Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Viết cho Sir Alex, viết cho chữ “tình” trong bóng đá!

Thứ Ba 13/11/2012 13:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tháng 11 năm 2012, cả nước Anh và tín đồ túc cầu khắp nơi ngả mũ kính phục đón chào kỉ niệm 26 năm Sir Alex Ferguson dẫn dắt Manchester United, một chặng đường dài với quá nhiều vinh quang và cả những tủi hổ đủ sức thêu dệt nên một cuốn tiểu thuyết bất hủ trong bóng đá. Đó chỉ có thể là ông, một trong những HLV vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Thế giới bóng đá đã thay đổi rất nhiều, chính sự can thiệp sâu sắc của đồng tiền và xã hội, bóng đá giờ đây đôi khi mất đi chữ tình mà khi muốn hoài niệm về nó, người ta sẽ nhìn về Sir Alex để chiêm nghiệm.

Từ tượng đài bất tử Ferguson…

Đã 26 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên người đàn ông ấy lần đầu tiên ra mắt “Nhà hát của những giấc mơ”, một trận thua bạc nhược của quỷ đỏ trước Oxford United, một sự khởi đầu nan đúng với nguyên lí của cuộc đời. 26 năm sau, M.U chễm chệ trên ngôi đầu bảng và hừng hực khí thế hướng đến chức vô địch lần thứ 20 trong lịch sử. Với nhiều người, đặc biệt là những ai chứng kiến những ngày đầu đầy gian nan của chiến lược gia người Scotland, Man United ngày hôm nay thực sự là một giấc mơ, một câu chuyện cổ tích của thời hiện đại.

Biết bao biến cố của thời cuộc, của đội bóng, Ferguson vẫn đứng đó, vững vàng và dư thừa bản lĩnh để che chở cho Bầy quỷ nước Anh, để đưa con thuyền Man Utd đến với bến bờ mới của chiến thắng, của vinh quang và thách thức sự phát triển của những con số thống kê. Thế giới bóng đá không thiếu những HLV tài năng, cá tính và thậm chí nếu so sánh về danh hiệu, cũng không thiếu những người vượt xa Sir Alex, nhưng xét về toàn cục, đặc biệt khi nói về tình yêu, nhiệt huyết và sự bền bỉ, không ai đủ sức đứng trên Ferguson.

Một trái tim, một tình yêu.
Một trái tim, một tình yêu.

Không cá tính và "đanh đá" như Mourinho, không hào hoa lãng tử như Guardiola, càng không mang sắc thái giáo sư như Wenger, Ferguson trong mắt người hâm mộ bình dị nhưng cực kì nghiêm khắc, là sự dung hòa giữa tài năng và nhân cách, dù đôi khi, những phát ngôn thiếu kiềm chế khiến ông không được lòng người khác, nhưng trên tất cả, tổng hợp của những yếu tố ấy khiến Ferguson là số 1, là bất tử, là chưa từng có trong thế giới bóng đá.

Biết bao thế hệ ngôi sao tầm cỡ thế giới đã và đang “xuất xưởng” từ Old Trafford, từ bàn tay khéo léo của kiến trúc sư Ferguson, tất cả họ đều là những cá tính lớn, nhưng khi là một phần của Quỷ đỏ, không ai quan trọng và quyền lực hơn Sir Alex. Ngay cả khi đã ra đi, hầu hết những Beckham, Nistelrooy, Ronaldo,… đều thừa nhận, trong mắt họ luôn là sự tôn trọng và biết ơn vô bờ bến dành cho Người cha thứ 2 của họ.

Một phần tư thế kỉ qua, bằng tâm huyết và tinh yêu vô bờ bến dành cho Quỷ đỏ, phù thủy Scotland đã biến M.U từ một đội bóng có lịch sử nhưng vấp phải cái bóng quá lớn của Liverpool thành một cỗ máy chiến thắng, một chiến binh thiện nghệ ở mọi đấu trường, từ chỗ chật vật giữa những năm 80, M.U giờ đây là ứng cử viên hàng đầu ở mọi giải đấu, giá trị thương mại và sức ảnh hưởng thương hiệu của cái tên Manchester United là vượt xa khuôn khổ thể thao. Và thành công đó có công cực lớn của Sir Alex, nói đến M.U là nói đến Sir Alex, huyền thoại Cantona đã từng nói như vậy khi nói về người thầy của mình.

Biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu

Người ta thường tự hỏi tại sao Ferguson lại ở lại với Manchester lâu đến vậy? Phải chăng chỉ có M.U mới mang đến cho ông thành công? Phải chăng chân lí bóng đá của ông sinh ra là để dành cho Quỷ đỏ? Sẽ là rất nhiều câu trả lời, rất nhiều sự tranh cãi, nhưng suy cho cùng, đó là sự gọi tên của tạo hóa, hai vế song song của câu trả lời tồn tại ở đây chính là: Nếu không phải là Sir Alex, sẽ không có một M.U huyền thoại hôm nay và ngược lại, nếu không phải là một Manchester United định mệnh, chưa ai biết được giờ chúng ta có gọi ông với vinh dự là “Sir” hay không.

