Như vậy là sau 22 vòng đấu, sân chơi bóng đá cao nhất Việt Nam đã chính thức khép lại, với vô vàn những cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố. Để có cái nhìn toàn cảnh về V.League năm nay, VietNamNet xin nêu những “chuyện lạ” ở mùa giải năm nay, để từ đó những nhà quản lý cũng như người hâm mộ có những cái nhìn rõ hơn về bức tranh bóng đá nước nhà.
Những nghi án tiêu cực chìm xuồng
Có rất nhiều nghi án tiêu cực ở mùa giải năm nay, nhưng cho đến khi mùa giải kết thúc, chưa có bất cứ vụ nào được làm rõ trắng đen, tất cả đều ở tình trạng “tiếp tục điều tra”. Đáng chú ý nhất là nghi án bán độ của đội XT.SG ở trận tranh Siêu cúp hồi đầu mùa giải, dù được báo chí và dư luận lên tiêng suốt một thời gian dài, nhưng cuối cùng cơ quan chức năng đã phải tạm dừng công tác điều tra vì có ít chứng cứ. Sân Hàng Đẫy vắng khán giả ngày HN T&T nhận cúp vô địch
Rồi đến vụ tổ trọng tài bị nghi ngờ nhận hối lộ trên sân Thanh Hóa ở vòng 3 V.League, cũng tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, nhưng cuối cùng cũng đã rơi vào quên lãng. Ở vụ này, VFF đã nhanh tay “trảm” ông Trưởng và Phó ban trọng tài để thể hiện sự mạnh tay của mình, nhưng điều mà nhiều người quan tâm nhất là tổ trọng tài có nhận tiền hối lộ hay không, thì không có ai trả lời được.
Rất nhiều trận có những biểu hiện bất thường đã được báo chí nói ra rả.Thậm chí BTC giải còn lên danh sách những trận đấu thi đấu thiếu tích cực của một số đội, nhưng tất cả cũng chỉ có vậy, không đội nào bị kết luận là đã tiêu cực.
Nếu cứ chống tiêu cực như kiểu bóng đá Việt Nam, xem ra sẽ còn nhiều trận đấu “có mùi” mà vẫn bó tay ở mùa giải tới. Ngay cả khi VFF, VPF đã có những án phạt nặng với XTSG, nhưng ít ai tin vào sự công minh hay làm tới cùng của các nhà quản lý bóng đá nước nhà.
Ai nói có lãi, giơ tay?
Tiêu chí hàng đầu để một nền bóng đá được cho là chuyên nghiệp, chính là khả năng kiếm tiền của các giải đấu. Các CLB sau khi có lãi, sẽ dùng số tiền đó tiếp tục đầu tư cho bóng đá để lãi mẹ sinh lãi con. Tuy nhiên, nếu hỏi bất cứ một CLB nào ở V.League hay hạng Nhất lãi bao nhiêu mùa này, có lẽ tất cả đều phải cười trừ.
Với khoảng đầu tư 40-50 tỷ cho các đội V.League và 25 tỷ với các đội hạng Nhất trong 1 năm, thì tổng số tiền lỗ của 12 đội V.League và 8 đội hạng Nhất rơi vào tầm 600 tỷ. Một con số quá lớn và quá đau cho cái mác “chuyên nghiệp” của 2 giải đấu Việt Nam. VPF trong nỗ lực giúp V.League kiếm ra tiền, đã thuê cả những chuyên gia hàng đầu từ Nhật Bản, nhưng vì nhiều lý do mà chuyên gia này đã bị “đứt gánh giữa đường”.
Có người nói, trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng như hiện nay, thì việc các CLB kiếm lãi từ bóng đá chẳng khác nào đánh đố. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục trì trệ, không có hướng đi mới, xem ra bóng đá Việt Nam sẽ còn nhiều đội bóng giải thể vì chẳng còn tiền mà duy trì hoạt động.
Nỗi cô đơn nhà vô địch
Trong trận đấu chia tay mùa giải và cũng là trận nhận cúp vô địch, sân Hàng Đẫy đã mở cử tự do để đông đảo khán giả thủ đô có thể vào sân. Đây vừa là hành động tri ân khán giả của bầu Hiển, vừa là “chiêu” nhằm lôi kéo khán giả của HN T&T. Thế nhưng, kế hoạch và mong muốn của đội bóng thủ đô đã bị phá sản, khi khán đài B vẫn chỉ có một nhúm CĐV áo vàng, hầu hết là những người được thuê. Nhìn sang lượng CĐV hùng hậu của Hải Phòng, có lẽ bầu Hiển đã rất chạnh lòng.
Thật kỳ lạ và nghịch lý, một đội bóng giành tới 2 ngôi á quân, 2 chức vô địch, luôn thể hiện lối chơi đẹp mắt như HN T&T, lại không có CĐV. Đây chính là nỗi buồn nhất của bầu Hiển. Và, ngay cả khi họ tiếp tục chơi thành công trong tương lai, nhưng nếu không có khán giả, thì vẫn là một đội bóng thất bại.
“Chuyện lạ” ở bản tổng kết?
Sau một mùa giải có quá nhiều vấn đề, tất cả chờ xem BTC giải, VPF sẽ báo cáo những gì trong bản tổng kết của mình. Và nếu như những bản báo cáo ấy không đi thẳng vào những tồn tại của V.League như tiêu cực, trọng tài, khâu tổ chức, điều hành…có được xem là “lạ”?. Và càng “lạ” hơn nếu như mùa giải năm nay sẽ nói là thành công!.
(Theo Vietnamnet)