Việc trung vệ Huy Hoàng của CLB SLNA sau khi gây tai nạn giao thông bị phát hiện có những biểu hiện không bình thường cho đến giờ vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, đó là "phê thuốc" hay đơn thuần chỉ là say rượu.
Tuy nhiên, với những biểu hiện và dấu hiệu như thế sẽ không phải là quá sớm hay võ đoán khi chúng ta cùng đặt ra vấn đề công tác y tế, kiểm tra doping và ma túy đối với từng CLB cũng như BTC các giải đấu của bóng đá Việt Nam hiện nay như thế nào.
Bắt đầu từ năm 2008, VFF đã từng đưa chương trình kiểm tra chất gây nghiện ở các cầu thủ vào thực hiện. Tuy nhiên, trong suốt 4 năm qua, từ khi VFF quản lý các giải đấu cho đến giờ là chuyển giao công tác điều hành, tổ chức giải cho VPF, tiểu ban y học của VFF vẫn chưa phát hiện ra bất cứ trường hợp nào vi phạm, cụ thể là có sử dụng chất gây nghiện.Cựu tiền đạo của CLB SHB.ĐN Molina từng đột tử vì sốc thuốc
Chiều tối ngày 26/2/2010, tiền đạo người Argentina, Molina Gaston Eduardo thời điểm đó đang thi đấu cho SHB.ĐN được phát hiện đã chết tại khách sạn Sao Nam trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (Quận 1- TP.HCM).
Khám nghiệm hiện trường, Công an phường Phạm Ngũ Lão và Quận 1 đã thu nhặt được kim tiêm, cùng chất bột màu trắng được xác định là chất ma túy. Sau đó, cơ quan điều tra thụ lý vụ việc đã kết luận cầu thủ này chết bởi dùng ma túy quá liều dẫn tới sốc thuốc rồi tử vong.
Trước thời điểm Molina đột tử vì ma túy và cả sau đó nữa, không biết đã có bao nhiêu cầu thủ thi đấu tại V-League hay giải hạng nhất QG được VFF cho tiến hành kiểm tra doping và chất gây nghiện. Tinh ý một chút thì không khó để nhận ra câu trả lời.
Đơn giản bởi lẽ, công tác tiến hành kiểm tra chất gây nghiện của VFF đã và đang được tiến hành rất hạn chế theo kiểu gióng lên hồi chuông cảnh báo chứ thực sự làm được và làm đến nơi đến chốn lại chẳng dễ.
Người từng đảm nhiệm cương vị Trưởng ban y học VFF, Lê Qúy Phượng chia sẻ: " Sau khi VĐV sử dụng đúng là chất gây nghiện có thể tồn tại trong cơ thể nhưng có chất lại đào thải ma túy rất nhanh nên bây giờ dùng chất tinh vi lắm. Chẳng hạn như VĐV dùng chất gây nghiện xong mà lại sử dụng thuốc lợi tiểu thì nó tẩy chất ấy ra ngoài rất nhanh và đến khi xét nghiệm thì chẳng phát hiện được gì, có chăng còn lại chỉ là chất trung hòa đã đẩy ma túy ra khỏi cơ thể. Chỉ khi nào chúng ta có phòng lab để phát hiện toàn bộ các loại doping, trong đó có nhóm chất gây nghiện, thì mới xác định được cụ thể từng loại chất bị cấm”.
Thế nên, để hạn chế và triệt tiêu toàn bộ tình trạng sử dụng doping, chất gây nghiện tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dựa trên ý thức từng cầu thủ, những người phụ trách, quản lý đội bóng là chính. Không khó để nhận ra một cầu thủ có những biểu hiện sử dụng ma túy, chất gây nghiện nhưng xưa nay chưa thấy CLB nào lên tiếng nhờ cơ quan chuyên môn kiểm tra giúp.
Việc kiểm tra chất gây nghiện ở các cầu thủ cũng được đưa vào điều lệ giải nhưng không phải lúc nào các cầu thủ, CLB cũng sẵn sàng hợp tác, phối hợp với BTC giải để làm việc. Thậm chí, không loại trừ khả năng, nếu CLB nào phát hiện cầu thủ của mình vi phạm thì tốt nhất vẫn là giấu nhẹm đi. Từ thực tế đó để thấy, công tác kiểm tra doping, chất gây nghiện ở các cầu thủ tại Việt Nam vẫn còn đang bị xem nhẹ.
Trên nguyên tắc, ở mỗi vòng đấu của V-League và giải hạng Nhất, tiểu ban y học VFF trước đây đều tiến hành kiểm tra chất gây nghiện cho các cầu thủ. Khi đã quyết định lựa chọn trận đấu nào đó để làm xét nghiệm, tiểu ban Y học sẽ thông báo cho BTC giải và trong giờ giải lao giữa 2 hiệp đấu sẽ tổ chức bắt thăm VĐV sẽ phải kiểm tra nước tiểu.
Đối tượng bắt thăm là những cầu thủ nằm trong danh sách đăng ký thi đấu, chính thức hoặc dự bị. 15 phút trước khi hết trận, tiểu ban Y học sẽ mời đại diện 2 đội vào phòng và mở phong bì ra để biết tên và số áo của 02 cầu thủ sẽ phải kiểm tra chất gây nghiện. Nhưng nay, khi quyền tổ chức giải đấu được VFF chuyển giao cho VPF thì vấn đề này đang bị lãng quên.
(Theo Dân Trí)