Bằng thời điểm này năm ngoái, bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB đang đứng trước bước ngoặt lịch sử với sự xuất hiện của “người hùng” Nguyễn Đức Kiên cùng bài diễn văn “búa bổ” và kéo theo đó là sự ra đời của VPF. Đúng một năm sau, bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB cũng lại đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử nữa, chỉ khác lần này kịch bản chờ đợi ở phía trước không phải là một cuộc cách mạng như năm 2011 mà lại là một sự suy thoái trên diện rộng.
Sau hơn một thập kỷ tiêu tiền như rác trong cái bong bóng khổng lồ do túi tiền của các ông bầu hợp thành, sự thực tàn nhẫn đã ập tới với bóng đá Việt Nam đúng vào thời điểm mà không ai ngờ tới, và bây giờ để tồn tại qua ngày cũng là vấn đề khó khăn với không ít đội bóng chứ chưa nói đến chuyện trở lại những ngày tháng phong quang chưa xa.
Khi mới đến với bóng đá, ông bầu nào cũng nói rằng lý do chính khiến mình đầu tư vào bóng đá là tình yêu và sự đam mê với môn thể thao vua, chứ ít người chịu thừa nhận công khai rằng với một đồng đầu tư vào bóng đá thì họ có thể thu lại được 3, 4 đồng, hoặc thậm chí là 8,9 đồng nhờ cầu nối mang tên bóng đá.Sau bầu Long đến bầu Thọ và giờ ông bầu nào sẽ rút lui khỏi bóng đá?
Nhưng đấy là thời kỳ mà những kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tài chính ngân hàng còn mang lại lợi nhuận siêu hạng, còn bây giờ, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoàng toàn cầu thì tình yêu với trái bóng của các ông bầu cũng theo đấy mà ra đi, và thậm chí có những người còn định lẳng lặng rút lui không một lời từ biệt.
Trong hoàn cảnh như thế, lẽ ra những người làm bóng đá Việt Nam phải đồng lòng nhất trí nắm chặt tay nhau vượt qua khó khăn để cùng hướng về phía trước thì người ta lại thấy những hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Mùa giải 2012 đã kết thúc, mùa giải 2013 chưa biết khi nào mới diễn ra nhưng giữa lãnh đạo VFF và ban Trọng tài đã nảy sinh bất đồng nghiêm trọng xung quanh kế hoạch cải tổ ban Trọng tài do lãnh đạo VFF nêu ra.
Chưa hết, ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2012 diễn ra vào ngày 6/10/2012 vừa qua, ban lãnh đạo VPF nhận phải sự chỉ trích kịch liệt của 2 Chủ tịch CLB, và cả 2 ông bầu này đều đe dọa sẽ rút đội bóng khỏi giải nếu những người có trách nhiệm điều hành VPF không xử lý dứt điểm vấn đề mà họ nêu ra. Thật ngán ngẩm khi nhớ lại mới chỉ cách đây chưa đầy một năm, một trong 2 ông bầu nói trên chính là người đứng về phía nhóm ông bầu “cách mạng” khởi xướng thành lập VPF một cách rất quyết đoán và mạnh mẽ.
Người xưa có câu: “Sông sâu còn có kẻ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”, và trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam đang gặp phải khó khăn bao vây bốn bề như thế này thì người ta mới càng hiểu rõ hơn về lòng dạ của nhau. Nếu thực sự có thiện chí với nhau, các bên liên quan hoàn toàn có thể giải quyết khúc mắc hoặc mâu thuẫn nội bộ theo cách nhẹ nhàng trên tinh thần “trong nhà đóng cửa bảo nhau” chứ không nhất thiết phải phơi bày cho cả thiên hạ nhìn vào như thời gian vừa qua.
Từ những câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ như thế này người ta hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi nghi ngờ về khả năng các ông bầu sẽ cùng chung tay góp sức để giúp bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB vượt qua giai đoạn khó khăn lớn nhất kể từ ngày V-League được thành lập cách đây 12 năm. Tương lai của V-League sẽ đi đâu về đâu nếu như ngay trong nội bộ VPF còn nảy sinh mâu thuẫn, và ông bầu nào cũng có thể đe dọa xóa sổ đội bóng hoặc rút lui không tham dự giải nếu vấn đề mà mình nêu lên không được giải quyết?
Phải chăng những ông bầu còn chịu tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của mình trong bối cảnh hàng loạt CLB đang có nguy cơ biến mất vì không thể tìm được nguồn tiền nuôi sống bản thân, nên họ đã sử dụng lời đe dọa “bỏ giải” như là biện pháp hữu hiệu để nắn gân BTC, những người có trách nhiệm điều hành nền bóng đá tuy đang cứng tiếng tuyên bố về tương lai bảo đảm của V-League nhưng thực ra trong thâm tâm có lẽ lại vô cùng lo lắng vì viễn cảnh “người người nhà nhà bỏ cuộc” như hiện tại?
Dù với lý do nào đi chăng nữa thì tương lai u ám của nền bóng đá cũng là điều mà ai cũng thấy rõ, khi bản thân V-League hơn 10 năm qua đã phụ thuộc rất lớn vào túi tiền của các doanh nghiệp, và một nhân tố từng được xem là cách mạng, là bước ngoặt lịch sử như VPF thực ra cũng là một đứa con tinh thần khác của các ông bầu, những người đang gặp không ít khó khăn với chính doanh nghiệp của mình, và liệu có thể kỳ vọng bao nhiêu vào họ trong nỗ lực giải cứu bóng đá Việt Nam khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ ngày tiến hành chuyên nghiệp hóa?!
Nếu chỉ căn cứ vào những diễn biến ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2012 và Đại hội thường niên VFF diễn ra cùng vào cuối tuần vừa qua thì có lẽ câu trả lời chẳng mang được màu sắc lạc quan cho lắm!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)