Thứ Sáu, 08/11/2024Mới nhất
Zalo

Hé lộ mặt trái nghề "cò" cầu thủ: Kiếm bộn tiền, làm như điên!

Thứ Tư 22/08/2012 06:19(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những tay đại diện cầu thủ thường bị nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm. Chủ tịch các CLB dù cần nhưng vẫn khinh họ ra mặt. Họ luôn ăn mặc rất đẹp, đi xe đắt tiền, quan hệ tuyệt vời với các cầu thủ và có thu nhập cao. Nhưng bạn có biết nghề này rất căng thẳng và ảnh hưởng ghê gớm đến cuộc sống riêng tư của họ. Hãy cùng tìm hiểu thông qua một người đại diện hàng đầu: Rob Segal.

Ôm điện thoại nhiều hơn ôm vợ

Để được Rob Segal chấp nhận gặp gỡ vào giai đoạn cao điểm của chuyển nhượng như thời điểm hiện tại, bạn phải chấp nhận câu chuyện bị ngắt quãng liên tục bởi những tiếng chuông và tin nhắn điện thoại. Chỉ một cuộc phỏng vấn thôi mà đã có quá nhiều bất tiện, khỏi phải hỏi vợ của Rob khó chịu dường nào khi ông chồng mang việc về nhà.

Ăn cơm cũng không rời chiếc điện thoại, Rob chỉ tắt chuông và chuyển cuộc gọi sang chế độ hộp thư thoại vào lúc ngủ. Nhưng khi đồng hồ báo thức reo vang mỗi sáng, thứ đầu tiên mà người đàn ông 50 tuổi này vớ lấy chính là 2 chiếc điện thoại. “Tôi buộc lòng phải kiểm tra nó trước tiên rồi mới quay sang nói lời chào ngày mới với vợ mình. Riết rồi cô ấy cũng quen”.

Mặc dù đây đã là năm thứ 14 trong ngành đại diện và môi giới cầu thủ (ông làm cho Sports Entertainment Media trước khi mở một công ty đại diện riêng hoạt động chủ yếu ở Anh), Rob mạnh dạn khẳng định không có ngày nào giống như ngày nào, chỉ trừ sáng nào ông cũng phải tập thể dục để giữ gìn sức khỏe mà làm việc.

Có lẽ điện thoại của tôi sẽ ngưng hoạt động trong đám tang của... chính mình. Còn lại nó vẫn luôn được bật dù tôi rất muốn tắt. Tôi làm việc mọi lúc mọi nơi - Rob Segal
"Có lẽ điện thoại của tôi sẽ ngưng hoạt động trong đám tang của... chính mình. Còn lại nó vẫn luôn được bật dù tôi rất muốn tắt. Tôi làm việc mọi lúc mọi nơi" - Rob Segal

Tất nhiên là khi chạy trên chiếc máy chạy bộ, tai của Rob vẫn phải thường trực chiếc tai nghe để trả lời những cuộc điện thoại. “Muốn làm nghề này, bạn buộc phải học cách làm nhiều việc cùng lúc”, Rob nói.

Khi ngày Chủ nhật cuối cùng của mùa bóng kéo đến, các cầu thủ đang mơ về những ngày nắng ấm, các CĐV chuẩn bị bước vào giai đoạn khát bóng đá thì đấy lại là lúc những người đại diện bước vào giai đoạn bận rộn nhất.

Rob nói: “Hơi buồn cười một tý. Sáng thứ Hai bạn sẽ nói chuyện với tất cả các HLV. Họ biết chính xác mình muốn gì và bạn cho họ biết mình có thể mang lại cho họ những gì. Rồi những HLV ấy đi nghỉ Hè trong khi thực tế là chưa có việc cụ thể gì được thông qua cả.”

NHỮNG CÂU HỎI NGẮN

- Vì sao lại cần 2 điện thoại?
Một cái chỉ để trả lời cuộc gọi, một cái blackberry để hồi âm email.
- Nhưng cái blackberry cũng có thể trả lời điện thoại?
Vâng, nhưng đôi khi vừa phải trả lời điện thoại vừa phải viết mail cùng lúc.

Những mệt mỏi khó tránh

Từ khi những ngày đầu tiên của TTCN mở ra vào cuối tháng Năm, Rob không đụng đến 1 giọt rượu bia. Ông để dành nó khi đã trúng vài hợp đồng lớn. Cũng có một số hợp đồng được gút sớm, nhưng đa số đều phải trong tình trạng chờ mà Rob gọi là “sự bình yên trước cơn bão”.

Các HLV phải xem coi những cầu thủ nào muốn ra đi, những ai cần giữ lại, kế hoạch mùa tới của ban lãnh đạo ra sao và quan trọng nhất là ngân quỹ chuyển nhượng thể nào rồi mới quyết định.

Đó là chưa kể những tai nạn khi bạn nhắm trước những cầu thủ rất phù hợp với một nhà cầm quân để rồi bất ngờ chứng kiến vị ấy bị sa thải ngay trước khi mùa bóng khởi đầu. Việc đầu tiên Rob làm khi rơi vào hoàn cảnh ấy là gì? Móc điện thoại ra và gọi ngay cho người được bổ nhiệm: “Xin chào. Đầu tiên là chúc mừng. Sau là: tôi có thể giúp được gì cho ông?”

