Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho tờ Sport, ông Manuel Castells, giáo sư công huân của Trường đại học California (Mỹ) và Trường Đại học Oberta (Catalunya), một trong những nhà xã hội học nổi tiếng nhất thế giới với khái niệm “xã hội thông tin” đã khẳng định “Barcelona là một hiện tượng xã hội”.
Khẳng định Barca là một hiện tượng xã hội có quá đáng không?
Tuyệt đối không. Ngay ở Mỹ, nơi môn bóng đá không phổ biến, nhiều người bạn cũng hỏi tôi về Barca. Thành tích của Barca dựa trên một số yếu tố: đây là một đội bóng “làm tại nhà”, đủ khả năng tạo ra các cầu thủ của riêng mình, với một tinh thần hợp tác cao; một đội bóng phá vỡ tất cả những nguyên tắc của thị trường khi chứng tỏ vẫn có thể giành chiến thắng khi không có quá nhiều tiền. Ngoài ra, CLB thuộc về các hội viên, một điều mà nhiều CLB ở các nước khác đang đòi hỏi như thế, và điều này làm cho CLB gần hơn với xã hội dân sự. Đội bóng còn là bản sắc của Catalunya. Khi Barca thành công cũng tức là Catalunya thành công, nhưng đồng thời Barca cũng là CLB nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha hiện nay. Giáo sư Castells cho rằng Barca "là một hiện tượng xã hội"
Thế còn Messi?
Messi giống các “hacker”, những người đã sáng chế ra internet. Xin nhớ không phải “cracker”, những kẻ làm nhiễm độc mạng và gieo rắc virus. Ban đầu, các hacker mang nghĩa tích cực, theo ý họ là những người phát minh và sáng tạo, những người làm việc với khát vọng tạo ra điều mới mẻ, dưới sự hối thúc của ý muốn sáng tạo. Messi có cái khát vọng đó của những nhà sáng tạo: với anh ta chỉ bóng đá là quan trọng, giống như các nhà văn và các nhạc sỹ chỉ quan tâm đến sáng tác, hơn cả tiền bạc. Messi đối lập với Cristiano vì Cristiano quan tâm đến những cái khác, cả việc vun đắp cái tôi của mình.
Tài năng của Messi có thể bị mất vì danh tiếng?
Tôi nghĩ là không, do gia đình và các giá trị. Trường hợp của Messi không có gì giống với Ronaldinho. Có những điều rất khó học hỏi (với người nổi tiếng), đó là sự khiêm tốn và nhún nhường. Ở Messi, nó là bẩm sinh. Messi là một sự trùng hợp lịch sử không thể tin nổi.
Ông đã ủng hộ Sandro Rosell năm 2010. Ông thấy ông ấy quản lý thế nào?
Ông ấy làm một vài việc ngu ngốc, như dự đoán Barca sẽ thắng Madrid 5-0, nhưng Rosell là người phải ra những quyết định khó khăn, như quảng cáo trên áo đấu. Khi lên nắm quyền, ông ấy phải đối mặt với một lỗ hổng kinh tế đáng kể: thâm hụt 400 triệu euro. CLB lúc đó thật hoang tàn (về kinh tế) và Rosell đã dành ưu tiên cho việc làm lành mạnh hóa mặt tài chính. Có thể ông ấy đã sai lầm ở một vài điểm, như hạ thấp tầm quan trọng của một số ban. Thí dụ, môn bóng chày không phải quá tốn kém. Một số sự cắt giảm có thể hiểu được, một số khoản khác thì không. Lúc đó Barca như nhà nước Hy lạp trong thể thao, một sự phá sản về kinh tế.
Điều gì sẽ xảy ra khi Barca không còn thắng nữa?
Hiện tại, đội bóng giống như một chiếc đệm êm ái cho mọi người và cho xã hội. Môn bóng đã nói chung và Barca nói riêng đứng trước một cơ hội tuyệt vời để làm giàu cảm xúc cho khán giả. Khán giả cần sống với những xúc cảm, không chỉ đơn thuần là giải trí, mà là mơ mộng, và Barca cho phép người xem có được điều đó bằng một giá thành cực thấp. Ngày mà Barca không thắng nữa, chúng ta sẽ có một vấn đề thực sự.
Đến lúc đó, có thể Guardiola không còn là HLV của Barca nữa. Các CĐV sẽ phản ứng thế nào vào cái ngày mà Pep rời CLB?
Guardiola đã vượt tầm của một HLV. Guardiola đã trở thành người của công chúng và người hâm mộ đồng cảm với anh ấy vì nhìn thấy ở anh một người có thể tin tưởng được. Guardiola mang hình ảnh của một con người trung thực, không phải vì những chiến thắng mà vì cách ứng xử đúng mực. Nó giống như làn nước mát, và do đó tôi có thể dám nói rằng khi Guardiola ra đi, nó sẽ giống một thảm họa, bởi vì Catalunya sẽ không còn một trong những biểu tượng về bản sắc của mình. Nếu Guardiola làm chính trị, anh ấy có thể là ứng viên chức chủ tịch tập đoàn Generalitas, dù không có một đảng nào mạnh đứng ở sau mình.
Còn hình ảnh của Real Madrid thì sao?
Là một bi kịch. Florentino đã không thể chịu được việc Madrid tiếp tục thua và đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ, trong trường hợp này là Mourinho. Florentino đã đóng vai Don Fausto khi liều lĩnh đặt tất cả vào một con bài, dù có thể đánh mất uy tin của mình. CLB hoàng gia đứng trước nguy cơ mất một phần sự kính trọng và uy tín.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)