Lãnh đạo Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Báo mạng điện tử thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ có những khuyến cáo với các đơn vị truyền hình là không nên mua bản quyền bằng mọi giá để tránh thiệt hại.
Trước những thông tin về bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh gói mùa bóng 2013-2016, cả ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Báo mạng điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) và ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc VSTV (K+), đều nhận định mức giá 30 triệu USD là không có cơ sở.
Luật không được, phải dùng “lệ”
Ông Hải cho rằng sự “nhiễu loạn” trên thị trường bản quyền truyền hình đang gây ra những thiệt hại cho các đài truyền hình và chính người xem. Tuy nhiên, bản thân cục quản lý lĩnh vực này của Bộ Thông tin - Truyền thông lại chưa đủ quyền lực để “ép” các đài phải nghe theo chỉ thị của mình nhằm thiết lập lại trật tự.
Theo ông Lưu Vũ Hải, hiện nay, Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Báo mạng điện tử chỉ có thể can thiệp vào việc mua bán, đấu thầu bản quyền truyền hình nếu thấy có những dấu hiệu độc quyền.Một buổi họp báo giới thiệu các giải đấu được truyền hình trực tiếp trên một kênh trả tiền tại Việt Nam
Hai năm trước, K+ đã bị xem xét quanh vấn đề có phạm luật khi sở hữu độc quyền Giải Ngoại hạng Anh ngày chủ nhật trên lãnh thổ Việt Nam (3 mùa giải từ 2010 - 2013) hay không. Sau khi rà soát tất cả các văn bản và thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực bản quyền truyền hình và truyền hình trả tiền, cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định K+ không phạm luật vì họ được phép làm những gì mà pháp luật không cấm.
Rõ ràng, có những kẽ hở của luật trong lĩnh vực mua bán, sở hữu và phân phối bản quyền truyền hình nên các đài mới tự tung tự tác. Theo ông Hải, để siết chặt quy định khi chưa có luật thì phải căn cứ vào “lệ”. Ông Hải cho rằng tự các đài truyền hình hay các đơn vị truyền hình trả tiền cần tạo ra tiền lệ tốt là ngồi lại với nhau, chia sẻ thông tin và thống nhất mức giá đấu thầu.
Hiện tại, Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Báo mạng điện tử chưa nắm được kế hoạch của các đơn vị đấu thầu bản quyền Giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa bóng tới nhưng theo ông Hải, dư luận cần bình tĩnh trước con số 30 triệu USD đang được đồn đoán. Cục cũng sẽ có những khuyến cáo với các đơn vị truyền hình không nên mua bản quyền bằng mọi giá để tránh thiệt hại.
Hy vọng mức giá thấp hơn trước
Ông Cao Văn Liết nhận xét: “Trong bối cảnh khó khăn kinh tế nói chung và các đài truyền hình cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc mua bản quyền của các đối tác nước ngoài, giá bản quyền chưa chắc đã cao hơn 3 năm trước”.
Ông Liết cho rằng con số 30 triệu USD cho bản quyền Giải Ngoại hạng Anh 3 mùa bóng tới là con số không có cơ sở. “Tôi đang kỳ vọng mức giá có thể sẽ thấp hơn trước đây. VSTV chắc chắn cũng chỉ bỏ thầu với mức giá hợp lý chứ không mua bằng mọi giá” - ông Liết nói. Theo người đứng đầu K+, từ trước tới nay, việc bỏ thầu luôn diễn ra kín chứ không công khai nên đối tác nước ngoài không thể ép giá.
Theo ông Liết, những năm qua, bản quyền truyền hình tăng lên là do xu hướng chung và các đơn vị của Việt Nam chưa có sự hợp tác. Ông Liết khẳng định: “Nếu mức giá quá cao, chúng tôi buộc phải chấp nhận việc không thể có bản quyền những mùa giải tới”.
CĐV Việt oằn lưng gánh phí Người xem truyền hình thể thao ở Việt Nam đang phải gánh mức phí bản quyền cao nhất khu vực Đông Nam Á nếu tính trên mức thu nhập bình quân. Singapore, Malaysia, Thái Lan lần lượt phải bỏ ra 64, 15 và 40 USD/tháng để xem bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh. Trong khi đó, người hâm mộ Việt Nam phải chi ra khoảng 200.000 đồng (10 USD)/tháng là đã có thể được thụ hưởng các giải đấu như những nước trong khối ASEAN. Có điều, nếu so với mức thu nhập bình quân đầu người rất cao của các nước trên với lần lượt là 56.797, 16.186 và 5.300 USD/năm, người hâm mộ bóng đá Anh ở Việt Nam (thu nhập trung bình khoảng 1.300 USD/năm) phải móc hầu bao nhiều nhất để xem Giải Ngoại hạng Anh, với 9,2% thu nhập mỗi năm, trong khi Singapore chỉ bỏ 1,4%/năm, Thái Lan và Malaysia lần lượt là 9% và 1,11% thu nhập mỗi năm để xem bóng đá quốc tế. |
(Theo Người Lao Động)