Thứ Sáu, 27/12/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn từ bóng đá Việt Nam: Khi bóng đá đi chệch định hướng

Chủ Nhật 30/09/2012 20:55(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá Việt Nam đang đứng trước cuộc khủng hoảng toàn diện, lớn nhất từ trước đến nay. Một sự khủng hoảng không khó tiên liệu, tiếc rằng không thể ngăn chặn.

“Lọ mọ” làm bóng đá chuyên nghiệp

Cũng cần phải xác định, bóng đá chuyên nghiệp là đích đến của tất cả các nền bóng đá. Thế nhưng, chọn mô hình nào để phát triển bóng đá chuyên nghiệp, hợp với điều kiện chính trị và xã hội của mỗi nước, là điều quyết định đến thành bại.

Chúng ta vẫn có khái niệm phát triển niền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể hiểu đơn giản, sự quản lý, định hướng về mặt nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Các khán đài VIP ở V-League lúc nào cũng đầy đủ ban bệ
Các khán đài VIP ở V-League lúc nào cũng đầy đủ ban bệ

Bóng đá bao cấp ngày xưa tôn chỉ, nhiệm vụ rất rõ ràng: phục vụ chính trị. Bóng đá mang lại niềm vui cho nhân dân, chiến sỹ, đồng bào, góp phần giúp cho năng suất lao động tăng thêm, tạo sự phấn khởi chung cho sự nghiệp chung của đất nước.

Bóng đá chuyên nghiệp thì yêu cầu ngặt nghèo hơn: phải đẻ ra tiền. Các câu lạc bộ là một doanh nghiệp, thậm chí một tập đoàn kinh tế, tự nuôi sống bản thân bằng các nguồn, thông qua hoạt động bóng đá.

Sau 12 năm, từ rất nhiều hình thái hoạt động và mô hình phát triển nhưng cuối cùng, hướng đi phổ biến nhất là chuyển giao hẳn cho doanh nghiệp, trước khi ra đời các công ty cổ phần bóng đá. Từ việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức, điều hành giải chuyên nghiệp và hạng Nhất, đã chuyển sang cho một tổ chức khác là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Từ một giải chuyên nghiệp không theo mô hình nào, mang đậm chất “luật làng”, đã được VPF chính thức vận hành theo khuôn mẫu giải chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League).

Với chừng đó thời gian, bao cuộc vật vã trở dạ, tựu trung nền bóng đá vẫn giẫm chân tại chỗ. Sự phát triển của cái gọi là giải đấu chuyên nghiệp mỗi năm tốn khoảng hai, ba nghìn tỷ đồng, thì tiền có nhiều đến mấy cũng hết, nói gì trong điều kiện chưa câu lạc bộ nào có lãi. Đổi lại là những giá trị ảo, thậm chí so sánh là chẳng hơn thời bao cấp. Thước đo cho sự hấp dẫn của bóng đá là khán giả, chuyên nghiệp giờ nhìn thời “tem phiếu” phải thèm khát.

Sự phát triển không theo quy chuẩn nào đã đẩy bóng đá chuyên nghiệp đến nguy cơ tan rã ngày càng rõ. Cũng dễ hiểu, bởi rất nhiều tập đoàn kinh tế còn giãy chết, phải tính đến chuyện giải thể, thì VFF và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tốc độ đốt tiền tỷ lệ nghịch vơi chất lượng như 12 năm qua không thể cứ tồn tại mãi.

Vì đâu nên nỗi?

Muốn đạt được mục đích của bóng đá chuyên nghiệp, phải có một sự chuẩn bị ghê gớm về nhận thức của những người tham gia làm bóng đá chuyên nghiệp. Đối với đội ngũ lãnh đạo, quan chức bóng đá, trên là VFF, dưới là câu lạc bộ, với những người trước đây nắm giữ vị trí chủ chốt ở các sở thể dục thể thao cũ, họ cần được nâng cấp trình độ chuyên môn và quản lý. Đấy là những điều kiện cần. Tiếc rằng, điều mà chúng ta chứng kiến, là quá hiếm nhưng vị lãnh đạo bóng đá vừa hồng vừa chuyên. Thế hệ quản lý, điều hành bóng đá cũ rất nhanh chóng đã trở nên cái bóng của chính mình. Để tìm ra một ông chủ tịch câu lạc bộ, một vị giám đốc điều hành, một tổng giám đốc công ty cổ phần bóng đá có chất, tinh thông bóng đá và giỏi kinh doanh, quá khó.

