Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn từ cách kiếm tiền của mô hình “VPF” các nước: Trông người mà ngẫm đến ta

Thứ Hai 22/10/2012 08:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Từ trước đến nay trong khu vực Đông Nam Á, Thai-League vẫn là đối thủ cạnh tranh hàng đầu với V-League trên mọi phương diện. Với mục tiêu đưa bóng đá thành hàng hóa cao cấp gắn với công nghệ giải trí, LĐBĐ Thái Lan đã đưa đội ngũ điều hành BTC Thai-League đi học tập kinh nghiệm ở Anh về công nghệ tổ chức cũng như cách thức kiếm tiền, nhờ đó đã làm thay đổi bộ mặt của Thai - League một cách đáng kể.

Đầu tiên là việc tổ chức các trận đấu của Thai-League không chỉ ở Bangkok và các thành phố lớn mà còn đưa về các tỉnh lẻ. Kế đến là tiêu chuẩn hóa các sân cỏ và biến những SVĐ tổ chức các trận đấu thành nơi giải trí cuối tuần của người hâm mộ hoặc để xả stress với các loại hình vui chơi ở SVĐ, biến suy nghĩ của người Thái đến với những sân bóng giống như người Anh để xem các đội bóng của mình thi đấu và hưởng thụ không khí ở các SVĐ. Nhờ đó mà BTC Thai-League đã thu được thêm những khoản tiền không nhỏ, bên cạnh tiền bán vé.

VPF muốn học theo J-League (trái), nhất là khả năng kiếm tiền. Ảnh: VSI
VPF muốn học theo J-League (trái), nhất là khả năng kiếm tiền

Ngoài ra, để thu hút khán giả, BTC Thai-League đã tìm cách kéo khán giả Lào sang Thái để xem Thai-League như một giải đấu của mình, thông qua việc thông qua chính sách thừa nhận cầu thủ Lào như nội binh, đồng thời chiêu mộ các tuyển thủ Lào sang khoác áo CLB Khonkaen (tỉnh biên giới Thái giáp ranh Lào). Vì thế, sân bóng ở Khonkaen đang từ thu hút chỉ vài ngàn khán giả đã tăng vọt lên nhanh chóng và đến nay đã đạt đến con số 20.000 người, trong đó có đến phân nửa là khán giả Lào.

Trong khi đó, nhìn sang J-League, giải đấu là hình mẫu mà VPF đang muốn học theo, thì thấy BTC J-League đã tạo ra sự thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức của J-League, và kéo khán giả đến sân ngày một đông hơn (lượng khán giả đến sân tại J-League hiện đang đứng đầu châu Á và đứng thứ 7 thế giới).

Những nguồn tài chính chủ yếu để J-League hoạt động gồm bản quyền truyền hình, nhà tài trợ, bán vé và tổ chức sự kiện, bán thương phẩm. Tổng nguồn thu trong năm 2010 của J-League là 154,7 triệu USD, trong đó tiền bản quyền truyền hình là 60,6 triệu (chiếm 39,2%), tiền tài trợ là 56,5 triệu (chiếm 36,5%), tiền kinh doanh các thương phẩm là 7,4 triệu (chiếm 4,8%), còn lại 30,2 triệu là tiền bán vé và tiền thu được từ những sự kiện mà J-League tổ chức (chiếm 19,5%).

Còn đối với Premier League, BTC giải Ngoại hạng Anh tiếp tục chứng minh rằng vì sao họ là giải đấu vô địch thế giới về kiếm tiền và là giải đấu có sức thu hút lớn nhất thế giới với trên 650 triệu hộ gia đình, 4,7 tỷ người xem, được phát sóng đến 212 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cách đây 3 tháng, BTC giải Ngoại hạng Anh đã hoàn tất thương vụ bán bản quyền truyền hình Premier League trong 3 mùa giải (từ 2013-2014 tới 2015-2016) cho “liên danh” BT và BskyB với giá 3.018 tỷ bảng (tương đương 4,67 tỷ USD), tăng 70% so với gói bản quyền giai đoạn 2010-2013. Mới đây, BTC Premier League đã ký tiếp được hợp đồng trị giá 120 triệu bảng với Barclays để ngân hàng này được tiếp tục là nhà tài trợ chính của giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa bóng, bắt đầu từ mùa giải 2013-2014. Và trong thời gian, BTC giải Ngoại hạng Anh sẽ còn bán tiếp bản quyền truyền hình Premier League 3 mùa giải tới cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới (trong đó có Việt Nam) để tiếp tục thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Đấy là những tấm gương về cách kiếm tiền của BTC các giải VĐQG trên thế giới. Còn ở Việt Nam, kết thúc năm hoạt động đầu tiên, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF Võ Quốc Thắng cho biết: sau khi trừ các khoản chi cho công tác tổ chức giải, trong tài khoản của VPF ước tính có khoảng 30 tỉ đồng. Tuy nhiên thực chất đây không phải là lợi nhuận của VPF, bởi những khoản tiền tài trợ trong năm nay cho bóng đá Việt Nam đều là do VFF “kiếm ra” và kí hợp đồng với các nhà tài trợ từ trước khi VPF nhảy vào điều hành các giải đấu, chứ thực ra VPF chưa “làm ra” đồng nào cả.

Còn nhớ, khi chuyển giao quyền điều hành các giải đấu của bóng đá Việt Nam, VFF cũng đã chuyển giao luôn cho VPF các hợp đồng tài trợ cũ, bao gồm khoảng 30 tỉ đồng tài trợ giải V-League của nhà tài trợ Eximbank (hợp đồng 3 năm có giá trị 90 tỉ đồng), và khoảng hơn 10 tỷ đồng của nhà tài trợ Tôn Hoa Sen cho giải hạng Nhất. Như vậy, số tiền thu được tổng cộng là khoảng 50 tỷ, trừ đi chi phí tổ chức các giải khoảng 20 tỷ thì sẽ ra đúng con số 30 tỷ mà VPF đã công bố.

Khi chuyển giao bản hợp đồng bản quyền truyền hình đã kí với VFF, đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình trước đó là AVG đã “thòng” theo cam kết VPF phải thu về số tiền khoảng 50 tỷ trong năm đầu tiên. Để đạt được con số này, bầu Kiên từng tuyên bố sẽ thu được số tiền này từ Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, với 10 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này mới chỉ có HA.GL của bầu Đức đã chuyển đủ 5 tỷ đồng cho VPF, các doanh nghiệp còn lại đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn ở những mức độ khác nhau, và việc chi tiền cho bóng đá không còn đơn giản như trước. Đó cũng là khoản thu lớn nhất (và duy nhất) của VPF tính đến thời điểm này.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X