Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

La Liga: Gánh xiếc rong, tại sao không?

Chủ Nhật 24/07/2011 23:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khái niệm “gánh xiếc rong” lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2003, khi Real Madrid chiêu mộ thành công David Beckham và mở chiến dịch makerting hết sức rầm rộ nhắm vào thị trường châu Á. Chứng kiến cảnh Real Madrid kéo quân đi khắp vùng Viễn Đông và đút túi gần chục triệu euro thông qua các trận giao hữu, Sir Alex Ferguson đã gọi “Dải ngân hà” của Chủ tịch Florentino Perez ngày ấy là một “gánh xiếc rong”.

Nhưng rõ ràng trong khẩu khí của Sir Alex ngoài sự chế nhạo còn có sự ganh tỵ. Quả là vài năm sau đó, Real Madrid đã chính thức vượt mặt Man United về mặt kiếm tiền. Và hiện tại, Man United đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với Barcelona cho vị trí thứ hai!

“Gánh xiếc rong” có gì xấu?

Bây giờ, khái niệm “gánh xiếc rong” đã trở nên phổ biến khi ai đó muốn ám chỉ một đội bóng đi du đấu để kiếm tiền. Đội tuyển Brazil và Tây Ban Nha chính là 2 gánh xiếc rong nổi tiếng nhất ở cấp độ đội tuyển. Trong vòng 1 năm ngắn ngủi từ sau chức vô địch World Cup 2010, Tây Ban Nha đã 3 lần vượt Đại Tây Dương để đá giao hữu và kiếm về 2 triệu euro/trận để làm giàu cho Liên đoàn bóng đá nước này.

Real Madrid đã có chuyến du đấu thành công tại Mỹ mùa hè năm nay

Thế “Gánh xiếc rong” có gì xấu? Về cơ bản thì chả có gì phải ầm ĩ cả. Các CĐV có thể thấy xót ruột khi các cầu thủ con cưng của mình phải di chuyển những quãng đường dài ảnh hưởng đến thể lực. Nhưng đấy là vấn đề của... các chuyên gia thể lực. Như đội tuyển Tây Ban Nha, từ EURO 2008, Confederations Cup 2009 và World Cup 2010, gần như họ chả được nghỉ Hè, đội hình của họ gồm toàn những cầu thủ Barcelona và Real Madrid phải cày ải quanh năm. Có thấy ai kiệt sức đâu? Trong mùa bóng mà Barcelona hoàn thành cú ăn 6 lịch sử, họ thậm chí đã du đấu kiếm tiền... ngay cả trong giải đấu.

Đó là tại World Cup các CLB, sau khi giành chức vô địch họ tranh thủ... tạt ngang Kuwait trên đường về, đá một trận giao hữu và bỏ túi 1,7 triệu euro. Kết quả? Họ vẫn đánh bại Real Madrid và bảo vệ thành công chức vô địch Liga. Năm ngoái Barcelona kéo quân qua châu Á trong bối cảnh các cầu thủ vẫn còn mỏi mệt vì World Cup 2010? Kết quả? Họ giành luôn cú đúp vô địch Liga và Champions League trong bối cảnh biên chế đội 1 của Barcelona thuộc hàng gọn nhẹ nhất châu Âu. Đã đủ để bạn kết luận: Các chuyến du đấu thực chất chả ảnh hưởng gì đến sức bền và thể lực của cầu thủ!

Trở lại với vấn đề du đấu của các CLB. Thực ra các CLB ở La Liga được khuyến khích đi du đấu. Du đấu tại châu Á hay Bắc Mỹ là một cách để các CLB khuếch trương thương hiệu. Barcelona, Real Madrid hay Atletico đều đã đạt đến ngưỡng cao nhất của danh thu hàng năm. Cách duy nhất để tăng các con số trong báo cáo tài chính lên là đánh mạnh vào những thị trường tiềm năng như châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan) hay Bắc Mỹ. Mà muốn gia tăng thì phải kéo quân đến tiếp thị trực tiếp mà thôi. Hiện nay, khung tiền dành cho các trận giao hữu gần như không chênh lệch. Đẳng cấp cỡ Barcelona và Real Madrid thì khoảng 2 triệu - 3 triệu euro/trận. Cỡ Atletico, Valencia là 1,5 triệu - 2 triệu euro/trận. Rõ ràng “gánh xiếc rong” cũng phải có đẳng cấp. Chả ai gọi Espanyol hay Bilbao là gánh xiếc rong cả!

Vả lại Barcelona và Real Madrid kéo quân đến những vùng đất xa xôi ấy, mục đích của họ đâu phải chỉ có kiếm tiền. Ở đó, Pep Guardiola và Jose Mourinho còn có cơ hội rà soát lại lực lượng và thử nghiệm những miếng đánh mới? Ba trận đấu trong vòng 1 tuần có quá nhiều? Tất nhiên là không. Họ từng đá với nhịp độ ấy ngay trong suốt mùa giải. Vả lại đá giao hữu thì có gì đao to búa lớn. Chả phải hàng ngày các đội này cũng tự chia đội ra đá giao hữu đấy sao?

