Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Chuyện "bóng kín, bóng lộ" trong bóng đá: Khi “quả bom đồng tính” phát nổ

Chủ Nhật 30/09/2012 15:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ở vòng đấu thứ ba của Bundesliga mùa giải 2012-2013, tất cả các cầu thủ ra sân đều khoác trên mình chiếc áo thi đấu mang dòng chữ “Geh Deinen Weg” (Hãy đi theo con đường của bạn) trước ngực. Đó là thông điệp thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của cả làng bóng đá Đức đối với các cầu thủ đồng tính.

Chuyện của cầu thủ

Trước đó vài ngày, Thủ tưởng Đức, bà Angela Merkel, đã công khai bảo vệ các cầu thủ đồng tính. Bà nhắc lại sự việc liên quan đến tiết lộ của ông Michael Becker, người đại diện của tiền vệ Michael Ballack, trên tờ Der Spiegel (“Tấm gương”, phát hành ở Đức) về những câu chuyện đồng tính tại đội tuyển Đức ở World Cup 2010 trên đất Nam Phi. Khi đó, Liên đoàn bóng đá Đức đã lặng thinh trước “quả bom đồng tính” mà ông Becker tung ra, và bây giờ, bà Merkel cho rằng đó là một quyết định sai lầm.

Theo người đàn bà quyền lực nhất nước Đức, thay vì phủ nhận mọi chuyện, những người làm bóng đá cần phải kêu gọi các cầu thủ thừa nhận giới tính thật của mình và bảo vệ họ trước sức ép của dư luận. Muộn còn hơn không, bà Merkel đã làm điều mà lẽ ra những người có trách nhiệm phải làm ít nhất hai năm về trước. Ở Đức, đồng tính không còn là một chủ đề mang tính cấm kỵ nữa, khi nhiều chính trị gia nổi tiếng cũng đã công khai giới tính thật. Ông Guido Westerwelle, bộ trưởng ngoại giao và kiêm cả chức phó thủ tướng giai đoạn 2009-2011, hay Klaus Wowereit, cựu thị trưởng thủ đô Berlin, đều thẳng thắn thừa nhận mình là dân đồng tính.

Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch Ban Tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức Reinhard Rauball (phải) và Chủ tịch CLB Bayern Munich Uli Hoeness thể hiện sự ủng hộ và bảo vệ với cầu thủ đồng giới
Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch Ban Tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức Reinhard Rauball (phải) và Chủ tịch CLB Bayern Munich Uli Hoeness thể hiện sự ủng hộ và bảo vệ với cầu thủ đồng giới

Bà Merkel coi việc bảo vệ dân đồng tính là một thông điệp chính trị của mình, và nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Chủ tịch Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức Reinhard Rauball hay Chủ tịch câu lạc bộ Bayern Munich, Uli Hoeness, đều lên tiếng ủng hộ bà Merkel. Chính từ những tiếng nói ủng hộ này, Liên đoàn bóng đá Đức đã phát đi thông điệp bảo vệ người đồng tính một cách rộng rãi, thông qua hình thức in lời kêu gọi lên áo đấu của tất cả các cầu thủ ra sân ở vòng ba Bundesliga vừa qua. Đó là một bước tiến rất dài trong nỗ lực giúp đỡ những người đồng tính nói chung, những cầu thủ đồng tính nói riêng, được sống thật với giới tính của mình.

Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch Ban Tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức Reinhard Rauball (phải) và Chủ tịch CLB Bayern Munich Uli Hoeness thể hiện sự ủng hộ và bảo vệ với cầu thủ đồng giới

Chuyện của cổ động viên

Không chỉ dành cho cầu thủ, thông điệp chính trị về người đồng tính của bà Merkel còn hướng đến các cổ động viên, những người vẫn phải chịu không ít mặc cảm và áp lực dư luận khi theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Cho tới nay, đã có khoảng hơn 20 câu lạc bộ cổ động viên bóng đá dành cho người đồng (gay, đồng tính nam và lesbian, đồng tính nữ) ở Đức công khai đấu tranh đòi quyền bình đẳng, quyền được tha thứ và chấp nhận trong xã hội. Hertha-Junxx, một hội cổ động viên của Hertha Berlin, là ví dụ điển hình.

Vào lúc khoảng 10 tuổi, Werner Pohlenz, một cổ động viên của Hertha, đã cảm thấy điều gì đó không bình thường trong cơ thể mình. Cậu đã yêu một người bạn trai học cùng lớp, nhưng không thể nói ra điều đó. Trò chơi trốn tìm trong cậu cứ thế tiếp diễn, cho đến khi mọi thứ được công khai. “Kể từ năm 17 tuổi, tôi đã trở thành một người “bóng lộ”. Nhưng tôi không dám nghĩ đến việc đến sân xem một trận bóng, dù đó là niềm đam mê. Tôi chỉ có thể thưởng thức qua tivi”, Pohlenz, giờ là một biên tập viên thời sự trên truyền hình ở Đức, chia sẻ.

