Thứ Sáu, 27/12/2024Mới nhất
Zalo

Hệ thống cho mượn và thêm những Townsend mới

Thứ Hai 21/10/2013 22:19(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ở Anh hiện đang dấy lên tranh luận dữ dội về việc làm sao để các cầu thủ bản địa có thêm thời gian ra sân ở Premier League và đóng góp nhiều hơn cho ĐTQG. Sau đây là bài viết của cựu hậu vệ Gary Neville cho tờ Daily Mail.

Thứ Ba tuần trước ở Wembley, một giải pháp gợi ý cho vấn đề đó đã xuất hiện: Hệ thống cho mượn cầu thủ. Một số người coi đó là sự đàn áp của các CLB hạng cao, nhất là Premier League, với những đội hạng dưới, nhưng ngay cả họ cũng không thể phủ nhận rằng khoảng thời gian lang bạt khắp nơi theo dạng cho mượn đã giúp trui rèn nên một Andros Townsend xuất sắc như vậy cho Tottenham và ĐT Anh.

Ngay cả chính Andros hẳn cũng không dám mơ tưởng về việc anh trở thành ngôi sao sáng nhất của tuyển Anh trong những màn trình diễn trước Montenegro và Ba Lan, để rồi lại nối dài phong độ ấn tượng của mình trong màu áo Spurs ở chiến thắng 2-0 trước Aston Villa ngay tại Villa Park. Nhờ hệ thống cho mượn, Townsend, ở tuổi 22, đã có gần 150 trận đấu chuyên nghiệp.

Tân binh Townsend có màn ra mắt ĐTQG đầy ấn tượng
 

Không điều gì giá trị với một cầu thủ trẻ ở độ tuổi 18-22, giai đoạn quyết định của thời kỳ trưởng thành, bằng việc được ra sân mỗi tuần, và phải là những trận đấu đúng nghĩa, trước một đám đông CĐV đúng nghĩa, với các đồng đội chiến đấu hết mình vì một chiến thắng, và dưới áp lực liên tục của ban huấn luyện.

Chính bởi những điều đó mà các cầu thủ trẻ hiểu ra được họ phải làm gì, và phải làm tốt hơn ra sao. Chơi bóng ở giải U21 Premier League hay đội hình dự bị không mang tới điều đó. Ở Manchester United, tôi đã được dạy dỗ là đừng nhận mình là một cầu thủ đủ kinh nghiệm cho tới khi đã chơi đủ 100 trận. Khi đạt tới cột mốc đó, bạn đã trải qua ít nhất 3 mùa giải trọn vẹn, trải nghiệm những thăng trầm, những cay đắng, ngọt bùi, những thất vọng, vinh quang, bạn đã biết bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao là như thế nào.

Thật khó tin số hợp đồng cho mượn mà Andros đã ký trong vòng 4 năm: 9, khó khăn có, vui vẻ có, nhưng tất cả đã góp phần hun đúc nên cá tính mạnh mẽ của anh ấy hiện giờ. Ban có thể nghĩ rằng chơi bóng ở Leyton Orient và Millwall không phải là sự chuẩn bị để khoác áo tuyển Anh ở Wembley. Nhưng chính ở những nơi đó, bạn học được cách trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Mọi người nói về thách thức chơi bóng ở những chảo lửa, về bầu không khí ở Anfield, Elland Road hay Galatasaray, vài sân trong số những sân máu lửa nhất mà tôi từng biết. Nhưng cũng áp lực không kém là chơi trước vài nghìn người trong một sân bóng nhỏ mà bạn có thể nghe rõ mồn một những tiếng la hét chửi bới trên khán đài.

Tôi còn nhớ khi gặp Exeter City ở một trận vòng 3 Cúp FA, áp lực không kém bất cứ trận nào ở Champions League. Bóng đá cũng như những nghề nghiệp khác. Hãy nghĩ tới ban nhạc Beatles khi họ còn chơi ở những quán bar nhỏ bé tại Liverpool, hay ban Oasis khi còn ở những vũ trường vô danh tại Manchester, lang bạt khắp nơi, với đám thính giả vài chục người. Chính ở những nơi đó, họ đã học cách trở thành vĩ đại. Con đường tới Wembley cũng thế.

Sẽ luôn có những thần đồng, những cầu thủ như Cesc Fabregas ở Arsenal hay Wayne Rooney ở Everton, những người có thể bước thẳng lên đội 1 ở bất cứ CLB nào khi mới 16 tuổi, nhưng tuyệt đại đa số các cầu thủ cần trải nghiệm, làm việc cật lực và học hỏi dài lâu cho những thử thách lớn. David Beckham từng nói về việc được cho mượn ở Preston giúp anh phát triển sự nghiệp ra sao, giúp anh hiểu rằng bóng đá không chỉ có hoa hồng. Frank Lampard đã nói về thời kỳ anh chơi theo dạng cho mượn ở Swansea, lúc đó còn ở League One (giải hạng 3 Anh), với rất nhiều trân trọng.

Một năm ở Sunderland đã cho Danny Welbeck lòng tin anh có thể chơi bóng ở Premier League. Kyle Walker nổi bật hơn hẳn tại Tottenham sau khi trở về theo dạng cho mượn ở Sheffield United, QPR và Aston Villa. Tom Cleverley tới Wigan để làm việc với Roberto Martinez, một HLV có triết lý nhấn mạnh về chuyền bóng và di chuyển, một quyết định có lợi cho cả CLB và cầu thủ.

Ngày nay có quá nhiều ngôi sao xẹt ở Premier League. Một số cầu thủ trẻ nổi lên nhất thời sau vài trận, họ ở lại các đội lớn thay vì ra đi theo dạng cho mượn, nhưng rồi rốt cuộc những gì họ có chỉ là vài trận vào sân từ ghế dự bị, rồi việc luyện tập cũng gián đoạn, bởi một khi bạn không ra sân, tập tành thiếu hẳn động lực. Họ cũng không muốn trở lại trình độ U21 và rồi mắc kẹt vĩnh viễn, không bao giờ có thể trưởng thành. Andros đã nhẫn nại cho tới mùa này, và đã tránh được bi kịch đó. HLV của anh, Andre Villas-Boas hẳn phải rất hài lòng vì đã quyết định cho mượn anh ở QPR, nơi Townsend khẳng định được năng lực của mình.

Khi bạn nhìn vào những cầu thủ Anh được hưởng lợi từ hệ thống cho mượn, bạn phải thấy rằng đó là hệ thống cực kỳ quan trọng để phát triển các cầu thủ trẻ trong tương lai. Đó có thể không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng chắc chắn là một phần cốt lõi của giải pháp.

Theo Bongdaplus.vn
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?

Xem thêm
top-arrow
X