Barcelona và Real Madrid kiếm tiền cho CLB, họ cũng góp phần mang La Liga đến đánh chiếm Bắc Mỹ và châu Á, những thị trường vốn đã chỉ quen thuộc với Premier League. Mùa bóng trước, đã có 17 trận đấu được đôn lên đá sớm nhằm phục vụ khán giả tại 2 khu vực này. Cũng ngay từ mùa trước, La Liga sẽ có thêm một giờ thi đấu vào thứ Hai để tránh lịch của Premier League. Sắp tới, Ban tổ chức Liga còn tính chuyện sáng lập ra Cúp LFP gồm 3 đội Liga để tranh tài với một đội châu Á. Việc Real Madrid, Barcelona hay Atletico (năm ngoái du đấu tại Thái Lan) là một nước đi tiên phong cho việc Liga bành trướng sức ảnh hưởng của mình tại viễn đông.

Thái độ mới là điều đáng bàn

Nói chung, việc các CLB Liga giao hữu kiếm tiền không có gì xấu. Vấn đề đáng nói là cách thức họ đá giao hữu và những ấn tượng họ để lại sau những chuyến đi của mình. Khi Barcelona và Real Madrid kéo quân sang Bắc Mỹ thì mọi chuyện đều hết sức ổn thoả. Họ đá hết mình trong những sân vận động chật kín khán giả, nhiệt tình giao lưu với các CĐV và lưu trú ở những khách sạn sang trọng bậc nhất thế giới. Nhưng vấn đề xảy ra khi 2 CLB hàng đầu này sang châu Á. Dường như trong mắt họ, châu Á vẫn còn là một cái gì đó lạc hậu.

Năm 2005, dàn sao của những David Beckham, Zinedine Zidane, Michael Owen và Ronaldo đã rời Bắc Kinh trong sự hậm hực của người hâm mộ bản địa. Họ thiếu hứng thú, trả lời phỏng vấn chiếu lệ, đến họp báo trễ và huỷ các buổi giao lưu với các CĐV.

Năm ngoái, Barcelona đá với đội các ngôi sao Hàn Quốc vừa xong, họ phi ngay ra sân bay và đáp chuyến bay đi Bắc Kinh sau đó đúng 2 tiếng. Trước đó, ngôi sao Lionel Messi của họ thậm chí đã ngủ gục trong phòng họp báo. Vào trận, anh đá chưa đầy 15 phút của hiệp 1 rồi biến mất ngay sau giờ nghỉ. Báo chí Hàn Quốc nói riêng và truyền thông châu Á nói chung đã nổi cơn thịnh nộ với những nhà vô địch Tây Ban Nha và châu Âu. Năm nay, Barcelona không còn dám kéo quân đến châu Á nữa. Thay vào đó họ sẽ làm một hành trình xuyên lục địa dài 21.858 km qua các nước Croatia, Đức và Mỹ.

Nói tóm lại, CLB trả cho các cầu thủ mức lương triệu phú, họ có quyền đòi hỏi các cầu thủ phải bỏ sức ra để mang về những nguồn thu cho mình. Nhìn tự góc độ kinh tế, một CLB cũng buộc phải kinh doanh và tiếp thị khi thương hiệu của mình hãy còn đang mạnh. Nhưng các cầu thủ, linh hồn của những “gánh xiếc rong” cần phải làm đúng phận sự của mình. Các CĐV đã bỏ nhiều tiền vào xem xiếc, họ có quyền đỏi hỏi và chờ đợi những màn đặc sắc.

21.858 km Đó là quãng đường mà Barcelona sẽ phải di chuyển trong hành trình du đấu mùa Hè năm nay, qua Croatia, Đức và Mỹ.

Mùa Hè của Barcelona

Ngày Địa điểm Trận đấu
23/7 Split Hajduk Split - Barcelona (0-0)
26/7 Munich Internacional - Barcelona
27/7 Munich Bayern/Milan - Barcelona
31/7 Washington Man United - Barcelona
04/8 Miami Chivas - Barcelona
06/8 Dallas America - Barcelona
08/8 Tarragona Barcelona - Girona
14/8 Madrid Real - Barcelona
17/8 Barcelona Barcelona - Real
26/8 Monaco Barcelona - Porto

Mùa Hè của Real Madrid

Ngày Địa điểm Trận đấu
17/7 Los Angeles L.A Galaxy - Real (1-4)
21/7 San Diego Chivas - Real (0-3)
24/7 Philadelphia Philadelphia - Real
27/7 Berlin Hertha Berlin - Real
30/7 Leicester Leicester - Real
03/8 Quảng Đông Quảng Châu - Real
06/8 Teda Tianjin Teda - Real
14/8 Madrid Real - Barcelona
17/8 Barcelona Barcelona - Real
24/8 Madrid Real - Galatasaray

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X