Không phải đến bây giờ thì vấn đề khủng hoảng nhân sự ở ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam vì thói quen sử dụng ngoại binh của các CLB tại V-League và giải hạng Nhất mới được đặt ra, nhưng càng ngày bài toán này càng trở nên khó tìm lời giải, và hậu quả mà nó mang lại cũng ngày một lớn hơn.Từ chỗ là tiền đạo, Tăng Tuấn (trái) đã bị điều chuyển đá tiền vệ, thậm chí là hậu vệ
SEA Games 24 năm 2007 là kỳ SEA Games cuối cùng bóng đá Việt Nam sở hữu một lứa tuyển thủ tài năng có thể chơi cùng lúc cho cả ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam mà gần như không có sự khác biệt quá lớn. Sau thế hệ sinh năm 1985 của những Công Vinh, Việt Cường, Quang Thanh hay Anh Đức ấy, bóng đá Việt Nam không còn sản sinh ra thêm một thế hệ cầu thủ nào có năng lực tương tự.
Ở 2 kỳ SEA Games gần đây nhất là 2009 và 2011, vấn đề chất lượng nhân sự của ĐT U23 Việt Nam luôn là cơn ác mộng của các đời HLV ngoại. Thậm chí, tại SEA Games 2011 ở Indonesia, ĐT U23 Việt Nam thiếu thốn chân sút tới mức HLV Falko Goetz phải ghi tên Tuấn Anh vào danh sách tới Indonesia, dù rằng tiền đạo này thậm chí còn chưa có chỗ đứng chính thức ở CLB hạng Nhất Đồng Nai.
Kịch bản tương tự đang xảy ra ở ĐT U23 Việt Nam, khi lựa chọn trong tay HLV Hoàng Văn Phúc cho vị trí tiền đạo là rất ít ỏi, khi tuyệt đại đa số các CLB ở V-League và hạng Nhất đều có thói quen sử dụng tiền đạo ngoại.
Và không chỉ có hàng tấn công, tuyến phòng thủ cũng đang là nỗi lo không nhỏ của HLV Hoàng Văn Phúc, khi xu hướng dùng trung vệ ngoại hoặc ngoại binh nhập tịch ở V-League của các CLB đã khiến sân cỏ nội địa ngày càng khan hiếm trung vệ nội trẻ có tư chất thủ lĩnh, bởi cầu thủ trẻ nếu có may mắn được vào sân đá trung vệ thì cũng chỉ sắm vai phụ, nói gì tới việc làm thủ lĩnh ở hàng phòng ngự.
Có thể nói rằng 2 ĐTQG đã và đang gánh chịu hậu quả trực tiếp từ thói quen đóng đinh ngoại binh ở một số vị trí cố định của nhiều CLB, và chuyện này ngày càng trở nên phức tạp và rắc rối hơn.