Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

V-League 2013: Cười ra nước mắt

Thứ Hai 02/09/2013 23:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cuối cùng đã không có đội xuống hạng thật, sau khi câu lạc bộ Kiên Long Kiên Giang bẻ lại quy chế: Chỉ đội xếp thứ 12 V-League 2013 mới phải xuống chơi hạng Nhất ở mùa giải năm sau.

Một mùa giải vô tiền khoáng hậu, sau hàng loạt những bê bối, những sự cố, khiến nhà tổ chức phải chạy có cờ, còn người hâm mộ thì cười ra nước mắt.

Tiền hậu bất nhất

Sau khi vụ bốn trọng tài trận Thanh Hóa - Hoàng Anh Gia Lai bị tố cáo đã nhận 100 triệu đồng nổ ra, ông Trưởng ban tổ chức giải Trần Duy Ly cho rằng, ban tổ chức đã nhận được thông báo này từ ngay sau trận đấu (diễn ra ở vòng ba), nhưng đây là vấn đề nội bộ (?!). Kết quả là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) kỷ luật thẳng tay bộ đôi trưởng và phó Ban trọng tài Dương Vũ Lâm, Đoàn Phú Tấn, “để phục vụ công tác điều tra”, như lời của Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Nguyễn Lân Trung.

Niềm vui vô địch của Hà Nội T&T chưa phải niềm vui chung của V-League
Niềm vui vô địch của Hà Nội T&T chưa phải niềm vui chung của V-League

Ban trọng tài bức xúc, tố ngược lại ban tổ chức và tố luôn cả VFF cũng vì “tiền hậu bất nhất” về quan điểm làm việc. “Các anh ấy hành xử như thế, chẳng khác nào cho rằng chúng tôi đang mang trọng tội. Tôi cần một lời giải thích rõ ràng và cần cả một lời xin lỗi. Nhưng ngay cả khi trắng đen rõ ràng rồi, thì tôi thề là sẽ không bao giờ tham gia thêm một lần nào nữa vào công tác điều hành các giải bóng đá Việt Nam”, ông Dương Vũ Lâm bức xúc.

Cho đến khi sự cố mang tên Xuân Thành Sài Gòn nổ ra, chúng ta lại có thêm một viện dẫn rất cụ thể nữa về lối làm việc tắc trách của ban tổ chức giải, khi ông tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị tổ chức giải, Phạm Ngọc Viễn, đăng đàn trên báo Thanh Niên rằng, sẽ vẫn có đội xuống hạng. Và sau vòng đấu thứ 20, người ta đã xác định được đó là Kiên Giang, đội vẫn xếp đội sổ, sau khi người ta đã hủy kết quả các trận đấu có liên quan đến Xuân Thành Sài Gòn.

Ông Viễn đã có những lời vội vã, khi quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2013 ghi rõ, chỉ đội xếp thứ 12 chung cuộc V-League 2013 mới phải xuống hạng. Kiên Giang dọa kiện ngược ban tổ chức, để rồi cuối cùng, một thông báo mới được đưa ra: Sẽ không có đội bóng nào phải xuống chơi ở giải hạng Nhất 2014! Thầy trò huấn luyện viên Lại Hồng Vân “đội mồ sống dậy”. Chuyện thật như đùa.

Một giải đấu có tiếng là hấp dẫn bậc nhất, giàu tính cạnh tranh bậc nhất khu vực, trở thành giải …giao hữu, với tiền thưởng cho đội vô địch lên đến cả chục tỷ đồng và phải mất nhiều tháng để kết thúc, với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng khác phải bỏ ra! Ngạc nhiên chưa?! Bất luận thế nào, với ba suất lên hạng đã được định sẵn, V-League 2014 sẽ có đầy đủ 14 câu lạc bộ tham dự, như tiêu chí. Tất nhiên là sẽ không có thêm đội bóng nào rút lui vào phút cuối nữa.

Sau hai mùa giải chạy thử, với công tác tổ chức, kêu gọi tài trợ và điều hành, gần như được khoán trắng cho VPF, công ty thành viên của “mái nhà” VFF, có thể thấy là mọi thứ còn ngổn ngang lắm. Chưa có sự cải thiện đáng kể nào về chuyên môn, mà ngược lại, hình ảnh giải bóng đá cao nhất Việt Nam còn có phần xấu đi, vì rất nhiều những sự cố vốn đã trở thành thuộc tính của nền bóng đá xứ sở. Trách nhiệm thuộc về ai?

Một năm, 5 câu lạc bộ mất tích

Kể từ khi cơ chế sang tên đổi chủ, mua bán đội bóng mở ra, dễ như mua mớ rau con cá ngoài chợ, đã có rất nhiều những đội bóng bỗng dưng mất tích. Cơn bão tài chính trên diện rộng đè lên địa hạt bóng đá là lý do chính, nhưng cơ bản, phải là sự điều hành kém cỏi của VFF, cũng như VPF. “Bình mới rượu cũ” và việc ban tổ chức các giải đấu không thể tự chủ được, khiến mọi thứ cứ chực vượt ra ngoài tầm với.

Kết thúc V-League 2012, Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, vốn là phức hợp của Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội ACB, phải tạm ngưng hoạt động vô thời hạn sau khi bầu Kiên bị bắt. Navibank Sài Gòn (tiền thân là Quân Khu 4) cũng chung số phận, sau khi được bán cho Xuân Thành Sài Gòn, để rồi chìm xuồng khi mùa bóng 2013 chỉ còn hai lượt trận. Cùng thời điểm, đội bóng giàu truyền thống Khatoco Khánh Hòa được sang nhượng lại cho Vicem Hải Phòng.

Đã có ít nhất 5 cái tên mất tích, trong vòng chỉ một năm. Nếu làm thêm những thống kê xa hơn, con số này tăng chóng mặt. Thể Công (cũ) chuyển thành Lam Sơn Thanh Hóa (sau V-League 2009) hay Quân Khu 4 bị biến thành Navibank Sài Gòn, rồi Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn (với tên gọi tiền thân là Cảng Sài Gòn) hiện cũng không còn giữ được cái tên, sau khi đội bóng xuống hạng Nhì… Cái tên nào tiếp theo đây?!

Bóng đá nặng tính giải trí, nhưng thành tích cũng là một thước đo tham vọng. Nó đòi hỏi những người tham gia cuộc chơi phải tự nguyện tuân thủ luật chơi. Mặc dù có quy định trên giấy về hình phạt với các trường hợp bỗng dưng dừng cuộc chơi, việc thực thi trên thực tế còn rất mơ hồ. Không lâu sau khi Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải, ban tổ chức đã ra án phạt, nhưng có gì đảm bảo họ sẽ chấp thuận và nộp phạt?

Không có một sự cam kết bằng giấy mực nào, yêu cầu các câu lạc bộ phải thực hiện và tuân thủ luật chơi, khi những nhà điều hành nền bóng đá, điều hành giải đấu, luôn vừa chạy vừa xếp hạng. V-League vắt qua tuổi 13, nhưng dường như nó đang bị phong trào hóa và ngược lại, hệ thống các giải bóng đá phong trào được tổ chức hàng năm lại quy mô, gây được tiếng vang, đang được chuyên nghiệp hóa. Tài chính xem ra không hẳn là vấn đề.

Nhưng dù sao V-League 2013 không hẳn là không có những tín hiệu mừng. Trong đó phải kể đến lực lượng cổ động viên đến sân đông hơn, giải đấu thu hút được sự chú ý nhiều hơn của công và dư luận…Tiếc rằng, đến thời điểm này có thể khẳng định : Giải đấu sẽ không về đích an toàn!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X