Cuộc chiến trụ hạng giờ đây đã không còn là nỗi đau riêng của 3 nhà cựu vô địch là Bremen, Stuttgart và Wolfsburg, mà còn của cả Bundesliga nữa.
Cùng với Dortmund (vô địch Bundesliga năm 2002) thì Bremen, Stuttgart và Wolfsburg chính là những đội bóng đã chung sức giúp Bundesliga thoát khỏi cảnh thống trị của Bayern Munich. Năm 2010, trong buổi tổng kết Bundesliga 1 thập kỷ qua, Trưởng ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Đức (DFL) Rauball đã dành một khoảng thời gian khá dài để nói về thành công của Dortmund, Bremen, Stuttgart và Wolfsburg. Ông Rauball nhận định “đó chính là những chiến thắng nâng tầm Bundesliga” và các đội bóng tại Đức cần học hỏi.Stuttgart đang đối diện với nguy cơ tụt hạng
Thế nhưng, mùa giải 2010/11 cho thấy những thành công mà Bremen, Stuttgart và Wolfsburg giành được chỉ là nhất thời. Nó không hề tạo nên một động lực để thúc đẩy sự phát triển cho các đội bóng này cũng như sự tiến bộ chung của Bundesliga như Rauball kỳ vọng. Ngược lại, việc các nhà cựu vô địch ấy đối diện nguy cơ xuống hạng chính là những lời cảnh tỉnh cho Bundesliga về cách xây dựng, quản lý lỏng lẻo và thiếu tầm nhìn chiến lược của các đội bóng Đức.
Trên thực tế, các CLB Đức vẫn được đánh giá cao về vấn đề tài chính. Bundesliga cũng chính là giải đấu có ít đội bóng nợ nần nhất trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thế nhưng, nền tảng tài chính vững chắc đó được xây dựng dựa trên sự chắt chiu trong thu chi của từng đội bóng chứ không đến từ những thành công trong đầu tư kinh doanh. Điều đó khiến phần lớn các đội bóng Đức không thể mạnh tay lập ra những kế hoạch phát triển dài hơi và giàu tham vọng.
Nhưng đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng. Chịu trách nhiệm trong sự tuột dốc không phanh của Bremen, Stuttgart, Wolfsburg hay một số đội bóng lớn khác như Schalke, Hamburg chính là các nhà quản lý. Họ đã ngủ quên trên những chiến thắng của đội nhà mà bỏ qua nhiệm vụ làm mới sức mạnh của đội bóng để hướng tới những mục tiêu tham vọng hơn.
Ở Bremen, những khoản tiền thu về trong 5 mùa giải liên tiếp dự Champions League đã không được đội bóng miền Bắc Đức tái đầu tư. Để giờ đây, họ vẫn phải xây dựng đội bóng dựa trên những cựu binh (Frings, Borowski, Pizarro…) hay những cầu thủ trẻ vô danh. Tại Stuttgart, sau lứa cầu thủ trẻ xuất sắc gồm Tasci, Khedira, Beck, Hilbert, Gomez… đã mang về cho họ chức vô địch mùa 2006/07, lò đào tạo trẻ của đội bóng miền Tây Nam không giới thiệu thêm những tên tuổi mới triển vọng. Hay cách làm bóng đá từ ngọn của Wolfsburg cũng không còn phát huy hiệu quả với những thương vụ hấp tấp và thiếu tính toán...
Có 1001 lý do ảnh hưởng đến các đội bóng và đòi hỏi các nhà quản lý phải tỉnh táo để chèo lái con tàu vượt sóng gió. Nhưng tại Bundesliga, dường như chỉ có BLĐ Bayern làm được điều đó. Sau Hertha Berlin (xuống hạng ở mùa trước), Bundesliga sẽ mất thêm Bremen, Stuttgart hay Wolfsburg? Một thực tế buồn và là bài học đắt giá cho những nhà làm bóng đá Đức.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)