Anh Đức và Công Vinh đều sinh năm 1985, nhưng đã có thâm niên đến chục năm chơi V-League. Mặc dù vậy, Đức và Vinh hiếm có dịp tác hợp cùng nhau trên bình diện các ĐTQG, khi phần lớn các HLV trưởng trên ĐTQG đều không chọn Đức, và đối tác của Vinh khi là Văn Quyến, lúc đến Việt Thắng. Chỉ có ĐT U20 QG (năm 2003 đổ về trước) và U23 QG tại SEA Games 2007 (Thái Lan) là những lần hiếm hoi cả 2 đều lên tập trung.Công Vinh hay Anh Đức đã ở vào độ chín sự nghiệp nhưng những cầu thủ thay thế xứng tầm thì chưa thấy
Nếu như khát vọng cống hiến và chiến đấu luôn là thước đo, thậm chí là yếu tố quyết định để một HLV giữ lại một tuyển thủ trên ĐT, thì Anh Đức chưa một lần chứng minh được mình đã sẵn sàng. Không cáo ốm, chấn thương thì cũng là một lý do A, B, C nào đó để Đức được trả về.
Về mặt khoa học thể thao, với sự phát triển tự nhiên, thế hệ sinh năm 84-85 của những Anh Đức, Công Vinh, Quốc Anh, Tấn Tài, Vũ Phong… đang vào độ chín nhất của nghề nghiệp. Và thực tế, họ vẫn còn chiếm số đông quân số trên ĐTQG, là trụ cột của ĐT Việt Nam cũng như các CLB ở V-League.
Một chi tiết rất đáng lưu tâm là sau thế hệ 84-85 này, lứa kế cận của bóng đá Việt Nam quá mỏng, khi quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là Thành Lương, Trọng Hoàng.
Do cạnh tranh được vị trí trên hàng tiền đạo ở CLB với ngoại binh đã khiến năng lực của các chân sút nội bị thui chột thấy rõ. Đó là lý do mà ĐT Việt Nam thời gian qua phải kỳ vọng vào cầu thủ trẻ Việt kiều như Mạc Hồng Quân. Ngay cả lúc này, khi Minh Tuấn đã có biểu hiện “lớn”, nhưng dám chắc HLV Hoàng Văn Phúc cũng khó thể chọn tiền đạo SHB.ĐN làm hạt nhân, với sự kỳ vọng lớn như Công Vinh, Việt Thắng hay Văn Quyến trước đây. Một lỗ hổng được báo trước là rất khó lấp.
Đây nghiễm nhiên là vấn đề cũ, thậm chí là biết rồi, khổ lắm nói mãi, lẽ đương nhiên, nó là thách thức thực sự lớn với HLV Hoàng Văn Phúc và với cả nền bóng đá. Chúng ta không thể đi săn mà không cần mũi tên hay không có súng. Đấy là điều chắc chắn!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)