Họ là bạn thân, một thời là đồng đội, đồng nghiệp của nhau. Họ từng được người yêu bóng đá Đồng Tháp coi như những người hùng. Vậy mà giờ đây phải gác lại tình riêng để chiến đấu cho sự sinh tồn của đội bóng do mình dẫn dắt. Đó là các ông Trần Công Minh, Lai Hồng Vân và Phạm Công Lộc.
NHỮNG CHỨNG NHÂN CỦA LỊCH SỬ
Bóng đá Đồng Tháp đã từng làm nên những điều thần kỳ ở các thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Một trong những trang sử hào hùng ấy là 2 chức VĐQG năm 1989 và 1996. Không ai khác, HLV Lai Hồng Vân, Trần Công Minh và Phạm Công Lộc chính là những chứng nhân cho một giai đoạn hưng thịnh của bóng đá Tháp Mười.
Trong số ấy, ông Ba Vân thực sự là một người đặc biệt. Đặc biệt vì ông Vân là “công thần” nhưng không phải người gốc Đồng Tháp. Ba Vân trước đây có hộ khẩu ở tỉnh Minh Hải cũ (nay được tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau).HLV Trần Công Minh, Lai Hồng Vân và Phạm Công Lộc
Ông Sáu Thành (Nguyên GĐ sở TDTT Đồng Tháp - Phạm Ngọc Thành) nói với tôi rằng: “Ba Vân đến với bóng đá Đồng Tháp như một cái duyên. Ba Vân lúc ấy là một công nhân, tôi gặp cậu ấy trong tình cảnh khá bơ vơ. Thấy vậy, tôi đánh xe sang Minh Hải xin Vân về. Cũng chẳng ngờ cậu ấy lại trở thành đội trưởng Đồng Tháp VĐQG năm 1989”.
Nhưng người nổi tiếng nhất Đồng Tháp phải là Trần Công Minh. Danh thủ này chính là người góp mặt trong cả 2 lần đội bóng xứ Tràm Chim giành chức VĐQG. Song sự nghiệp quần đùi áo số càng thăng hoa rực rỡ bao nhiêu, thì cái nghiệp cầm quân của Công Minh lại lận đận bấy nhiêu.
Công Minh từng ngồi ghế HLV của Đồng Tháp năm 2003, tuy nhiên không được bao lâu thì anh xin rời đội. Công Minh đã đến TT Thành Long làm nghề “gõ đầu trẻ”. Sau đó lại về với bầu Thắng. Nhưng dường như Công Minh vẫn vô duyên với nghiệp cầm sa bàn. Thì đấy, cả 3 lần đóng thế ở ĐT.LA anh đều thất bại. Kể cả chuyến về Đồng Tháp để vào vai “chuyên gia chữa cháy” cũng chưa dám nghĩ, Công Minh sẽ giúp đội bóng quê hương dập được ngọn lửa đã cháy đến chân thành.
Đời cầu thủ của tiền vệ Phạm Công Lộc không nổi tiếng bằng 2 đồng nghiệp. Ông Lộc chẳng quá nổi bật khi đứng trong hàng ngũ các cầu thủ Đồng Tháp VĐQG năm 1996. Bù lại, ông rất mát tay trong nghề cầm quân.
Đúng là thế thật, từ khi trở lại sân chơi chuyên nghiệp năm 2009, bóng đá Đồng Tháp tưởng chừng phải “sống với lũ” vì các tài năng cứ lũ lượt dứt áo ra đi. Đúng vào lúc ấy, ông Lộc nổi lên như một người hùng.
Ông không chỉ chèo chống Đồng Tháp đi xuyên qua mùa lũ, mà còn giật về cả HCĐ V-League hẳn hoi. Khổ một nỗi, cũng vì cơm áo gạo tiền, ông Lộc nối gót các học trò để về với bến bờ nhung lụa. Để rồi bây giờ khi Đồng Tháp sa cơ, lòng ông cứ đau đáu.
OAN GIA NGÕ HẸP
Có người nói: “Giờ này ông Lai Hồng Vân chắc khó nghĩ lắm”. Tất nhiên rồi, không khó nghĩ sao được khi mà trong cuộc chiến sống còn ở V-League năm nay, đội bóng một đời mà ông gắn bó chính là một trong những đối thủ lớn nhất cần phải đánh bại. Đó là chưa nói đến chuyện, ông Vân vẫn còn là người của Sở TDTT Đồng Tháp (HLV Lai Hồng Vân đến K.KG theo một bản hợp đồng cho mượn).
Thế nên mới có chuyện cuối mùa năm ngoái, Đồng Tháp cứ nằng nặc đòi Ba Vân về vì họ không muốn “người nhà mình” dẫn dắt K.KG. Ấy vậy mà “oan gia ngõ hẹp”, bây giờ ông Vân lại ở bên kia bờ chiến tuyến để chống lại đội bóng “nhà mình”, chống lại đồng đội và những người đã một thời mở ra cho ông một hoan lộ thênh thang.
Cũng không biết HLV Công Minh nghĩ gì khi phải đối đầu với người đồng đội một thời từng sát cánh!?. Dám chắc, anh cũng suy tư lắm lắm về thế thái nhân tình, về đại cuộc, về thời khắc sinh tử sắp được định đoạt. Công Minh phải nghĩ suy vì nơi ấy anh rất có thể sẽ trở thành kẻ chiến bại.
Trong cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” ấy cũng không thể để HLV Phạm Công Lộc đứng ngoài cuộc bởi sự sống còn của CS.ĐT và K.KG sẽ có một phần tiếng nói của N.SG, đội bóng có rất nhiều người Đồng Tháp chơi bóng.
Ông Lộc từng nói rằng: “Xa quê hương vì bất đắc dĩ. Nếu có cơ hội, một ngày nào đó sẽ trở về để bù đắp lại cho cái thời xa vắng của mình”. Người ta tin ông Lộc bởi ông là người sống chân quê. Cũng chính vì chữ tình ấy, có thể ông và những học trò sẽ dốc toàn lực vào trận cầu ở Rạch Giá, nơi sẽ quyết định vận mệnh cho cả đội bóng quê hương và cả đội bóng của người bạn, người đồng nghiệp một thời.
Vẫn biết bóng đá thời kim tiền là “ăn cây nào rào cây ấy”, là không có chỗ cho tình bằng hữu. Nhưng người ta sẽ còn phải nói mãi về cuộc gặp gỡ nơi “ngõ hẹp” này của những người Đồng Tháp. Ngày mai, có thể K.KG và CS.ĐT sẽ phải nói lời giã bạn ở V-League; có thể HLV Lai Hồng Vân không còn là người hùng thuở nào ở Đồng Tháp. Song có là gì đi nữa, họ vẫn mãi là những người bạn bên những chén rượu đế, với món thịt chuột quay lu nức danh ở Đồng Tháp Mười!... Thế thôi!
(Theo báo Bóng Đá)