Nhưng Hertha-Junxx, câu lạc bộ cổ động viên bóng đá đồng tính đầu tiên ở Đức, đã khiến Pohlenz thay đổi. Ý tưởng thành lập câu lạc bộ này manh nha từ năm 2001, khi chủ đề đồng tính trong bóng đá được thảo luận tại các diễn đàn trên internet, cũng như ở các tạp chí dành cho gay và lesbian. Hertha, đội bóng chuyên nghiệp của thủ đô Berlin, bày tỏ sự ủng hộ với câu lạc bộ bằng cách hợp tác và chia sẻ trên tạp chí của mình. Theo thời gian, ngày càng có nhiều thành viên gia nhập Hertha-Junxx. “Chúng tôi đang thể hiện rằng cuộc sống của những người đồng giới cũng bình thương như bao người khác”, Pohlenz nói.

Cuộc phỏng vấn nặc danh

Đề tài cầu thủ đồng tính được phổ biến rộng rãi ở Đức hiện này nhờ phần nào vào cuộc phỏng vấn với một người giấu mặt. Một tạp chí dành cho giới trẻ đã phỏng vấn một cầu thủ đồng tính không tiết lộ danh tính, nghe người này kể về việc anh ta đã phải giấu đi giới tính thật sự của mình như thế nào. “Tôi không biết phải mất bao lâu để vượt qua sức ép khi mọi chuyện về giới tính của tôi được công khai”, người này chia sẻ. Cầu thủ đồng tính này cũng nói thêm rằng anh ta được khuyên nên cặp kè với phụ nữ khi xuất hiện tại các sự kiện thu hút nhiều người chú ý. Anh biết có rất nhiều cầu thủ đồng tính ở Bundesliga, và hy vọng bài phỏng vấn của mình là một phát súng mở màn cho trào lưu công khai giới tính thật của các đồng nghiệp.

Bài phỏng vấn nhanh chóng tạo ra một cơn sốt ở Đức. Tờ Bild xu hướng lá cải đưa lên trang nhất, và chỉ vài giờ sau, hàng loạt tờ báo, kênh phát thanh và các trang chia sẻ cá nhân dẫn lại. Một lần nữa, vấn đề được đặc biệt chú ý và nhiều người cố tìm hiểu là cầu thủ nào đứng ra trả lời cuộc phỏng vấn này. Gerd Eiserbeck, một cảnh sát, cho rằng đó là điều hết sức đáng tiếc. Eiserbeck thể hiện sự ủng hộ với các cầu thủ và cổ động viên đồng tính bằng cách căng một tấm băng-rôn trên sân Olympic mỗi khi Hertha đá ở Berlin. Băng-rôn dài 12 m, được trang trí bằng màu của bảy sắc cầu vồng, in dòng chữ “Bóng đá là mọi thứ, kể cả người đồng tính”.

Với những người như Pohlenz và Eiserbeck, Hertha-Junxx vừa là nơi gặp gỡ, kết bạn và giao lưu, vừa là một diễn đàn chính trị. “Sau một thời gian dài bị cho là không quan tâm nhiều đến các cổ động viên, giờ đây, với việc ủng hộ những người hâm mộ đồng tính, Hertha sẽ được tha thứ”, Eiserbeck nhận xét. Hertha-Junxx thường xuyên tổ chức các bữa tiệc đường phố, để kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi của mọi người. Giáng sinh năm ngoái, bữa tiệc của Hertha-Junxx có sự tham dự của một nhân vật nổi tiếng là Malik Fathi. Cựu cầu thủ của Hertha đã đến, nói chuyện, chụp ảnh và ký tặng mọi người, dù anh nhấn mạnh rằng anh là nam giới đúng nghĩa.

Hertha-Junxx trở thành lá cờ đầu của nhiều nhóm cổ động viên đồng giới khác. Hiện tại, có khoảng hơn 20 câu lạc bộ kiểu này công khai hoạt động tại Đức, như Queerpass ở St. Pauli, Rainbow-Borussen ở Dortmund hay Andersrum Rut-Wiess ở Cologne. Sự xuất hiện công khai và hoạt động ngày càng rầm rộ của các câu lạc bộ này, cùng sự ủng hộ và bảo vệ của các nhân vật nổi tiếng như bà Merkel, ông Rauball hay ông Hoeness, cầu thủ và cổ động viên đồng giới ở Đức đang đứng trước cơ hội được sống thật với giới tính của mình mà không chịu quá nhiều sức ép từ dư luận.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X