Khi sự tồn vong của đội bóng phụ thuộc vào doanh nghiệp, không khó khi vai trò của các ông bầu là số một. Bản thân VFF cũng phải nể trọng. Và lẽ thường, các ông bầu khi đã muốn tạo quyền lực đen, không quá khó để họ lũng đoạn một giải đấu. Chúng ta đã thấy rất rõ, hệ quả mà bóng đá chuyên nghiệp đang gánh phải, từ thị trường cầu thủ quá ảo, đá bóng phải treo thưởng nhiều, lạm dụng ngoại binh mà quên bẵng đào tạo trẻ chỉ để phục vụ thành tích trước mắt… không phải các ông bầu gây ra thì là ai.

Khi một sân chơi biến dạng, không ai khác vai trò của VFF về việc giám sát, quản lý, định hướng về mặt nhà nước các hoạt động bóng đá phải rõ nét. Hay nói cách khác, VFF phải thiết lập được kỷ cương, thông qua điều lệ và quy chế bóng đá chuyên nghiệp, các quy định về kỷ luật, cùng hệ thống hành pháp, chấp pháp, tư pháp. Vậy nhưng, xem ra họ đã không hoàn thành vai trò của mình. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao cũng khó nắm rõ bởi hoạt động bóng đá như ma trận, chưa kể các quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) về việc không can thiệp vào hoạt động của bóng đá mà VFF vẫn nhiều lần cảnh báo.

Trên là thế, ở dưới, các câu lạc bộ ở địa phương hầu như phó mặc cho doanh nghiệp. Khi sự buông lỏng quản lý, giám sát và định hướng về mặt nhà nước trong một thời gian quá dài với bóng đá, việc bóng đá chuyên nghiệp nước nhà có kết cục hiện thời là điều tất yếu. Tất nhiên, đấy không phải là câu chuyện của riêng lĩnh vực bóng đá.

Làm lại từ đâu?

Tái cấu trúc nền bóng đá và hoạt động bóng đá chuyên nghiệp nói riêng trong thời điểm hiện nay là vấn đề cực kỳ nan giải, bởi những di căn của một quá trình không kiểm soát đã phát tác quá sâu sắc, trong hành động và nhận thức của những người đang tham gia mặt trận thể thao vua.

Nhưng vẫn phải có những hành động mang tính thay đổi từ các câu lạc bộ, các ông bầu và VFF, nếu không muốn bước cả hai chân vào vũng lầy đang bày ra trước mắt. Việc tổng kết nghiêm túc 12 năm bóng đá chuyên nghiệp là cần kíp. Phải định vị được nền bóng đá chuyên nghiệp ta theo định hướng nào. Bóng đá mà tách rời nhiệm vụ chính trị, vai trò giám sát quản lý về mặt nhà nước mờ nhạt như hiện thời là không ổn. Chuyên nghiệp nhưng không đoái hoài gì đế khán giả, ngay cả bên các nước tư bản cũng không làm như thế… Tạm hoãn giải thêm vài ba tháng so với kế hoạch, thậm chí lâu hơn nữa, là điều cần thiết.

Muốn đưa nền bóng đá thoát ra khỏi khủng hoảng cần nỗ lực chung của nhiều thành phần, trong đó VFF cần phải đi tiên phong. Còn nhớ Đại hội VFF nhiệm kỳ sáu tôn chỉ là: “Hội tụ, trí tuệ, đoàn kết và phát triển”. Nghe đao to, búa lớn, nhưng từ khẩu hiệu đến hành động xem ra vẫn là một khoảng trống bao la.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X