Thứ Sáu, 27/12/2024Mới nhất
Zalo

V-League không còn K.Kiên Giang: Nên vui nhiều hơn buồn

Thứ Sáu 01/11/2013 06:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Có thể CĐV của bóng đá Kiên Giang hụt hẫng vì CLB này không góp mặt ở V-League mùa sau. Nhưng với những ai theo dõi bóng đá nội thời gian qua, đấy là chuyện trước sau gì cũng đến. Thậm chí, đấy còn là tín hiệu cho thấy nhiều nét mới đáng ghi nhận.

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF – nơi tổ chức 2 giải V-League và hạng Nhất) đã chính thức phát đi thông báo K.Kiên Giang không hoàn tất thủ đăng ký đúng thời hạn, điều này cũng đồng nghĩa với việc đội bóng miền Tây Nam bộ sẽ bị gạch tên khỏi V-League mùa tới. Thật ra, đấy là vấn đề không mới, là chuyện trước sau gì cũng xảy ra và nhiều tháng qua, những ai hiểu bóng đá Việt Nam chỉ còn chờ lời cáo chung của CLB K.Kiên Giang một cách chính thức.

Có thể việc K.Kiên Giang bị xóa tên khỏi V-League mùa sau, thậm chí bị xóa tên khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam khiến những CĐV của bóng đá Kiên Giang buồn, khiến V-League 2014 chỉ có 13 đội, thay vì 14 đội như nghị quyết của BCH VFF yêu cầu. Nhưng từ chuyện K.Kiên Giang chính thức bị xóa tên khỏi V-League, người ta chợt nhận thấy những bước đột phá lần đầu tiên xuất hiện nơi bóng đá nội.

V-League còn 13 đội sau khi K.Kiên Giang bỏ cuộc chưa hẳn là tín hiệu buồn
V-League còn 13 đội sau khi K.Kiên Giang bỏ cuộc chưa hẳn là tín hiệu buồn

Đấy là lần đầu sau nhiều năm tổ chức giải theo kiểu vo tròn, cốt đưa giải đấu đi đến nơi về đến chốn, bất chấp chất lượng, những nhà điều hành bóng đá nội đã dám dũng cảm gạch tên đội bóng không sẵn sàng và không xứng đáng đứng chung hàng với các CLB chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Những nhà điều hành bóng đá nội sau mấy phen “lên bờ xuống ruộng” vì nuông chiều các CLB thành viên, giờ đã nghĩ khác, làm khác. Bóng đá chuyên nghiệp không phải là nơi ai thích vào cũng được, cũng chẳng phải là nơi để người ta mở rộng số đội mà bất chấp hậu quả. Bóng đá chuyên nghiệp có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, ai không đáp ứng các tiêu chuẩn ấy xin mời đứng sang một bên.

Mạnh tay với K.Kiên Giang, những người điều hành bóng đá nội nói chung và VPF nói riêng cũng phát đi thông điệp cứng rắn đến nhiếu CLB khác. Bằng chứng là các đội bóng vốn chây ì trong chuyện đóng tiền lệ phí, đóng tiền cổ phần cho VPF, vốn từng bị lên án như V.Ninh Bình, Thanh Hóa giờ buộc phải hoàn tất nghĩa vụ của mình, trước khi nói đến chuyện quyền lợi.

Và với bản thân đội K.Kiên Giang, việc không dự V-League mùa sau dù có là nỗi đau của họ, nhưng nói cho cùng đó là sự giải thoát cho chính CLB thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. K.Kiên Giang đang nợ khoảng chục tỷ đồng, gồm khoảng 7 tỷ tiền lương, thưởng, lót tay cho HLV, cầu thủ, cũng như khoảng 3 tỷ còn lại nợ VFF, VPF và các khoản vay để thi đấu xa nhà.

Một đội bóng nợ ngập đầu như thế liệu có nên tiếp tục cuộc chơi của mình hay không? Bởi, nếu tiếp tục, cũng đồng nghĩa với việc sẽ nợ tiếp, đồng nghĩa với việc sẽ làm khổ người lao động (tức HLV, cầu thủ) vì câu chuyện nợ lương, trong bối cảnh mà K.Kiên Giang không thể tìm được nhà tài trợ, trong khi tiền ngân sách địa phương dĩ nhiên không thể cứ mãi lo cho bóng đá.

Bóng đá không phải là cái ổ nợ, CLB bóng đá càng không phải là nơi người ta cứ lao vào đấy làm khổ nhau, kiện tụng nhau cũng vì các khoản nợ, nên với một đội bóng đã tắt lối ra như K.Kiên Giang, cách tốt nhất là dũng cảm dừng cuộc chơi.

Tín hiệu tốt tiếp theo từ chuyện K.Kiên Giang không đủ khả năng đăng ký dự V-League 2014 là chuyện không có ai mua lại suất đá V-League của đội này. Có thể một phần nguyên nhân là do khó khăn về kinh tế, khiến nhà đầu tư ngần ngại chi tiền.

Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, bóng đá nội sau thời phát triển bong bóng đã bớt đi dạng ông bầu thích chơi trội, bớt đi dạng ông bầu mê các dự án đẹp rồi nhảy vào mượn bóng đá làm cầu bắt sang các lô đất vàng hoặc các dự án.

Những vụ sang tên, đổ chủ, chuyển nhượng phiên hiệu kiểu ấy mấy năm qua cũng góp phần làm loạn bóng đá Việt Nam, khi người ta cứ chứng kiến cảnh một vài ông bầu cứ đến rồi đi, còn hậu quả để lại cho những người làm chuyên môn phải gánh. Cũng từ đó, mong rằng tuyên bố chấm dứt chuyện mua bán phiên hiệu các đội bóng mà VPF từng đưa ra cách nay không lâu không phải là tuyên bố suông!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

Xem thêm
top-arrow
X