Một năm trước, Mario Balotelli là nguồn cảm hứng của Milan. Bây giờ, anh gần như là một trở lực ngăn cản những cố gắng hồi sinh của đội bóng. Và có lẽ sau này cũng thế, nếu anh còn ở lại sân San Siro.
Kể từ ngày Balotelli đặt chân đến, Milan vô tình trở thành một “con tin” của tiền đạo này. Anh chơi hay, Milan chiến thắng. Anh đá dở, Milan tiêu điều. Mùa trước, Balotelli như muốn xả tất cả những bực bội ngày còn ở Man City vào trái bóng, chơi tưng bừng. Mùa này, khi động lực đó đã hết, ai cũng thấy anh trở lại là một cầu thủ rắc rối như trước.
Bị chôn vùi trong stress
Phút 47 trên sân Vicente Calderon, Milan đang bị dẫn 1-2. Tình thế rất hiểm nghèo, nhưng hy vọng chưa phải đã hết. Balotelli, có lẽ bực mình vì bị đẩy ra cánh để nhường Pazzini đá cắm, gây sự với trọng tài và, như thường lệ, bị phạt một thẻ vàng rất ngớ ngẩn. Với chiếc thẻ đó, anh sẽ bị cấm chơi trận lượt đi tứ kết nếu Milan vượt qua Atletico Madrid. Đấy là thái độ vô trách nhiệm với đội bóng, với các đồng đội, với người hâm mộ. Vì sao Balotelli bị phạt, tự anh biết rất rõ.
Thất bại của Milan không phải lỗi của riêng Balotelli, nhưng đó là một thất bại thảm hại của cá nhân tiền đạo này, người thay vì trở thành niềm hi vọng lớn nhất của Milan, đã trở thành người đầu tiên giơ tay xin hàng. Được xem là ngôi sao sáng nhất, là đầu tàu, nhưng Balotelli không gương mẫu cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Một người như anh, nổi bật trên sân chỉ vì cáu bẳn, phàn nàn, chống đối, chắc chắn không giúp gì được cho đội bóng, nếu không phải là chỉ làm cho các đồng đội thêm nản chí.
Hầu như luôn ra sân với cái đầu bực bội vì đủ mọi lý do, làm sao Balotelli tìm thấy cảm hứng thi đấu? Inzaghi có trở thành “siêu Pippo” không nếu anh không có sự hân hoan vô biên với bóng đá? Không. Các huấn luyện viên luôn muốn cầu thủ của họ không bao giờ vơi nỗi đam mê được chơi bóng, biến bóng đá thành niềm vui cho mình và cho người khác. Balotelli không phải là một cầu thủ như thế. Những bất ổn vô tận từ ngoài đời sống đã hủy hoại phần cầu thủ trong anh. Báo chí viết về anh hầu như chỉ về những gì diễn ra bên ngoài sân cỏ. Chuyện đó từng xảy ra với Del Piero, với Totti? Chưa bao giờ.
Milan không thể đợi anh
Sẽ tròn 24 tuổi vào tháng 8 tới, Balotelli không còn là một cầu-thủ-trẻ nữa, nhưng anh chưa trưởng thành. Ở tuổi của anh, cả hai Ronaldo - “béo” và “điệu” - đã giành Quả bóng Vàng; Messi và Van Basten cũng thế; Del Piero hay Baggio trở thành thần tượng của cả đất nước; Henry vô địch cả World Cup lẫn EURO; Platini thành đội trưởng tuyển Pháp; Ibrahimovic đẩy Del Piero lên ghế dự bị; Raul viết nên lịch sử của Real Madrid; Maradona và Pele đều đã trở nên vĩ đại; và rất nhiều cầu thủ khác đã hoàn thiện mình ở tuổi 24.
Balotelli còn xa mới đạt đến trình độ của những người nói trên và có thể khẳng định anh sẽ không bao giờ chạm tới. Anh đang trở thành một Cassano thứ hai, “thần đồng không bao giờ lớn” và cũng chẳng giành được thành công đáng kể nào trong sự nghiệp sắp tàn.
Milan, đội đã “rũ bỏ” một Cassano tật nhiều hơn tài, một cầu thủ chưa bao giờ dốc cả trái tim vì màu áo đỏ-đen, có lẽ cũng không thể đợi Balotelli trưởng thành. Quá trình tái thiết bắt buộc sau mùa giải này chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều thất bại, sự hoài nghi của dư luận, sức ép và chỉ trích. Một người bi quan như Balotelli đơn giản là không hợp cho hoàn cảnh đó, không phải là điểm tựa đáng tin cậy cho Milan kiểu Del Piero thời Juventus hậu Calciopoli hay Totti những năm Roma đại khủng hoảng.
Một cuộc chia tay sau World Cup 2014 có lẽ là tốt cho cả hai. Một sự giải thoát!
Theo Thể Thao Văn Hoá