(Bongda24h) - Hồi mùa hè năm 2012, khi Man United đã bỏ ra khoản tiền không nhỏ để đưa Kagawa về Old Trafford, chỉ có những anti-fan hiếu chiến nhất mới dám đưa ra nhận định rằng mục đich của thương vụ này chủ yếu nhằm đến khía cạnh thương mại chứ không phải chuyên môn dù rằng không phủ nhận mua được Kagawa, Man Utd sẽ có trong tay thứ vũ khí hữu hiệu để công phá hơn nữa thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng bởi thời điểm đó, tài năng của tiền vệ sinh năm 1989 này đã được công nhận rộng rãi. Thế nhưng, cho đến nay, Kagawa vẫn chưa thực sự xác lập được chỗ đứng của mình ở đội bóng và nếu phong độ của anh cứ mãi "èo uột", nhiều khả năng Kagawa sẽ phải khăn gói ra đi, thậm chí ngay trong kỳ chuyển nhượng sắp tới. Vậy thì, vì đâu nên nỗi, hỡi ngôi sao bóng đá của xứ Phù tang?
15 tháng trước, Kagawa ngự trị trên đỉnh cao thế giới sau khi toả sáng rực rỡ trong sắc áo Dortmund (17 bàn trong cả mùa và vô số đường chuyền kiến tạo khác), giúp đội bóng vùng Ruhr lập cú đúp (bảo vệ thành công "Chiếc Đĩa bạc Bundesliga" rồi đoạt luôn cả cúp Quốc gia Đức) ngay trước mũi "đại kình địch" hùng mạnh Bayern Munich. Mùa trước đó (2010-2011), trong năm đầu tiên chơi bóng tại lục địa già, Kagawa cũng thể hiện không tồi ở Dortmund và bắt đầu thu hút được sự chú ý về một tiền vệ nhỏ con, đậm chất châu Á nhưng sở hữu kỹ thuật hoàn hảo của một cầu thủ Brazil, đầu óc chiến thuật tinh tế của một cầu thủ châu Âu. Giấc mơ được gia nhập đội bóng hàng đầu hành tinh, Manchester United cũng trở thành hiện thực, chỉ có điều cuộc sống ở Anh không "hồng hào" như anh mong muốn. Dường như cái dớp của người đồng đội cũ Nuri Sahin đã vận vào Kagawa (Sahin cũng từng là trụ cột quan trọng của Dortmund song đã thất bại thảm hại khi đầu quân cho Real Madrid và giờ đã phải trở lại Dortmund để tìm lại chính mình).
Mùa bóng 2012-2013, Kagawa rất chật vật giành vị trí trong đội hình thi đấu của "Quỷ đỏ" thành Manchester dù được Sir Alex trao không ít cơ hội. Kết quả, anh chỉ được chơi trọn vẹn 90 phút trong đúng 6 trận đấu ít ỏi tính trên mọi đấu trường. Đặc biệt, sau khi bình phục chấn thương đầu gối kéo dài đến 2 tháng, Kagawa thường xuyên phải đảm nhận vị trí không ưa thích (tiền vệ cánh trái) nên anh càng không thể phát huy hết phẩm chất của một nhạc trưởng bẩm sinh, một "số 10" tài năng. Chẳng thế mà, HLV trưởng Dortmund, Jurgen Klopp từng phải thốt lên đầy đau đớn rằng trái tim ông đã rỉ máu khi phải chứng kiến cậu học trò cũ bị đẩy sang cánh trái, khiến năng lực bị hạn chế và đất diễn bị giới hạn. Với Klopp thì Kagawa chỉ là chính mình nếu được giao vai trò dẫn dắt lối chơi sở trường ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, nói gì thì nói, màn trình diễn của anh chẳng thuyết phục được ai. Ngoại trừ cú hattrick đỉnh cao ở chiến thắng 4-0 trước Norwich cùng vài khoảnh khắc chói sáng lẻ tẻ khác, Kagawa thực sự là nỗi thất vọng tại Old Trafford. Shinji Kagawa: Bao giờ sẽ "sáng" ở Man Utd?
