Nếu muốn chinh phục danh hiệu Europa League, MU sẽ phải vượt qua thử thách mang tên Bilbao ở vòng 1/8. Trong quá khứ, nỗi khiếp sợ khi đối đầu các đội bóng Tây Ban Nha luôn hiện hữu trong suy nghĩ của các thầy trò Alex Ferguson.
MU dù ở thời kỳ đỉnh cao nhất, họ vẫn luôn bị dớp khi đối mặt các CLB Tây Ban Nha. Lật lại lịch sử năm 2000, MU đang là ĐKVĐ và được đánh giá cao hơn hẳn Real Madrid có phần suy yếu, nhưng rút cuộc “Quỷ đỏ” vẫn nhận thất bại đầy cay đắng.
Ở lượt đi tứ kết tại Bernabeu, MU bị ép sân hoàn toàn nhưng họ vẫn đứng vững khi hòa 0-0 và cơ hội đi tiếp trở nên rộng mở. Tuy nhiên, khi trở về Old Trafford “Quỷ đỏ” lại chơi sa sút thậm tệ, họ bị dẫn trước đến 3-0 (Redondo, Raul tỏa sáng) và hai bàn gỡ sau đó chỉ mang ý nghĩa danh dự, khi “Kền kền trắng” làm chủ hoàn toàn cục diện.Dù chỉ là một đội bóng trung bình tại La Liga nhưng Bilbao vẫn hứa hẹn là đối thủ đáng gờm với Man Utd
3 năm sau, cũng ở tứ kết Champions League một lần nữa MU lại ôm hận trước Real Madrid. CLB Hoàng gia dưới sự dẫn dắt của Del Bosque thực sự là thế lực lớn thời điểm đó, khi thắng MU 3-1 ở lượt đi và dù thất bại 3-4 tại Old Trafford (Ronaldo béo lập hattrick), Los Blancos vẫn giành quyền đi tiếp.
Trận thua trước Real Madrid đó coi như khép lại chu kỳ thành công của MU thế hệ Beckham, Roy Keane buộc Alex Ferguson phải thay máu lực lượng. Sau đó, “Quỷ đỏ” không còn là thế lực ở nước Anh khi liên tiếp nhìn Arsenal rồi Chelsea lên ngôi vô địch.
Đến thế hệ Rooney, MU lại ôm hận trước đội bóng Tây Ban Nha khác là Barcelona. Trong hai trận chung kết Champions League 2009 và 2011, MU thể hiện hình ảnh kém cỏi hơn hoàn toàn, bị cuốn vào lối chơi của đối thủ, đồng thời không tạo ra được bất kỳ sự phản kháng nào.
HLV Alex Ferguson luôn thừa nhận MU không ngán bất kỳ đối thủ nào, nhưng Real Madrid lẫn Barcelona đều là khắc tinh khiến “Quỷ đỏ” e sợ. Hai thế lực lớn ở xứ sở bò tót có phong cách tấn công quyến rũ, kiểm soát thế trận khá tốt và cách chơi đó thực sự khắc chế MU.
Ở các vòng knock-out, MU cũng hai lần loại được cái đại diện Tây Ban Nha nhưng họ được giúp sức khá nhiều may mắn. Trong thắng lợi chung cuộc 5-2 trước Deportivo ở tứ kết mùa bóng 2001-02, đó là thời điểm MU có được sự hưng phấn cao độ, còn Deportivo bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.
Còn trong chiến thắng 1-0 trước Barca ở bán kết mùa giải 2007-08, đó là quãng thời gian tồi tệ nhất của CLB xứ Catalan trong những ngày cuối triều đại Rijkaard. Ronaldinho sa sút thê thảm, trong khi Lionel Messi mới hồi phục chấn thương. Kể cả khi Barca đi xuống, họ vẫn ép sân toàn diện MU trong cả 2 trận đấu, họ chỉ thua bởi sự xuất thần của Paul Scholes và có phần kém may mắn.
Nhưng đó chỉ là những thời điểm ngắn ngủi “Quỷ đỏ” vượt qua được người TBN, còn lại hầu hết MU đều không thể hiện hết được sức mạnh khi gặp đối thủ khắc lối chơi. Dù Champions League khắc nghiệt hơn nhiều so với Europa League, nhưng cái dớp quá khứ là điều Ferguson cực kỳ âu lo.
Không chỉ Real Madrid và Barcelona, MU luôn gặp khó khăn khi đối diện cả Valencia, Deportivo hay cả Villarreal (thời đỉnh cao). Dù Bilbao ở đẳng cấp thấp hơn hẳn, nhưng bề dày truyền thống cùng lối chơi đầy khó chịu của CLB xứ Basque cũng là thử thách lớn với CLB thành Manchester.
Bilbao ngoài Llorente không có một ngôi sao đáng chú ý nào, nhưng họ là một tập thể khá đoàn kết, luôn chiến đấu theo tinh thần đúng chất TBN nhất. Đó là yếu tố mà Alex Ferguson không được phép xem thường, nhất là khi lực lượng ông sở hữu trong tay thua xa quá khứ.
Xét về nhiều mặt, MU được đánh giá cao hơn Bilbao nhưng một sự chủ quan sẽ khiến họ phải trả giá khá đắt. Quan trọng nhất, cái dớp quá khứ khi đối đầu TBN là trở ngại lớn với MU và đây là thời điểm Alex Ferguson cần phát huy được kinh nghiệm nhằm giúp đội nhà qua được cửa ải gian nan này để hướng đến chức vô địch Europa League đầu tiên.
(Theo Dân Trí)