Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Mảng tối của bóng đá Anh: Rập khuôn theo cái bóng Sir Alex Ferguson

Thứ Năm 30/03/2017 07:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong bóng đá Anh, thuật ngữ "manager" thường được sử dụng để nói về các HLV bóng đá thay vì "coach". Đó là mô hình một người "ôm" hết tất cả khi người Anh quá cuồng với những chiến lược gia làm nên một đế chế kiểu như Sir Alex Ferguson.

 
Thuật ngữ "manager" thường được hiểu theo hàm nghĩa "người quản lý" hơn là HLV bóng đá. Đó là điểm khác biệt giữa bóng đá Anh và phần lớn các giải vô địch quốc gia khác tại châu Âu hay trên thế giới khi thuật ngữ "coach" được sử dụng nhiều hơn.
 
Mang toi cua bong da Anh Rap khuon theo cai bong Sir Alex Ferguson hinh anh
Sự thành công của Sir Alex Ferguson khiến bóng đá Anh phát cuồng với những HLV theo kiểu "manager".

Xét về khía cạnh huấn luyện, "coach" có lẽ là từ thích hợp để sử dụng hơn khi chỉ đưa ra những quyết định mang tính chuyên môn thuần bóng đá. Còn "manager" của người Anh mang ý nghĩa rộng bao gồm cả công tác huấn luyện, nắm cả công tác tuyển trạch, chiêu mộ cầu thủ,...
 
Việc một HLV bóng đá ôm đồm quá nhiều việc không hẳn là chuyện tốt. Chẳng phải ai cũng có kiến thức rộng lớn ở nhiều lĩnh vực như Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger.

Đó là một trong những điểm yếu của bóng đá Anh, nguyên nhân dẫn tới việc khó sản sinh ra những chiến lược gia đẳng cấp như Đức, Tây Ban Nha,... khi các HLV không chỉ phải học kiến thức về chiến thuật, mà còn bao gồm nhiều tri thức tổng quát khác mà lẽ ra phải dành cho giám đốc thể thao hay giám đốc kỹ thuật.
 
Uwe Rosler, HLV đương nhiệm của Fleetwood Town chỉ ra mảng tối trong cách vận hành của các đội bóng tại Anh: "Tôi nghĩ sự ổn định là chìa khóa để làm việc ở Anh và điều đó thường bắt nguồn từ mối quan hệ giữa chủ tịch với huấn luyện viên. Tôi thấy rằng vai trò của giám đốc thể thao hay giám đốc bóng đá rất quan trọng".
 
"Đó là người có tầm ảnh hưởng lớn, cần đưa ra gợi ý về huấn luyện viên tiếp theo cho ban lãnh đạo bởi cả hai sẽ làm việc cùng nhau 24/7. Ví dụ nhé, tôi nói chuyện với Gretar Steinsson, giám đốc kỹ thuật tại Fleetwood còn nhiều hơn vợ mình". 
"Ở Anh, rất nhiều người giỏi, huấn luyện viên tốt nhanh chóng mất việc" - Uwe Rosler
Tư duy lỗi thời
 
Trong cuộc sống hiện đại, chuyên môn hóa trở thành một tiêu chí rất quan trọng và bóng đá không nằm ngoài bánh xe vận động của lịch sử. Tại Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha,... phần đa những câu lạc bộ có tiềm lực đều tách biệt giữa giám đốc thể thao và HLV bóng đá. Một người chuyên phụ trách công tác chuyển nhượng, một người đảm nhiệm vai trò huấn luyện thuần túy.
 
Tiêu biểu nhất là mô hình của Sevilla với GĐTT Monchi. Không phải Unai Emery, chính Monchi là người đứng sau thành công của Sevilla thời gian gần đây khi luôn có những bước đi đúng đắn trong công tác chuyển nhượng.

Monchi là người đưa ra những lựa chọn về chuyển nhượng theo yêu cầu của HLV, sau đó chính HLV là người đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên những tư vấn của GĐTT để tìm ra bản hợp đồng thích hợp nhất cho CLB.
 
Monchi la nguoi dung dang sau nhung thanh cong cua Sevilla.
Monchi là người đứng đằng sau những thành công của Sevilla.

Một ví dụ khác là thành công của Leicester mùa trước với ngôi vô địch Premier League. Những Jamie Vardy, Mahrez hay N'Golo Kante - trụ cột làm nên thành công mùa trước - đều là di sản của GĐTT Steve Walsh. Đến khi Walsh ra đi, những bản hợp đồng được Claudio Ranieri mang về trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2016 đều không thành công, gián tiếp dẫn tới sự sụp đổ của "bầy cáo" trong mùa này.
 
Sau một lọat trận đấu thất vọng hồi đầu mùa, Leicester mới vội vàng bổ nhiệm Eduardo Macia, người từng giữ cương vị GĐTT của Valencia nhằm thay thế Walsh nhưng đã quá muộn màng.
 
Một ví dụ khác là thành công của Atletico Madrid. HLV Diego Simeone không cần quan tâm quá nhiều đến công tác tuyển trạch khi đã có giám đốc thể thao Jose Luis Perez Caminero hỗ trợ. Còn về chuyên môn, Diego Simeone sẽ nhận được sự tư vấn của giám đốc kỹ thuật Andrea Berta. Ở Anh, gần như các đội bóng đều khuyết thiếu một trong hai vai trò này, thậm chí là cả hai.
 
Các chủ tịch thường làm việc trực tiếp với huấn luyện viên bóng đá thay vì thông qua một người làm "bước đệm". Ngoài ra, các chiến lược gia thường sẽ toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng mà không cần nhiều sự tư vấn. Nguyên nhân? Các đội bóng tại Premier League đều giàu có nên nếu hợp đồng không thành công, họ sẵn sàng bán đi để mua người khác.
 
Điều đó khiến các HLV có ít thời gian để suy nghĩ về chiến thuật hơn so với những người đồng nghiệp khác ở châu lục khi ôm đồm quá nhiều việc. Đó cũng là lời giải thích cho câu hỏi vì sao bóng đá Anh sản sinh ra quá ít huấn luyện viên xuất sắc. Và tại Champions League, các CLB tại Anh cũng đang thất thế một cách rõ rệt so với 5 giải đấu hàng đầu châu Âu.
 
Uwe Rosler chỉ bằng một câu nói để chỉ ra vấn đề khiến rất nhiều chiến lược gia tại Anh không phát triển được tài năng: "HLV và GĐTT sẽ lên kế hoạch ngắn, trung và dài hạn cho CLB. Khi bạn không có vai trò này ở CLB, huấn luyện viên cũng chỉ là giải pháp chữa cháy. Thế nên ở Anh, rất nhiều người giỏi, huấn luyện viên tốt nhanh chóng mất việc".
 
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X