Bước sang mùa thứ hai thì tình cảnh của Kagawa ở Man Utd còn "khốn khổ, khốn nạn" hơn nhiều. Anh gần như bị tân HLV trưởng David Moyes bỏ rơi, mới chỉ xuất hiện 4 lần duy nhất và chưa trận nào được chơi trọn vẹn 90 phút. Một số chuyên gia đã trách móc "truyền nhân của Sir Alex" về việc không trọng dụng Kagawa nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân Kagawa không hề tạo được chút ấn tượng đặc biệt nào trong mắt David Moyes. Thậm chí ngay cả tiêu chí tối giản nhất "hoàn thành nhiệm vụ", tiền vệ người Nhật cũng không đạt đến thì bảo sao Moyes không "làm ngơ". Vậy thì câu hỏi được đặt ra: Tại sao một cầu thủ có tài và đã khẳng định được mình như Kagawa lại tồn tại trầy trật đến thế ở Manchester United?
Đầu tiên cần phải thừa nhận, Kagawa quá thiếu sức mạnh và không đủ thể chất, yếu tố quan trọng với một cầu thủ ngoại quốc muốn thành công tại Premier League, môi trường bóng đá luôn đề cao sức mạnh. Kể cả đã thi đấu tại đây hơn một năm và hẳn đã quá hiểu đặc trưng của bóng đá Anh nhưng Kagawa vẫn không tài nào cải thiện được điểm yếu này. Đây có thể xem là điều khá khó hiểu và dường như chỉ một mình Kagawa lý giải được vì hồi còn thi đấu ở Bundesliga, anh đâu "yếu ớt" đến thế (trung bình một trận, anh chạy khoảng 12.46 km). Ngoài ra, không thể đề cập tới sự khác biệt về phong cách chơi bóng của Bundesliga và Premier League. Vị trí ưa thích của Kagawa là tiền vệ tấn công trung tâm mà tại Anh, tiêu chuẩn truyền thống cho một cầu thủ ở vị trí này là phải cao to, nhanh nhẹ cộng thêm nền tảng thể lực sung mãn mà Kagawa lại thiếu cả 3 phẩm chất này. Chắc chắn sẽ có người thắc mắc Mesut Ozil, một tiền vệ cũng thấp bé nhẹ cân, chẳng nhanh nhẹn cho lắm giống Kagawa nhưng lại mau chóng thành công ở Arsenal. Chưa cần bàn đến tài năng, đẳng cấp, trình độ của hai cầu thủ (xét về khoản này thì Ozil có vẻ "ăn đứt" Kagawa) mà về bản chất, lối chơi của Arsenal đậm chất La-tinh nên rõ ràng, càng tạo đất diễn cho cầu thủ người Đức trong khi bao năm qua, Man Utd vẫn duy trì phong cách chơi bóng mang hơi hướng Anh truyền thống. Thực tế, nhiều tiền vệ trung tâm thiên nhiều về kỹ thuật đều thất bại thảm hại ở Man Utd (Veron, Kleberson, Anderson, Karel Poborsky,...) và người được xem là tiền vệ tấn công hay nhất đội tính từ thời điểm Sir Alex lên nắm quyền (1986) liệu còn ai khác ngoài một Paul Scholes đầy dũng mãnh như một chiến binh chứ không hề mang khí khái hào hoa, phong nhã của một nghệ sỹ sân cỏ.
Hồi còn thi đấu ở Dortmund, Kagawa được mô tả như một "số 10" đích thực (tức là thi đấu như một hộ công phía dưới tiền đạo và chịu trách nhiệm dẫn dắt, tổ chức lối chơi của một người nhạc trưởng) giống hình mẫu của Mesut Ozil song chính xác hơn, phong cách của Kagawa tương đồng với Isco hay cao cấp hơn là Cristiano Ronaldo. Đó là những mẫu tiền vệ tấn công thuần chất, giỏi ghi bàn hơn kiến tạo và không hề phải mang trọng trách điều phối lối chơi (ở Dortmund, Mario Gotze mới thực sự là nhạc trưởng của đội bóng). Do không phải "nhạc trưởng" nên đồng nghĩa, tầm hoạt động của Kagawa sẽ phải rộng hơn, anh phải di chuyển và hoạt động nhiều hơn mà như thế thì quá dễ "chìm nghỉm" giữa những tiền vệ cao to, giàu sức chiến đấu vốn đông như quân Nguyên ở Premier League. Thêm vào đó, tốc độ bứt phá và khả năng tranh chấp tay đôi của Kagawa cũng rất hạn chế, làm cho anh càng khó sống ở nước Anh.
