Ở ngay cả nền bóng đá phát triển, người ta không đợi đến khi một cầu thủ 17-18 tuổi mới có thể định lượng được khả năng chơi bóng, bởi đấy là độ tuổi để bước lên đội một, tham dự những sân chơi đỉnh cao và thậm chí còn được gọi vào ĐTQG. Ronaldo tại Word Cup 1994 hay Theo Walcott ở World Cup 2006 là những viện dẫn. Tất nhiên cả 2 đều không được tạo nhiều cơ hội thi đấu như… Thanh Bình của chúng ta.
Ngày đó, các HLV trưởng ĐT Brazil (của Ronaldo) và ĐT Anh (Theo Walcott) giải thích rằng, việc đưa 1, 2 cầu thủ trẻ đến với các giải đấu lớn chỉ để nếm trải bầu không khí ĐT, chứ không phải bởi nền bóng đá thiếu nhân tài. Tất nhiên, mọi quyết định chọn lựa đều gây tranh cãi, nhưng cùng với thời gian, nó đã chứng minh tầm nhìn của những chiến lược gia có hạng.
Quay lại với bóng đá Việt Nam và bản danh sách tập trung ĐT U23 QG, với gần 30 cầu thủ vừa mới được thông qua, người trẻ nhất năm nay cũng đã 20. Đó là Thanh Hiền (TĐCS.ĐT) và Mạnh Hùng (SLNA), một đang chơi giải hạng Nhất, một còn lại có mùa giải đầu tiên đá V-League. Nhưng, so với mặt bằng chung các vị trí mà 2 cầu thủ này chơi, việc cạnh tranh suất đá chính là không đơn giản.
Phải nói là từ khá lâu rồi, chúng ta không còn được thưởng lãm một ngôi sao 17-18 tuổi tỏa sáng ở các giải đấu như SEA Games hay AFF Cup nữa. Đấy cũng là câu hỏi lớn cho hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Những người chịu trách nhiệm cao nhất với sự tồn vong của nền bóng đá cũng cần xem lại cung cách làm bóng đá chuyên nghiệp, để tuấn kiệt không như sao buổi sớm.