Trước khi SEA Games diễn ra, đã có không ít người mong ông Hoàng Văn Phúc từ chức huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia sau khi bị “VFF làm tổn thương”, như lời ông Phúc nói, bằng việc đình chỉ nhiệm vụ ở BTV Cup. Nhưng giờ, người ta lại không nghĩ vậy nữa dù hôm nay VFF mới chính thức họp bàn về điều này.
Thật ra, việc từ chức sau thất bại vì tự trọng, không còn là mới lạ ở xứ người. Có lạ chăng là ở Việt Nam, sau bao thất bại, thậm chí người ta vẫn nại ra được một lý do nào đó, khi thì vì đại cục, khi thì vì anh vì em… nên chuyện từ chức là điều không thể.
Ban huấn luyện đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 27 ở Myanmar
Điều này cũng đã từng diễn ra trước SEA Games 27. Lúc đó, nhiều người đã không còn niềm tin về chuyện đội U23 Việt Nam có thể lọt vào bán kết chứ đừng nói là chung kết như mục tiêu đã được đặt ra. Thậm chí, đỉnh điểm của sự việc là vụ lừa dối khán giả, biến giải đấu BTV Cup thành một sàn diễn kịch, “toàn đội U23 Việt Nam đã thống nhất” dàn xếp tỷ số có lợi cho mình, loại thẳng cánh câu lạc bộ Đồng Nai khỏi giải.
Dù bị dư luận phản ứng, VFF vẫn tìm cách bảo vệ ông Hoàng Văn Phúc bằng việc, chỉ cắt chức trưởng đoàn của ông Trương Hải Tùng và đình chỉ ông Phúc ngồi ghế ban huấn luyện trong vài chục tiếng đồng hồ. Đương nhiên, như những gì mọi người quá quen, lý do ông Phúc không từ chức mà tiếp tục công việc là vì “anh em”, còn lý do mà VFF không cắt chức là vì “đại cục”.
Giờ thì mọi thứ đã quá bẽ bàng. Dù VFF đã thành lập một ban chỉ đạo khẩn cấp với đầy đủ quan chức, bộ sậu để tư vấn và giải quyết các vấn đề nóng sốt của đội bóng nhằm tạo điều kiện cho đội tuyển đi nhanh, đi chắc đến chức vô địch. Dù đội U23 Việt Nam “hay mọi nhẽ” như cách trả lời phỏng vấn của ông Phúc và các thành viên ban huấn luyện sau từng trận đấu, nhưng thua vẫn cứ thua, thậm chí bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.
Và như mọi lần, sau thất bại thảm hại, huấn luyện viên lại từ chức và gánh hết trách nhiệm. Việc từ chức giờ này không còn nhiều ý nghĩa gì nữa, nó chỉ thật sự quan trọng với các quan chức của VFF bởi, nếu ông Phúc từ chức, mọi sai lầm đều dồn hết lên vai ông. Dù trong thất bại của bóng đá Việt Nam có đến bốn đội tuyển và điều hành nền bóng đá không phải là trách nhiệm của ông Phúc. Nếu phải suy cho cùng, ông Phúc còn tận tuỵ với công việc hơn cả các quan chức VFF bởi, ngay ở SEA Games 27 lần này, mỗi khi các đội tuyển bóng đá thất bại, nào có ai thấy quan chức nào của VFF xuất hiện, ngay cả ông quyền chủ tịch VFF cũng chẳng thấy bóng dáng đâu dù vừa mới được thăng từ phó chủ tịch VFF lên.
Nếu VFF xác định, trách nhiệm của thất bại này hoàn toàn thuộc về huấn luyện viên trưởng Hoàng Văn Phúc, họ nên học theo các liên đoàn bóng đá các quốc gia khác. Ví dụ, năm 2002, đội mạnh Argentina về nước ngay sau vòng bảng World Cup. Huấn luyện viên Marcelo Bielsa đã đệ đơn từ chức. Liên đoàn Bóng đá Argentina không chấp nhận, yêu cầu huấn luyện viên này tiếp tục huấn luyện. Đơn giản là vì lương huấn luyện viên trưởng đội tuyển Argentina lúc ấy rẻ hơn nhiều so với làm việc ở một câu lạc bộ đỉnh cao. Bắt ông Bielsa làm việc tiếp là cách để huấn luyện viên này phải có trách nhiệm hơn với công việc.
Tương tự, một huấn luyện viên vĩ đại trong lịch sử World Cup là Vittorio Pozzo của Ý với hai lần vô địch World Cup 1934, 1938, giữ nhiệm vụ huấn luyện viên trưởng đến gần 20 năm (1929 – 1948). Ông làm nhiệm vụ lâu đến vậy để giúp Ý có được hai chức vô địch là bởi, ông không lãnh lương.
VFF có lẽ nên đề nghị ông Phúc học theo hai huấn luyện viên trên, hoặc lãnh lương “bèo”, hay ho hơn thì không nhận lương để hoàn thành nốt phần việc còn lại ở đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho AFF Cup. Công việc mà bấy nay chưa có “dấu ấn” nào của ông Phúc.
Còn bằng không, nếu lỗi không phải chỉ của ông Phúc, có lẽ VFF cũng nên học theo sự tự trọng mà ông Phúc đã thể hiện, dẫu có muộn màng. Chứ sao tự nhiên lại để ông Phúc nghỉ ngang thế. Đúng không nào?!
Theo Vietnamnet