Từ thứ Bảy tới thứ Hai vừa qua, đã có hàng ngàn tờ rơi được phát ở SVĐ KC trong trận đấu giữa đội chủ nhà Hull City và Aston Villa. Một lần nữa, fan của đội bóng phản kháng trước đề xuất thay đổi tên của CLB từ Hull City AFC thành Hull Tigers.
Khá dễ hiểu cho hành động của họ bởi từ bao lâu nay tên của CLB như một phần bản sắc, thứ không thể thay đổi bởi bất kỳ ông chủ nào, kể cả Assem Allam – người đã vực dậy hình ảnh của Hull City cho tới thời điểm này. CĐV đang thể hiện được tiếng nói của mình đối với các quyết định của CLB
Tăng quyền lực
Sự náo động xuất hiện khi Allam công bố kế hoạch đổi tên CLB vì mục đích tiếp thị. Một nhóm vận động chống lại cái tên Hull Tigers đã sớm hình thành. “Chúng tôi cần phải hành động để CLB biết được mong muốn của mình và để họ hiểu rằng cần phải làm gì để duy trì tình yêu của chúng tôi với đội bóng” – đại diện của nhóm CĐV Hull City, ông Andy Dalton cho biết.
Trước trận đấu với West Ham, họ phát 10.000 tờ rơi cùng 3.000 biểu ngữ phản đối việc đổi tên CLB. Cuối tuần trước, điều này tiếp tục tái diễn khi trận đấu với Aston Villa diễn ra được 19 phút 4 giây (CLB thành lập năm 1904). Các tờ rơi được phát đi và CĐV thì hát vang: “Hãy giữ nguyên từ ‘City’ cho đến khi chúng tôi chết”.
Sự phản kháng đã có tác dụng. Hull City đã lên kế hoạch cho cuộc họp ban lãnh đạo trong tuần tới để bàn bạc vấn đề này. Nếu fan Hull City được thỏa ước nguyện, đó sẽ là thành công mới nhất của nhóm CĐV biết đoàn kết lại để đạt được mục tiêu chính đáng của mình.
Các CĐV hiện đại thường bị co là thụ động nhưng ngày càng xuất hiện những chuyện trái ngược, đặc biệt là mùa Hè năm nay. Tại Everton, fan đã chiến thắng trong chiến dịch chống lại việc CLB thay đổi huy hiệu. Hồi tháng 5, BLĐ Everton chọn huy hiệu mới, loại bỏ cả 2 vòng hoa và phương châm nổi tiếng “Nil Satis Optimum và thay đổi cả hình tháp nơi trung tâm. Ngay lập tức, 22.000 CĐV Everton đã ký đơn kiến nghị phản đối kế hoạch.
Everton đã có phản ứng rất tích cực, để fan toàn quyền đưa ra quyết định về huy hiệu mới của CLB. Đã có 13.229 người phản hồi và 78% trong số đó lựa chọn cùng một phương án cho huy hiệu. Mọi chuyện được giải quyết êm đẹp.
“Người hâm mộ đang gia tăng tiếng nói của mình, đó là xu hướng đang nổi lên. Họ có khả năng xoay chuyển vấn đề vì lợi ích chung ở bất kể đội bóng nào mà họ hỗ trợ” – ông Kevin Miles, Giám đốc điều hành của Hiệp hội CĐV bóng đá chia sẻ.Đòi hỏi quyền lợi
Không chỉ bảo vệ cho truyền thống của CLB, fan còn đòi hỏi cho quyền lợi của chính mình liên quan đến giá vé các trận đấu. Các chiến dịch hạ giá vé tại Premier League xuống còn 20 bảng đang trên đà tạo nên sự đột phá lớn khi Newcastle chuẩn bị công bố quyết định giảm giá cho CĐV đội khách bằng với giá đã áp dụng cho CĐV nhà.
Man United theo sau động thái trên cũng thông báo rằng họ sẽ theo dõi động tĩnh từ Liverpool và Arsenal để có sự thống nhất về việc đồng loạt hạ giá vé cho CĐV đội khách. Theo dự đoán, Arsenal sẽ giảm 2,5 bảng trong khi Liverpool dự tính sẽ giảm trong khoảng từ 2-4 bảng.
Sự chuyển mình của các CLB về vấn đề giá vé theo sau thông báo của BTC Premier League, rằng họ đã thành lập một quỹ để hỗ trợ giá vé cho CĐV. Theo đó, mỗi mùa các CLB sẽ phải trích ra 200.000 bảng để bổ sung vào quỹ này. Tiền nộp quỹ sẽ được trích từ hợp đồng bán bản quyền truyền hình của mỗi CLB.
Dù các CLB giảm giá vé theo yêu cầu bắt buộc nhưng quỹ này cho thấy thành công của Hiệp hội CĐV bóng đá trong việc tạo ảnh hưởng của mình lên các quyết định tại Premier League. Kiến nghị của họ cũng nhận được ủng hộ của Giám đốc điều hành Premier League, Richard Scudamore.
Tại Newcastle, mọi chuyện còn diễn tiến trên cả tốt đẹp. CLB này còn dự tính sẽ miễn phí giá vé cho các CĐV tàn tật của đội khách. Crystal Palace và Swansea City cũng đang dự tính học hỏi đội chủ sân St James' Park.Tại Old Trafford, Giám đốc điều hành Ed Woodward cùng với Giám đốc thương mại Richard Arnold đã ngồi lại với nhau và đi tới quyết định 200.000 bảng chưa sử dụng trong mùa này sẽ được sử dụng cho mùa sau để có thể giảm giá vé xuống thấp hơn nữa cho CĐV.
(Theo Thể THao Văn Hoá)