Ông bắt đầu hành trình tình yêu của mình với Quỷ đỏ khi tôi còn chưa sinh ra, nhưng khi mà bóng đá bắt đầu giai đoạn thị trường hóa, khi mà “chữ tình chữ nghĩa” trong môn thể thao vua ngày càng phai nhạt, thì ở Ferguson luôn nhắc nhở tôi một điều, một chân lí đơn giản mà không phải ai cũng nhận ra: bạn có thể là bất kì ai, làm bất kì nghề gì, nhưng với chúng bạn phải có tình yêu và tâm huyết. Old Trafford vẫn thế, vẫn là thánh đường bóng đá rộn vang không ngớt những bài hát, những lời cỗ vũ của hàng chục ngàn khán giả, dẫu thời gian qua đi, tháng năm đã lấy đi ở đó những con người tài năng, những ngôi sao một thời làm người ta mê mẩn Red Devil. Nhưng họ không phải là tất cả, không Charlton, Best, Cantona, Beckham hay Ronaldo, những chiếc cúp vẫn không ngừng về với nơi đây, bởi đơn giản nơi đây vĩnh viễn tồn tại một ngôi sao sang nhất - Alex Ferguson.

Những ngày cuối cùng tại “nhà hát” của người đàn ông Scotland kia đang đến rất gần, không bất ngờ khi ta dễ dàng bắt gặp những trang báo nói về ai sẽ kế vị ông, một chủ đề không chỉ nóng tại nước Anh xa xôi mà còn nóng hơn bao giờ hết trong trái tim các Manucian toàn cầu. Chưa biết ai sẽ kế tiếp sự nghiệp vinh quang của tượng đài Ferguson, chỉ có một điều chắc chắn, áp lực dành cho người ấy sẽ lớn gấp bội sức nóng từ chiếc ghế huần luyện của bất kì một đội bóng nào khác. Rất có thể là một viễn cảnh khó khăn nữa cho Quỷ đỏ, nhưng có một điều mà người hâm mộ Manchester Utd hoàn toàn có thể yên tâm đó chính là: Ferguson có thể ra đi nhưng tinh thần Ferguson, bản lĩnh Ferguson chắc chắn đã ăn vào huyết mạch của từng “Quỷ con”, dù họ chỉ là thầy trò một ngày hay là cả cuộc đời, thứ bản lĩnh ấy vẫn đáng sợ và trường tồn vĩnh viễn, bởi có một điều đã được ghi khắc, khi bạn bước những bước chân đầu tiên trên thảm cỏ Old Trafford, tên ông mãi mãi được hô vang từ khán đài mang tên “Ferguson Stand”.

Đến câu chuyện về chữ “tình” trong bóng đá

Nói đến chữ tình, người ta thường mang chữ “tiền” ra để quy đổi và so sánh, điều ấy không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hoàn toàn không có cơ sở. Bóng đá chuyên nghiệp với cơ chế mỗi đội bóng là mỗi doanh nghiệp, vô hình chung mỗi cầu thủ chính là những người lao động, họ tìm kiếm danh vọng và nuôi sống bản thân bằng mồ hôi nước mắt trên sân bóng. Và khi đó, rõ ràng tính giải trí của môn thể thao vua sẽ bị ảnh hưởng, khi đồng tiền có mặt, những câu chuyện về giá trị cầu thủ, về phương châm dùng tiền mua danh hiệu như là một “dịch vụ ăn theo” phát triển đến chóng mặt. Cuộc sống cần tiền và bóng đá cũng như vậy, nhưng cũng chính từ chi phối của đồng tiền, những giá trị nhân văn của con người đôi khi bị thách thức và trả giá cay đắng.

