Quá thất vọng với cách các CLB Bundesliga vận hành sau một kỳ EURO 2000 thảm họa, bóng đá Đức đã tiến hành cuộc cải cách toàn diện, bắt đầu từ hệ thống đào tạo trẻ.
Hai cơn bão cấp 12 ở bán kết Champions League trong tuần trước sẽ để lại dấu ấn với bóng đá Đức cho cả một thế hệ, nhưng sự trỗi dậy của Bundesliga không phải là sự may mắn qua đêm. Trong hơn 10 năm trời, các đội bóng Đức đã được định hướng để làm điều đúng đắn: phát triển cầu thủ trẻ, nhất quán về tổ chức và tiếp thu các giá trị mà những giải đấu kim tiền khác ở châu Âu không mấy mặn mà.Mario Gotze (giữa) trong màu áo Dortmund
Tiêu chuẩn ngặt nghèo
Nếu nhìn lại những thay đổi mà bóng đá Đức đã trải qua những năm gần đây, những mục tiêu và cách tiếp cận của họ so với phần còn lại của châu Âu, thì hai chiến thắng áp đảo vừa rồi của Bayern Munich và Borussia Dortmund trước những gã khổng lồ TBN Barcelona và Real Madrid không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
Những thành công của bóng đá Tây Ban Nha gần đây ở cấp đội tuyển và CLB dựa trên nền tảng một thế hệ xuất chúng, khi mà ngay cả những cầu thủ như David Silva, Juan Mata và Cesc Fabregas cũng không chắc suất đá chính ở đội tuyển quốc gia. Nhưng thế hệ lớn tiếp theo, bao gồm nhiều cầu thủ đã chơi rất hay ở bán kết Champions League, sẽ là người Đức. Marco Reus và Thomas Mueller sinh năm 1989, Ilkay Gundogan và Toni Kroos 1990, Mario Goetze, tiền vệ trị giá 37 triệu euro, sinh năm 1992. Họ là những sản phẩm xuất sắc nhất của cuộc cách mạng hệ thống đào tạo trẻ được tiến hành 13 năm trước.
Sau khi đội tuyển Đức bị loại đau đớn ở EURO 2000, chỉ ghi được 1 bàn và có 1 điểm trong bảng đấu của mình, cả nước Đức đi tìm câu trả lời tại sao nền bóng đá hùng mạnh một thời lại không sản sinh ra những cầu thủ trẻ xuất sắc nữa, còn giải Bundesliga thì tràn ngập lính lê dương đắt tiền nhập khẩu từ nước ngoài.
Năm 2001, LĐBĐ Đức (DFB) bắt buộc mọi CLB Bundesliga phải thành lập những học viện trẻ với các tiêu chuẩn rõ ràng: trang bị sân cỏ, đèn chơi ban đêm, sân nhân tạo, hệ thống trẻ từ U12 tới U23... thì mới được cấp phép. Năm 2002, các điều kiện này được mở rộng ra cả các đội ở Bundesliga II. Những học viện trẻ đó không chỉ là tài sản của CLB, mà là sản phẩm của một nỗ lực tập thể từ bóng đá Đức. Một ủy ban chuyên trách các học viện trẻ được thành lập, với đại diện từ DFB, DFL (Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp Đức) và một số CLB Bundesliga.
Có tiền thì... dễ hơn
Tiền ném tới tấp cho ủy ban, khi các CLB hiện chi hơn 100 triệu euro cho đào tạo trẻ mỗi năm, và tổng cộng hơn 500 triệu euro kể từ khi thành lập. Tiền bạc chi tiêu khôn ngoan mang lại thành công, nâng cao tiêu chuẩn các cầu thủ trẻ Đức ở châu Âu, bắt kịp những học viện trẻ ở Hà Lan và Pháp. Kroos, Goetze, Mueller và nhiều người khác đều xuất thân từ đó.
Năm 2002, trước khi những thay đổi đi vào thực tế, 60% các cầu thủ ở Bundesliga là người nước ngoài. Hiện giờ, 60% là người Đức, trong đó hơn một nửa trưởng thành từ những lò đào tạo trẻ, nơi các cầu thủ ăn tập và học hành từ rất trẻ. Dây chuyền sản xuất đã vào guồng, và kết quả rất rõ ràng.
Nước Đức vốn có truyền thống xã hội chủ nghĩa. Bóng đá không phải ngoại lệ. Các CLB được cấu trúc sở hữu theo mô hình 50+1, tức 50% cổ phần của đội bóng, cộng thêm 1 cổ phần, thuộc về CĐV (trừ Wolfsburg và Bayer Leverkusen, hiện thuộc các hãng Volkswagen và Bayer). Các CLB do đó phải trung thành với những giá trị và đạo đức quần chúng, trong khi hầu hết những đội châu Âu khác chỉ là cuộc chơi của người giàu.
Bayern Munich hiện là đội giàu nhất và dẫn xa phần còn lại của nước Đức. Năm 2005, họ thậm chí cho Borussia Dortmund, lúc đó đang trên bờ vực phá sản, vay một khoản không bảo lãnh lớn trong vài tháng để duy trì hoạt động. “Tôi là một người hâm mộ truyền thống trong thể thao”, Chủ tịch Bayern Uli Honess giải thích. “Và tôi nghĩ đó là việc cần làm”. Tháng 1 năm nay, Bayern tổ chức một trận giao hữu với đội đang vật lộn ở giải hạng Nhì Alemannia Aachen, giúp họ kiếm nửa triệu euro, và đó là việc Bayern làm thường xuyên.
Tất nhiên, giàu có thì dễ rộng rãi hơn, và thu nhập khổng lồ của Bayern là một câu chuyện thành công khác. Toàn bộ bóng đá Đức hưởng lợi từ sức mạnh kinh tế kỳ vĩ của quốc gia này, và Bayern hưởng lợi nhiều nhất, khi nằm ở vùng giàu có và năng suất cao Bavaria. Trong số những nhà tài trợ chính của Bayern có Allianz, Siemens, Adidas và Audi, tất cả đều là đại tập đoàn hàng đầu thế giới đóng xung quanh Munich. Thu nhập từ thương mại của Bayern năm ngoái là 205 triệu euro, lớn nhất trong lịch sử bóng đá, trong khi doanh thu của họ là 375 trệu euro, lớn thứ 4 trên thế giới.Những CLB khác cũng hưởng lợi. Dortmund giảm khoản nợ từ 143 triệu euro xuống còn 11 triệu euro và có lợi nhuận trước thuế 34 triệu euro năm ngoái. Nhưng sự áp đảo tuyệt đối của Bayern cũng là vấn đề. Họ vừa mua cầu thủ giỏi nhất của Dortmund, Goetze. Họ cũng có thể mua Robert Lewandowski và lối hút máu đối thủ như thế sẽ khiến Bundesliga trở nên ngày càng kém cạnh tranh.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)