Trong những năm gần đây, giá trị cầu thủ nội tăng chóng mặt. Có được đời sống sung túc như thế, sự thể hiện cầu thủ nội trên sân cỏ lại tỷ lệ nghịch với những khoản tiền lót tay đã nhận. Điều đáng nói hơn, số cầu thủ ăn cơm ĐT như Công Vinh, Quang Hải, Việt Thắng, Sỹ Mạnh, Tấn Trường... cũng không phải ngoại lệ.
Giá càng cao, phong độ càng ''ảo''
Cũng giống như sàn chuyển nhượng cầu thủ ngoại, giá trị thực của các cầu thủ nội bị thổi lên một cách thái quá. Nếu cầu thủ thường xuyên ăn cơm ĐT, thi đấu thường xuyên ở V-League, số tiền lót tay nhận được từ có thể lên đến cả chục tỷ đồng.
Bóng đá vốn là món ăn tinh thần phục vụ quần chúng, có thể ví von cầu thủ cũng đắt giá không kém diễn viên, ca sĩ hay người mẫu. Nếu họ có tài năng thật sự, mức đãi ngộ như thế là xứng đáng. Tiếc rằng, nhìn lại con số thống kê từ các vụ chuyển nhượng đình đám 2 năm vừa qua, đa số các cầu thủ đều sa sút, không thể hiện đúng năng lực của mình.Việt Thắng với hai lần chuyển nhượng đáng quên trong mùa giải 2012
Như tiền đạo Lê Công Vinh từng phá hai cột mốc chuyển nhượng vào năm 2009 (HN.T&T với giá 7 tỷ đồng) và V-League 2012 (CLB BĐ HN với giá 15 tỷ đồng), lại không có thành công như ý muốn. Trong 3 năm dưới trướng bầu Hiển, Công Vinh liên tiếp gặp 3 chấn thương nặng. Hành trình đến ngôi vô địch mùa 2011 của HN.T&T, Công Vinh có ít dấu ấn, đóng góp trong thành tích của đội nhà. Đến lúc chuyển sang đội bóng bầu Kiên, Công Vinh ghi được 11 bàn sau 23 trận thi đấu, nhưng cũng chỉ giúp CLB BĐ HN trụ hạng ở vòng cuối cùng. 2 tuyển thủ Thành Lương, Sỹ Mạnh cũng không khá gì hơn, khi màn thể hiện của họ chưa ấn tượng, dù cũng có mác tuyển thủ như Công Vinh.
Một tuyển thủ khác là Nguyễn Việt Thắng cũng có 2 cú chuyển nhượng đáng quên trong 2 năm qua. Sau khi cập bến V.NB với giá 8 tỷ mùa 2009, Thắng ''bế'' chơi sa sút, có giai đoạn tịt ngòi nhiều tháng liền. Phải đến cuối mùa 2011, chân sút cũ ĐTLA mới bùng nổ với 7 bàn thắng và chuyển về chơi B.BD với giá 9 tỷ đồng. Nhưng hơn nửa mùa giải, B.BD bỏ quên Việt Thắng trên ghế dự bị. Đến khi chuyển về chơi Thanh Hóa theo dạng cho mượn, chân sút này cũng chỉ ghi được 2 bàn sau 13 lần ra sân.
Đó không phải những trường hợp duy nhất, còn nhớ Vua phá lưới nội mùa 2010, Nguyễn Quang Hải, quyết định rời K.KH vào N.SG với mức lót tay 9 tỷ đồng. Có được bản hợp đồng mơ ước, Hải ''gà'' có 2 năm đáng quên ở đất Sài thành. 2 mùa giải đã qua, tuyển thủ này chỉ ghi được có 9 bàn thắng, chưa bằng thành tích tốt nhất của Quang Hải khi còn đá cho K.KH.
Chưa kể những vụ chuyển nhượng như Đình Luật về V.HP với bản HĐ cho mượn 7 tỷ đồng, N.SG chi 14 tỷ để sở hữu trung vệ Anh Tuấn, tiền vệ Tài Em mùa giải 2011. Nhưng tất cả đều mang lại đóng góp quá ít trong lối chơi, thành tích của đội bóng họ được mang về.
Những cánh én nhỏ
Trong số các vụ chuyển nhượng đình đám 2 năm qua, quá ít cái tên mang lại dấu ấn tích cực. Kể từ khi chuyển từ Thanh Hóa vào SG.XT với giá 8 tỷ, trung vệ Phước Tứ luôn chứng tỏ được tài năng mình trong tập thể toàn sao của bầu Thụy. Hay tiền vệ Minh Phương nhận mức phí lót tay 5 tỷ từ ĐTLA ra SHB.ĐN cũng chứng minh được năng lực. Dù đã bước qua độ tuổi 30, nhưng Minh Phương vẫn chơi ổn định, giúp SHB.ĐN vô địch mùa này, dù số tiền, danh tiếng chưa hẳn bằng các đàn em vào lúc này. Trong số các cầu thủ còn được coi là trẻ, dường như chỉ Văn Quyết là chứng tỏ phong độ ổn định nhất.
Ở bối cảnh những bản hợp đồng đắt giá đều thay nhau im tiếng, quả thật đáng lo cho ĐTVN khi kế hoạch chuẩn bị AFF Suzuki Cup 2012 đã đến gần. Ở vị trí trước khung thành, bộ đôi thủ môn trị giá nhiều tỷ là Hồng Sơn (HN.T&T) và Tấn Trường (SG.XT) đều chơi phập phù, chưa xứng đáng số tiền kỷ lục họ đã nhận.
Hay ở hàng phòng ngự, hậu vệ đa năng Đoàn Việt Cường chưa đáp trả mức phí 9 tỷ lãnh đạo N.SG chi ra mua mình. Trung vệ Đình Luật từng dính nghi án bán độ cùng thủ môn Tấn Trường ở SG.XT vào giữa mùa giải năm nay. Trong số các cầu thủ nội bùng nổ ở V-League năm nay, Cũng khá nghịch lý khi bản hợp đồng trị giá 8 tỷ của B.BD, Nguyễn Tăng Tuấn, ghi được 8 bàn, nhưng không có tên trong danh sách triệu tập lần này của HLV Phan Thanh Hùng.
Cũng còn may khi không nhất thiết cứ phải chuyển đội bóng, nhận khoản lót tay vài tỷ đồng sẽ nổi tiếng và có được sự ổn định. Có thể kể đến hậu vệ Văn Phong, tiền vệ Tấn Tài có sự đóng góp lớn tại K.KH. Tiền vệ Nguyễn Trọng Hoàng chơi sa sút hơn V-League 2011, nhưng vẫn được xem biểu tượng bóng đá xứ Nghệ và được xem là hàng ''hot''ở kỳ chuyển nhượng năm nay.
Nhìn danh sách tập trung đợt 3 của ĐTVN chuẩn bị AFF Suzuki Cup 2012, chợt thấy lo khi đa số những ngôi sao nội có tên tuổi đều sa sút, thiếu độ ổn định dù gắn với mác ''những bản hợp đồng đắt giá nhất V-League 2011 và 2012''. Khi dấu ấn nội binh ở V-League chưa thực sự rõ nét, chiến dịch đến ngôi vương Đông Nam Á sẽ bị đặt dấu hỏi lớn là điều chắc chắn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)