Biết bao nhiêu đội bóng từng một thời là cái nôi của cả một nền bóng đá, là thương hiệu mà khi nhắc đến họ, những người yêu bóng đá sẽ phải chẹp miệng tiếc rẽ vì hiện thực phũ phàng, có thể kể đến Leeds United, Arsenal, Napoli, Liverpool,… Biết bao danh thủ lừng danh từng là một phần sự sống của người hâm mộ, nhưng rồi một hành động, hay xa hơn là sự tha hóa trong đạo đức đã khiến họ đánh mất tất cả, họ nhận lại ánh nhìn khinh bỉ thậm chí căm thù của đồng đội và CĐV, và như một lẽ tất yếu, đó là sự đi xuống hay chấm hết của sự nghiệp. Hãy bắt đầu bằng câu chuyện mang tên Van Persie cuối tuần qua, một cuộc gặp gỡ nhiều duyên nợ của bóng đá Anh giữa Man Utd và Arsenal,nhưng tâm điểm của mọi ánh nhìn chính là tiền đạo người Hà Lan ,người mà chỉ cách đây hơn 5 tháng vẫn còn là “tất cả” với Arsenal. Trận đấu kết thúc với chiến thắng thuộc về Quỷ đỏ, chỉ có điều 3 điểm không phải là giá trị lớn nhất của trận cầu ấy, giá trị lớn nhất thuộc về nhân cách và tình yêu sâu sắc mà các Manucian, các CĐV Arsenal và người hâm mộ toàn cầu dành cho Robin. Có lẽ anh là người duy nhất khiến Wenger “hạnh phúc” sau trận đấu, một đời vất vả huấn luyện, những gì mà Van Persie thể hiện hôm nay chính là niềm tự hào của “giáo sư”.

Nếu nói về nỗi đau bị “chữ tình” giày vò trong bóng đá, chính các The Gunners là những người thấm thía hơn cả, không ai quên màn ăn mừng mất đạo đức của Aderbayor ngay tại Emirates hay những lời phát biểu như “cứa dao” vào tim các pháo thủ của Samir Nasri, đó là lúc mà không ít người đã phải lau nước mắt vì nỗi đau quá lớn. Không đau sao được khi từ những viên ngọc thô vô danh, họ được một tay Wenger đưa về và mài dũa, họ lớn lên trên thẳm cỏ và tình yêu của các CĐV, để rồi chỉ vì tiền hay vì cái lý lẽ “cần danh hiệu” lố bịch nào đó, họ không chỉ quay lưng mà còn hạ nhục CLB, một sự phản bội trắng trợn và quá đáng suy ngẫm.

Khi bạn hỏi một cổ động viên nước Anh về những cầu thủ bị ghét, trong số đó chắc chắn không thể thiếu Tevez, chàng tiền đạo có biết danh Apache. Không một Manucian nào quên tấm bảng mang dòng chữ “Xanh mồ đi Alex” được chính tiền đạo một thời từng được hô vang tại Old Trafford giương cao trong buổi lễ ăn mừng chức vô địch của nửa xanh thanh Manchester, đó là thời khắc của sự thật, thời khắc mà chắc chắn dù bạn không thích M.U, không thích Sir Alex cũng phải dành sự khinh bỉ cho Tevez. Đó là sự chà đạp thô bị lên jao chữ thiêng liêng thầy trò. Đành rằng Tevez giận Alex, giận Man Utd đã không trao cơ hội cho anh, nhưng hành động đáp trả kiểu đó chỉ đến từ những kẻ vô học và vô đạo đức.

Berbatov là một sự tương phản, tài năng của “nghệ sĩ Bulgaria” không hề thua Apache, nhưng đứng trước khó khăn của thời vận, Berba đón nhận việc thường xuyên bị Ferguson xếp dự bị bằng sự chăm chỉ trên sân tập, bằng sự chuyên nghiệp và đạo đức trong cách hành xử, anh âm thầm góp những viên gạch nhỏ để xây dựng nên thành công của Man Utd, để rồi ngày Berbatov nói lời chia tay, Ferguson nói lời tri ân anh, tên anh đọng lại trọng trái tim người hâm mộ cũng với những pha bóng mang thương hiệu “bố già lãng tử”, người ta cảm thông nhiều hơn thay vì coi anh như bản hợp đồng thất bại của M.U.

Khi đồng tiền cứ ngày một khẳng định sức mạnh, người hâm mộ chẳng còn biết bấu víu vào đâu mà tìm “chữ tình” như những gì mà Paul Scholes, Ryan Giggs, Totti, Maldini, Baresi… đã từng làm, gắn bó trọn đời với một tình yêu, chẳng cần người đại diện hay yêu sách lương bổng, nhất là khi những ngôi sao của tương lai như Hazard, Lucas Moura,… ngay từ lúc này đã biết học cách nói dối để làm tăng giá trị.

Thay cho lời kết…

Môn thể thao vua hay môn thể thao nào khác, hễ đã là sản phẩm của con người thì phải mang tính nhân văn, tinh thần thể thao cao thượng, nơi tranh đấu quyết liệt nhưng phải hàm chứa chữ nghĩa chữ tình. Cũng bỡi những sự tương phản tồn tại ấy, người ta vẫn cứ yêu bóng đá, xem bóng đá để yêu những ai đáng được yêu và ghét những nhân vật phản diện của làng túc cầu. Ý nghĩa và ma lực hấp dẫn của trái bóng cũng đến từ những tình tiết yêu, ghét, vui, buồn rất đời thường ấy.
 
(Theo Bongda)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X