2 người đã làm nên tên tuổi của họ và trở thành huyền thoại ở Manchester đều ra mắt tự truyện vào tuần này, nhưng với một người, điều đó đã diễn ra không đúng lúc cho nơi đã làm nên danh tiếng của ông.
Sir Alex Ferguson và ca sĩ Morrissey là những tính cách hoàn toàn khác biệt, nhưng họ có điểm chung đều là những người rất được yêu mến ở Manchester và đều vừa ra mắt tự truyện của mình.Ferguson ra mắt cuốn tự truyện
Các cuốn tự truyện đương nhiên chỉ là vấn đề cá nhân, nhưng trong khi cuốn sách của Morrissey chỉ có thể làm phật lòng vài tay trống cũ từng chơi nền cho ông và các đồng nghiệp khác mà ông đã làm phật lòng không ít lần trong quá khứ, tác phẩm của Ferguson có ảnh hưởng hơn nhiều lên Manchester United, và hàng triệu CĐV tôn thờ ông.
Tất nhiên, David Moyes sẽ không bao giờ công khai điều đó, nhưng người kế nhiệm của Sir Alex có thể được tha thứ nếu cho rằng Ferguson đã làm điều gây hại cho CLB. Và cũng tất nhiên, Sir Alex không bao giờ muốn gây khó cho đội bóng cũ nơi ông đã gắn bó phần lớn sự nghiệp huấn luyện, nhưng những hậu quả từ cuốn tự truyện và thời điểm ra mắt của họ, dù vô tình, là không thể tránh khỏi.
Trước hết, Ferguson đã để lại cho Moyes một đội hình nhiều điểm yếu và tương đối già cỗi, đội bóng mà Sir Alex hướng dẫn tới chiến thắng chủ yếu bằng tài năng và sự mạnh mẽ cá nhân của ông. Không có gì ngạc nhiên khi một người không ở đẳng cấp của Ferguson (điều này không phải là để chỉ trích Moyes, về cơ bản khó có ai ở đẳng cấp như Ferguson) gặp khó khăn từ khởi đầu, và có vẻ như sẽ còn gặp khó khăn cho tới khi kết thúc.
Thêm nữa, lúc Ferguson nhận lời dẫn dắt Man United, ông không hề bị chú ý, và do đó thoát được áp lực khủng khiếp, như Moyes hiện giờ. Từng cử chỉ nhỏ nhất của cựu HLV Everton, từng quyết định chiến thuật và mỗi kết quả của Man United dưới thời ông đều bị săm soi dưới hàng triệu đôi mắt. Lại một lần nữa, Ferguson chẳng thể làm gì trước sự điên cuồng của dư luận đó.
Tuy nhiên, điều ít ra Sir Alex có thể làm là không gây ra thêm thương tổn, không mở rộng thêm cái bóng quá lớn mà ông đã phủ lên Moyes và Man United, với việc không ra mắt cuốn sách về sự nghiệp rất được chú ý của ông chỉ 2 tháng sau khi thời kỳ hậu-Ferguson ở Man United bắt đầu, dự kiến là chiến dịch vất vả nhất cho Old Trafford, dù với bất kỳ HLV nào.
Tại sao Ferguson quyết định ra mắt cuốn sách sớm như thế? Tại sao ông không đợi thêm một năm nữa, ít ra là cho tới khi người kế nhiệm ông đã ổn định được chiếc ghế của mình? Câu trả lời là để tối đa hóa “hiệu ứng dư luận”, từ đó tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận từ cuốn sách, một cách hình ảnh, phải rèn sắt khi nó còn nóng, và tự truyện phải ra mắt khi những bàn tán về một sự nghiệp vĩ đại như của Ferguson còn chưa lắng xuống. Chỉ có điều, tất cả những điều đó không phải vì lợi ích của Moyes hay Man United.
Về cơ bản, có 2 lý do khiến người ta viết tự truyện, một là vì tiền, hai là để nói rõ lại mọi chuyện trong cuộc đời mình. Chúng ta chỉ có thể đoán về động cơ của Ferguson, nhưng khá rõ ràng là ông không cần tiền. Cuốn sách cũng không tiết lộ thêm nhiều sự kiện gì chấn động, nhưng nó đã phủ kín mọi phương tiện truyền thông, như một lời nhắc nhở rằng ông vẫn còn ở đó. Một lần nữa, điều này không tốt cho Moyes.
Khi Ferguson tuyên bố việc ông giải nghệ, HLV người Scotland đã hối thúc, thực ra là ra lệnh, cho đám đông ở Old Trafford ủng hộ hết mình người thay thế ông. Tuy nhiên, với việc ra mắt cuốn tự truyện của mình vào lúc Moyes đang tìm cách thể hiện dấu ấn và uy quyền, chính Ferguson lại phớt lờ lời khuyên, thực ra là mệnh lệnh, của mình.
Chiêu Văn - Bongdaplus.vn