Đã 13 năm kể từ ngày đội U16 VN tạo nên dấu ấn khó quên tại một giải trẻ quốc tế trên sân Chi Lăng – Đà Nẵng. Nhưng rõ ràng, dấu ấn mà các cầu thủ U19VN để lại trên đất Indonesia còn sâu đậm hơn nhiều lần, nếu không muốn nói là chưa từng có của bóng đá VN. Đó là một dàn cầu thủ “đá hay mọi nhẽ”, kỹ thuật cơ bản hoàn hảo, kỹ năng chiến thuật hợp lý, thể lực đảm bảo, ý thức chuyên môn cao và đạo đức không chê vào đâu được.
Đó là đội bóng mà nếu thiếu đi người đội trưởng Xuân Trường thì người thay thế số 2, số 3 (Trùm Tinh, Thanh Hậu chơi cùng vị trí hay người đeo băng đội trưởng Tuấn Anh) hay Văn Toàn hoặc Công Phượng thay bằng Lâm Ti Phông cũng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.
Không có sự khập khiễng quá lớn ở bất cứ vị trí nào, cánh phải hay cánh trái, trung tâm hay trung lộ, thòng hay cắm, đá biên hay giữa, phối hợp tam giác hay phất bóng dài…Nói gọn lại, đó là đội bóng lớn của tương lai, có tương lai.U19 Việt Nam với nòng cốt là các học viên của Học viện HAGL Arsenal-JMG có màn trình làng ấn tượng
U19 VN đã đi một mạch đầy ấn tượng ở vòng bảng, một chút khó khăn ở bán kết và chỉ chịu thua vì …trọng tài và kém may mắn ở loạt đá luân lưu may rủi. Trên thực tế, họ không thắng trước một đối thủ từng thắng ở vòng bảng, không vượt qua được sức ép từ khán đài và sự thiên vị lộ liễu của trọng tài?
Vậy đội bóng này còn thiếu điều gì để trở nên hoàn hảo, để có thể chiến thắng nếu lại đứng trước một đối thủ kiểu U19 Indonesia ngay trên xứ sở Vạn đảo? Trước hết là câu chuyện đội trưởng Xuân Trường và việc thiếu mẫu cầu thủ này đã khiến cho U19 VN trở nên khó khăn trước một đối thủ yếu, như đội Lào quen biết.
Trong lịch sử CLB Arsenal thời thành công nhất có vai trò đặc biệt của đội trưởng P.Vierra. Đó là trung tâm của mọi trung tâm, là nguồn uy lực tỏa sáng khắp sân để làm chỗ dựa cho đồng đội và làm lá chắn trước mọi hướng tấn công của đối thủ.
Tất nhiên, Arsenal không có một lúc…2 P.Vierra, cũng như U19 VN không thể có cùng lúc 2 Xuân Trường, đó là điều không tưởng. Nhưng chắc chắn đội bóng nào cũng có một lực lượng dự bị một chín, một mười, có thể khỏa lấp mọi sự thiếu hụt. U19 VN khi đưa cầu thủ 15 tuổi Thanh Hậu vào sân trong trận bán kết gặp Lào cũng như Trùm Tinh và Thanh Hậu đảm nhiệm vị trí này trong trận chung kết rõ ràng là thiếu đi sức mạnh cần thiết ở một vị trí “càn quét” khiến đội nhà rơi vào thế chống đỡ vất vả.
Câu chuyện thứ 2 là vị trí của Công Phượng và sự lựa chọn chiến thuật đối với mẫu cầu thủ này. Ai cũng biết việc Văn Toàn ghi được nhiều bàn thắng là có công “dọn cỗ” của tiền vệ gốc Nghệ An. Đến trận gặp đối thủ quen biết là đội Lào, Văn Toàn bị đeo sát và phải thay ra, Công Phượng phải gánh trách nhiệm ghi bàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đến trận chung kết, Toàn chơi không khá hơn, Phượng có một đường chuyền rất tốt và một cú sút góc hẹp cận thành rất quyết đoán nhưng rồi Phượng phải thay ra vì nhiều lẽ. Nhưng chắc chắn Công Phượng quá tải, vì một lúc 2 việc chuyền bóng tốt và dứt điểm tốt là điều không thể.
Câu chuyện thứ 3 liên quan đến Văn Toàn, tiền đạo chơi cao nhất trong sơ đồ chiến thuật của HLV. Có vẻ như Toàn “dẫm” phải vết xe của các tiền đạo đàn anh của bóng đá Việt là chỉ chơi hay trước các đội yếu và rất mau chóng bị “bắt bài”. Hai trận đấu sinh tử nhất, đòi hỏi nhiều nhất thì Toàn đều chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Trong chuyện này, so sánh tất khập khiễng, các tiền đạo như Công Vinh, Văn Quyến thời đỉnh cao “lỳ” hơn nhiều, bản lĩnh hơn nhiều khi lần lượt xé lưới Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…Hơn nữa, mẫu tiền đạo mới đầu thì lộng lẫy, càng đi sâu càng nhạt nhòa, kiểu cầu thủ của những trận đấu….nhỏ, chắc chắn không phải là người cùng đồng đội sẽ bước lên bục vinh quang ở cuối giải.
Câu chuyện thứ 4 là việc đội bóng dễ dàng bị bắt bài, bị tra tấn về thể lực và những hành động phi thể thao, hành vi đồng lõa, thiên vị của trọng tài.
Các cầu thủ từ lò của HA.GL hẳn còn nhớ bài học thắng vòng loại nhưng thua bán kết trước U17 SLNA năm nào. Và giờ là bài học trong cả 2 trận bán kết và chung kết vừa rồi. Tuy Công Phượng vẫn lập công đưa đội vào chung kết nhưng sự bế tắc, vội vàng, thiếu phương án 2,3, khả năng dứt điểm kém…là điều thấy rõ. Cả đội dưới cơ như Lào, ngang cơ như Indonesia, U19 VN đều chỉ chơi hay ở phần sân nhà, khi cần một pha kết thúc lạnh lùng thì đều hụt hẫng, chưa tới, rất đáng tiếc.
Cuối cùng là khả năng “chịu đòn” “phản đòn” hợp lý của từng vị trí cũng như toàn đội.
Không phản ứng, không mắc bẫy trước bạo lực và đồng lõa với bạo lực là đáng ca ngợi, xứng đáng với Giải Faire Play. Nhưng luôn bị đối thủ đá văng khỏi mọi đường lên bóng lại là câu chuyện khác. Đội bóng cần một nền tảng thể lực, sức mạnh cần thiết để tránh và đỡ mọi cú tắc, đốn của đối phương. Trong chuyện này, có vẻ U19 VN thừa các phẩm chất kỹ thuật nhưng lại thiếu khả năng cứng rắn trước kiểu đối thủ thiên về sức mạnh và tiểu xảo; rất thăng hoa, thuộc bài nếu đối thủ mới lạ và đôi công nhưng lại bế tắc nếu bị áp sát và chơi thô bạo.
Tất nhiên, những điều vừa nói ở trên là …những “mong đợi ngậm ngùi” khi 120 phút trôi qua mà U19 VN không thể ghi nổi một bàn thắng dù có không ít cơ hội.
Hy vọng thầy trò U19 VN đã rút ra được những bài học cần thiết, tiếp tục bổ sung những kỹ năng điêu luyện, tinh nhuệ từ những cố gắng miệt mài hôm nay, hôm sau, dù mọi điều luôn không hề dễ dàng và không hề có chuyện mình hăng say tập luyện mà đối thủ còn …ngủ mơ!
(Theo Vietnamnet)