Quá khứ gần đã thế, hiện tại đang thế và tương lai cũng sẽ thế. Không còn lao mình vào những cuộc mua sắm lớn nữa, chiến lược mua sắm của Milan giờ đây phụ thuộc vào việc mỗi năm họ đưa về bao nhiêu cầu thủ miễn phí, đang sắp hết hợp đồng hoặc đang có mâu thuẫn với CLB chủ quản.
Hàng xịn nhưng hạ giá, với giá thấp hơn nhiều giá trị thực vì một lí do nào đó hoặc chỉ đơn giản là hàng second-hand: đấy là những gì mà Milan đã, đang và sẽ vươn tới trong những năm qua và những năm kế tiếp. Cuộc khủng hoảng tài chính trên sân cỏ Italia, Luật công bằng tài chính của UEFA và tình trạng thâm hụt ngân sách cũng như những cái két rỗng tuếch của Milan đã buộc Galliani phải tạo ra cho Milan mỗi năm một đội hình có khả năng cạnh tranh theo cách ấy. Và không thể nói là vị lãnh đạo đầu trọc của Milan không thành công. Mùa trước, Scudetto thứ 18 của Milan đã được xây lên từ phong cách ấy.
Nocerino, bản hợp đồng lãi nhất của Milan
Những người đắt giá nhất trong dàn cầu thủ mà Galliani đưa về là Ibrahimovic và Robinho có giá trị tổng cộng 40 triệu euro, nhưng trên thực tế chỉ bằng 1/3 mức giá gốc của hai tiền đạo này. Những nhân tố còn lại được đưa về với giá gần như cho không, trong khi trên thực tế họ vẫn chưa hết “date” và còn có thể đóng góp được cho Milan trong 2,3 mùa giải nữa. Đó là những Amelia, Cassano, Van Bommel, Emanuelson, Yepes và Van Bommel. Mùa này, danh sách những cầu thủ dạng đó đến Milan tiếp tục dài ra: sau Aquilani, Mexes là Nocerino, Mesbah và Muntari, những người đã là trụ cột của đội với cái giá siêu rẻ, nhất là Nocerino, đưa về từ Palermo với giá 500 nghìn euro, đã trở thành vụ áp phe hiệu quả và thành công nhất mùa bóng 2011/12. Tổng số tiền mà Milan đã bỏ ra để đưa về những cái tên kể trên chưa đến 10 triệu euro! Đó là chưa kể đến thành công lớn lao của các thương vụ mang tên Boateng, El Shaarawy và Maxi Lopez
Đã qua rồi cái thời mà người Italia nói chung và người hâm mộ Milan nói riêng bị lừa bởi những chiêu thức theo kiểu, cứ đến mùa hè là Milan nhắc đến “mister X”, ám chỉ một cầu thủ lớn nào đó sẽ được đưa về San Siro, để rồi cuối cùng, sau Ibra, không còn một ngôi sao đẳng cấp thế giới thực sự nào đến Milan nữa. Không còn nữa những ngày mà báo chí Ý sống bằng những tuyên bố ỡm ờ của tay cò chuyển nhượng Raiola, người đại diện cho Ibra, cả Balotelli và Hamsik, về việc hai ngôi sao kia cũng sẽ đầu quân cho Milan. Ngay cả việc đột nhiên Milan nói đến việc họ phủ nhận khả năng Thiago Silva về Barca cũng cho thấy đằng sau đó có một chiến dịch truyền thông khéo léo nhằm khẳng định một ngôi sao nào đó của Milan thực sự có giá (!). Thế nên, mùa hè này, Milan có lẽ không cần dùng đến những chiêu thức nhàm chán ấy nữa. Bởi từ bây giờ, người ta đã đoán trước được những chuyển động ngầm từ phía họ.
Montolivo hầu như chắc chắn sẽ rời Fiorentina để đến Milan mùa hè tới mà Berlusconi không phải chi một xu. Ở tuổi 27, tuyển thủ Ý này đã đủ chín chắn và sẽ bổ sung sự thông minh cho một hàng tiền vệ đã vắng Pirlo, nay lại chứng kiến Van Bommel và Ambrosini bước sang tuổi 36. Hàng hậu vệ sẽ được bổ sung một ngọn tháp có tên Natali, cũng đến từ Fiorentina, trong khi cánh trái có thể được tăng cường Balzaretti (Palermo). Hàng tiền vệ sẽ tiếp nhận Keita (từ Barcelona) và Bakary Traore (Nancy). Nơi duy nhất chưa tạo ra nhiều cảm hứng cho báo chí khi viết đến tương lai của Milan là hàng tiền đạo. Không ai biết rõ, sau khi Inzaghi ra đi, tương lai của Robinho mờ mịt, Maxi Lopez chưa chắc đã lại, ai sẽ đến San Siro.
Galliani là bậc thầy của việc biến hàng thải hoặc đồ đại hạ giá thành những sản phẩm tinh túy nhất và vẫn có thể dùng tốt trong vài năm nữa. Ông biết cách tận dụng khả năng thương thuyết và vận động ngầm đối với những trường hợp đang bấp bênh về tương lai hoặc gặp rắc rối trong quan hệ với CLB. Milan đã để tuột mất cơ hội có được Tevez hồi tháng Giêng và rất khó có thể trở lại với thương vụ này trong tương lai gần, do giá trị của tiền đạo người Argentina đang tăng trở lại, nhưng Milan vẫn còn chưa hết hy vọng đối với Balotelli. Bởi câu chuyện dài tập của anh với Man City vẫn chưa có hồi kết.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)