Nếu xem xét kỹ quãng thời gian Kagawa thi đấu cho Dortmund thì có thể nhận ra vì sao anh lại thành công đến vậy và những điểm yếu của anh cũng không trở thành vấn đề quá nghiêm trọng. Nói một cách ngắn gọn, Kagawa chỉ được HLV Jurgen Klopp coi là một mắt xích bình thường trong hệ thống thi đấu mang chất tổng lực được ông sắp xếp chặt chẽ từ cách bố trí nhân sự cho đến phân công nhiệm vụ, triển khai các phương án tấn công mà mấu chốt nhất là phải đề cao tính tập thể chứ không phải tôn vinh cá nhân. Khi đã quá quen với một môi trường như vậy thì các cầu thủ thường không dễ tồn tại khi chuyển đến một đội khác trừ phí đội đó có nhiều điểm tương đồng với CLB cũ. Tại Dortmund, Kagawa nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía dưới của các tiền vệ hết sức cơ động không chỉ làm nhiệm vụ phòng ngự đơn thuần (Sahin, Gundogan) mà còn thường xuyên dâng cao tiếp viện. Thi đấu gần Kagawa là một Mario Gotze tài ba và cả hai được phép thực hiện những màn phối hợp bật tường ăn ý để phá vỡ hàng thủ đối phương. Robert Lewandowski được giao nhiêm vụ trung phong cắm song công việc của tiền đạo cao to này không hề gói gọn trong duy nhất nhiệm vụ chọc thủng lưới đối phương mà anh cần phải biết phối hợp với đồng đội phía dưới lúc cần thiết bằng những pha đánh đầu "làm tường" hoặc nhả bóng cho tuyến hai. Do đó hoàn toàn có thể tưởng tượng rằng trong một đợt tấn công, số lần chạm bóng của Kagawa sẽ không nhiều và anh cũng không phải chạy lắm, đua sức với đối thủ bởi đồng đội luôn có mặt xung quanh. Rõ ràng, cách đá của Dortmund cực kỳ khoa học, không đề cao vai trò cá nhân mà phải nổi bật yếu tố tập thể. Những con người được lựa chọn đều hoàn toàn phù hợp với ý đồ của HLV trưởng. Bằng chứng, trong hai mùa Dortmund vô địch Bundesliga thì không có một ngôi sao nào tỏ ra quá nổi trội xét về thành tích cá nhân mà có sự cân bằng trong đội hình.
Khi gia nhập Man Utd, Kagawa buộc phải thích ứng với một lối chơi mới hoàn toàn. Trước hết, hãy đề cập đến hai đặc trưng cơ bản của Man Utd. Thứ nhất, họ vẫn thiên nhiều về đá biên, vốn là đặc sản bao đời nay của người Anh. Thứ hai, "Quỷ đỏ" thành Manchester cực giỏi trong những bài tổ chức phản công. Như vậy, cự ly giữa các vị trí trên hàng công của Man Utd hiển nhiên sẽ rộng hơn so với Dortmund. Chính vì thế, nếu Kagawa được thi đấu ở khu trung tâm thì đồng nghĩa anh phải biết phất những đường chuyền trung bình hoặc dài sang hai cánh hay lên tuyến đầu cho các tiền đạo mà Kagawa lại quá quen với chuyền ban ngắn, phối hợp nhỏ. Còn nếu Kagawa bị đẩy sang cánh trái thì ai cũng hiểu anh sẽ thể hiện ra sao bởi tiền vệ sinh năm 1989 này làm gì biết đột phá, chồng cánh hay đơn giản nhất là tạt bóng vào vòng cấm địa. Thực ra, Man Utd mà sở hữu được những tiền vệ làm bóng tốt ở tuyến dưới (Thiago Alcantara, Cesc Fabregas, Luka Modric) thì tin chắc, khả năng của Kagawa sẽ được phát huy hơn nhiều (Michael Carrick chỉ cho thấy sự xuất sắc ở khâu kiểm soát trung tuyến, đánh chặn từ xa chứ còn nhiều hạn chế ở vai trò phân phối bóng, phát động tấn công).
