar. Nghĩa là, khi bóng đá trở thành một nghề “hot”, nó sẽ thu hút mọi thành phần trong xã hội tham gia, trong đó như đã nói, phần lớn cầu thủ có xuất phát điểm thấp về nhận thức.

Họ đá bóng bằng chân mà thiếu cái đầu như Johan Cruyff, Ruud Gullit, Tostao hay Socrates. Thế nên, muốn biến Tam Sư trở thành một đế chế, thì thay vì hạn chế ngôi sao nước ngoài ở Premiership, FA mà rộng hơn nữa là xã hội Anh nên dẹp bỏ “tư tưởng hạ lưu” trong bóng đá...

Trường Thanh - Bongdaplus.vn

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X