Khi tấm ảnh một ngôi sao đang thảnh thơi ở bể bơi hay bãi biển cạnh vợ hoặc các em xinh đẹp, bạn đừng nghĩ họ đang hoàn toàn thư giãn. Trái lại, họ đang thật sự bồn chồn không biết mùa tới mình sẽ thi đấu ở đâu. Rob tiết lộ: đa số các cầu thủ đều muốn đến một địa điểm thi đấu mới khi mùa bóng kết thúc.

Thế là sẽ xuất hiện thêm một kênh liên lạc quấy nhiễu từ họ: “Liệu tôi có thể đến đâu? Nơi ấy có phù hợp với tôi không? Vụ đó sẽ êm chứ? Có khi nào đầu quân sai CLB không?”.

Gọi như thế tất nhiên rất mệt cho người đại diện, nhưng vậy còn hơn là... tắt máy. Có một số cầu thủ tắt máy để cố thảnh thơi và buộc người đại diện của mình phải đến tận resort để mà tìm kiếm bởi chỉ cần chậm đi một ngày, thương lượng có nguy cơ đổ vỡ một ngày bởi một tay đại diện khác có thể xen vào “tranh thủ”.

Làm nghề này đôi khi phải nói dối. Một lần Rob bị trách khi xin phép về sớm để “dẫn bọn trẻ đi chơi”. Thủ môn Paul Robinson “bắt giò” ngay khi bảo: “Ông tưởng tôi ngu lắm sao mà mang bọn trẻ ra hù tôi. Chúng nó đều bằng tuổi tôi mà bọn trẻ cái gì?”. Rob thừa nhận: “Kỳ thực đó là một... mối khác. Một thân chủ quan trọng hơn và một bản hợp đồng lớn hơn”.

Kiếm được nhiều tiền và nhiều... ưu phiền

Bạn có thể gọi người đại diện là những kẻ sống trên xương máu của cầu thủ. Họ nhận tiền của cầu thủ để làm việc, sau đó lại nhận thêm tiền từ CLB nếu chuyển nhượng xuôi chèo mát mái. Thế nhưng mấy ai biết không chỉ nhận tiền, họ còn nhận lấy luôn những nỗi ưu phiền từ cầu thủ.

Họ luôn phải chọn những hợp đồng tốt nhất để giữ uy tín, giữ mối với các CLB để còn làm ăn những đợt sau. Một ngày họ nhận hơn 100 cuộc điện thoại và trả lời từng ấy email. Hai chiếc điện thoại gần như không có thời gian nghỉ ngơi cũng như chủ nhân của nó.

Rob tâm sự: “Tôi muốn tắt máy lắm, nhưng không thể, tôi làm việc mọi lúc mọi nơi. Con gái tôi sắp vào đại học và không có một kỳ nghỉ Hè nào mà tôi đi chơi được với nó. Có nghỉ Hè thì tôi cũng phải mang việc theo để làm. Đáng buồn là vậy.

Khi đi ăn với bạn bè, tôi thường xuyên phải xin phép ra ngoài và có khi phải nói chuyện điện thoại cả tiếng đồng hồ mới quay lại. Trước khi mở công ty riêng, tôi làm trưởng nhóm ở châu Âu cho một công ty chuyển nhượng quốc tế và từng có thời gian không đặt chân về nhà trong 3 năm trời”.

Khi đi dự đám cưới hoặc tang lễ, vợ Rob yêu cầu phải cất điện thoại ở nhà. Ông đành phải lén giấu nó vào trong... tất và mang giày vào. Khi chiếc điện thoại rung, Rob sẽ giả vờ đi ra một chỗ vắng để nghe điện thoại. “Chắc phải đến tận đám tang của chính mình tôi mới tắt điện thoại mà thôi”, Rob nói.

Làm việc kiểu ấy... không giàu mới lạ. Rob có một căn nhà to ở Hertfordshire, một căn nữa ở Tây Ban Nha cùng 2 nhà hàng tại Marbella rất được cầu thủ ưa chuộng và một chiếc Porsche Rubto đời mới. Nhưng ông tự tin mình là một người đại diện tốt, có đạo đức và chỉ có như thế mới thành công được trong ngành này mà thôi.

Rob nói: “Bạn nhận lấy những ưu phiền và căng thẳng của cầu thủ về phía mình. Có loại đại diện chỉ làm theo vụ rồi nghỉ, tôi từng làm thế nhưng không thể lâu bền. Có người bạn đại diện suốt cả sự nghiệp của họ. Khi cầu thủ có tuổi, bạn phải thuyết phục các CLB là họ vẫn hữu dụng, vẫn chạy được và vẫn ghi được bàn thắng. Làm một đại diện bạn phải luôn đảm bảo họ sẽ có điểm đến một khi quyết định rời CLB hiện tại”.

(Theo Bóng đá và Cuộc Sống)

Có thể bạn quan tâm

VIDEO: Những sân bóng đá "dị" nhất thế giới có thể bạn chưa biết

VIDEO: Những sân bóng đá dị nhất thế giới có thể bạn chưa biết

VIDEO: Những sân bóng đá "dị" nhất thế giới có thể bạn chưa biết

Những sân vận động trong video này dù không không trang bị công nghệ tân tiến với hàng trăm nghìn chỗ ngồi để phục vụ các cầu thủ và cổ động viên, nhưng lại là những "kiệt tác" độc đáo, bởi nó nằm ở những vị trí địa lý đặc biệt hoặc nổi bật nhờ những nét kiến trúc, màu sắc đầy lạ lẫm.

Xem thêm
top-arrow
X