Xét về mặt lý thuyết, phương án duy nhất để khai thác hết tài năng của Kagawa là Man Utd cần triển khai đấu pháp 4-3-1-2. Nhìn bề ngoài, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến sơ đồ 4-4-2 hình kim cương (vì cùng sử dụng 4 tiền vệ và một người nhô cao, thi đấu ngay phía dưới hai tiền đạo). Tuy nhiên, có một khác biệt cơ bản: Ba tiền vệ phía dưới luôn phải chơi giăng ngang, "cùng tiến cùng lui" nhịp nhàng và tầm hoạt động trải rộng ra hai cánh và phần lớn khu vực giữa sân trong khi ở 4-4-2 hình kim cương thì bộ ba này bố trí theo hình tam giác, trong đó người được bố trí ở góc thấp nhất hầu như chỉ làm nhiệm vụ phòng thủ. Cách chơi này dường như khá phù hợp với tình hình nhân sự hiện tại của Man Utd khi quá thiếu tiền vệ cánh đẳng cấp. Kể cả trong trường hợp bố trí tiền vệ biên vào sơ đồ (có thể sử dụng cả 3 tiền vệ trung tâm đơn thuần hoặc 1 trung tâm, hai cánh) thì họ không phải chịu gánh nặng phải trở thành một mũi nhọn đe doạ đối phương từ cánh bởi nhiệm vụ của họ bao quát hơn, gồm cả hỗ trợ ở trung tuyến. Tuy nhiên, nó đòi hỏi 3 tiền vệ được sử dụng phải phối hợp cực kỳ nhuẫn nhuyễn và ăn ý, bằng không dễ tạo ra những khoảng trống chết người ở trung tuyến một khi thiếu nhịp nhàng. Còn về phần tiền vệ đá cao nhất phía dưới hàng tiền đạo (hộ công) thì anh ta phải vác trên vai sứ mệnh vô cùng nặng nề bởi mọi đường tấn công phần lớn sẽ phải qua chân anh ta. Đặt giả thuyết, Man Utd áp dụng sơ đồ này thì hiển nhiên, Shinji Kagawa sẽ được giao trọng trách hộ công nhưng liệu ngôi sao người Nhật có đủ tự tin và bản lĩnh để làm tốt công việc của mình, đặc biệt áp lực khoác màu áo Đỏ cũng đã rất khủng khiếp rồi, huống chi Kagawa còn phải hoá thân thành "hạt nhân" của đội bóng. Thêm vào đó, bấy lâu nay Man Utd đã được định hình và xây dựng theo mấy đấu pháp phổ biến hơn (4-3-3, 4-2-3-1, 4-4-2) nên ai dám bảo liệu David Moyes có đủ tự tin thử nghiệm đấu pháp mới khi mùa giải đã trôi qua một thời gian.
Dẫu vậy, rủi ro càng cao thì lợi ích thu về (nếu thành công) sẽ càng lớn. Trong những tình huống cấp bách "ngàn cân treo sợi tóc" mà có thể ảnh hưởng đến chiếc ghế tại Man Utd thì phải chăng David Moyes nên tính đến việc "liều mạng" thay vì cứ bảo thủ giữ vững lập trường mà dồn niềm tin vào Kagawa, sẵn sàng điều chỉnh lối chơi vì một cầu thủ phần nào khẳng định đựoc tên tuổi xem ra còn khả dĩ chán so với kỳ vọng vào những gương mặt trẻ còn non như Zaha hay Januzaj. Ngoài ra, hãy nhớ câu châm ngôn "thời thế tạo anh hùng". Cứ phải mạo hiểm đôi lần với Kagawa, tạo cho anh môi trường thi đấu tốt nhất phù hợp nhất thì mới mong nhìn thấy rõ rệt đẳng cấp, trình độ thực sự của cầu thủ này rồi từ đó có những quyết sách đúng đắn (bán hay giữ lại). Xét cho cùng, tình hình của Man Utd hiện giờ chẳng còn sáng sủa gì cho lắm (63 năm qua, chưa đội nào vô địch Premier League sau khi đã thua ở 3/6 vòng đầu mùa) nên có "lởm khởm" thêm vài trận cũng chẳng chết ai.
Bảo Phương - Bongda24h.vn