Khi kinh tế châu Âu đã bắt đầu thoát đáy, tiền cũng được rót nhiều hơn vào thị trường chuyển nhượng (TTCN) và đã có không ít bản hợp đồng bom tấn được thực hiện. Nó đã tạo nên những hiệu ứng dây chuyền, kéo cả châu Âu vào một vòng quay chuyển nhượng vô hình...Các thương vụ trong Hè 2013 có sự liên hệ khá mật thiết với nhau
HIỆU ỨNG DÂY CHUYỀN
Thị trường chuyển nhượng châu Âu trong năm 2013 đã cho thấy những mối quan hệ mất thiết, xuyên biên giới giữa các đội bóng. Mỗi một thương vụ chuyển nhượng bom tấn được thực hiện luôn kéo theo đó là một chuỗi thương vụ đình đám khác. Cũng chính vì thế mà dù nhìn qua chẳng liên quan gì tới nhau nhưng hai thương vụ đình đám nhất trong năm 2013, với trường hợp của Gareth Bale và Edinson Cavani, lại có mối liên hệ vô hình và rất chặt chẽ với nhau.
Chi 91 triệu euro để mua Bale từ Tottenham, Real Madrid sau đó buộc phải bán các ngôi sao để cân bằng quỹ chuyển nhượng và quỹ lương. Ngoài Kaka được tự do tới Milan, Mesut Oezil (50 triệu euro) và Gonzalo Higuain (37) đã được bán cho Arsenal và Napoli để thu về tổng cộng 87 triệu euro. Phía Tottenham cũng chi đậm để bổ sung lực lượng, trong đó có việc mua Erik Lamela với giá 30 triệu euro từ Roma, đội bóng cũng đã thay thế tiền vệ này bằng Gervinho từ Arsenal.
Trong khi đó, để có thể phá kỷ lục chuyển nhượng và chiêu mộ Higuain từ Real, Napoli trước đó đã vớ bẫm từ việc bán Cavani cho PSG để thu về tới 64,5 triệu euro. Chưa kể, Napoli còn “giúp” Real rút gọn đội hình với việc tiếp tục chi 22 triệu euro để chiêu mộ Jose Callejon và Raul Abiol.
Nếu nhìn lại năm 2013, TTCN không thiếu những điểm nổ như Bale và Cavani. Neymar cũng được xem là nguyên do khiến David Villa rời Barca sang Atletico Madrid, tạo điều kiện cho Falcao có thể rời đội bóng thủ đô TBN để đầu quân cho Monaco. Hay việc Mario Goetze rời Dortmund sang Bayern cũng kéo theo một chuỗi thương vụ chuyển nhượng khác liên quan tới Mkhitaryan (sang Dortmund), Bernard (sang Shakhtar)...
NHỮNG THẾ LỰC MỚI XUẤT HIỆN
Thoạt nhìn qua, TTCN 2013 hoạt động khá lộn xộn. Những thương vụ bom tấn thường mất khá nhiều thời gian và tốn nhiều giấy mực của báo giới. Song, nó hóa ra lại rất quy củ và nằm trong một vòng quay vô hình, dựa vào sự di chuyển của dòng tiền trên TTCN.
Tất nhiên, để dòng tiền có thể di chuyển từ nơi này qua nơi khác một cách thuận lợi trên TTCN thì nó cần phải có nhiều đội bóng chịu chi. Thực tế, năm 2013 đã xuất hiện những thế lực mới trên TTCN. Có thể dễ dàng nhận thấy là cặp đôi PSG và Monaco của Pháp. Monaco đang nổi lên như là một đối trọng không chỉ với PSG mà còn với cả các ông lớn châu Âu, trong đó thương vụ mua Falcao là một sự khẳng định.
Ngoài ra, những đội bóng có truyền thống như Arsenal, Napoli, Dortmund... cũng chịu chi hơn. Cả 3 CLB này đã tự phá vỡ những kỷ lục chuyển nhượng của chính họ khi mua Oezil (Arsenal), Higuain (Napoli) hay Mkhitaryan (Dortmund). Trong số này, đáng chú ý là Arsenal sau thương vụ thành công với Oezil. Có thể nói đây là khoản đầu tư trúng đích của họ.
Cũng phải thấy khi khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đang thoát đáy, các đội bóng cũng có cơ sở rõ ràng hơn để chi tiền. Có thể nhìn thấy điều này khi phần lớn các ông lớn bóng đá châu Âu như Barcelona, Bayern, Real, Man United, Juventus, Chelsea... đều tham gia rất tích cực vào TTCN. Họ cũng được xem như là những ông lớn dẫn dắt thị trường trong năm 2013.
PREMIER LEAGUE VẪN HÀO NHOÁNG NHẤT
Sự sôi động trên TTCN năm 2013 được thể hiện khi cả 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đều chi nhiều tiền hơn 1 năm trước đó. Đáng chú ý, với 401 triệu euro ném vào TTCN, các đội bóng tại La Liga đã chi nhiều hơn 205% so với năm trước. Tương tự, Ligue 1 (377 triệu euro - 66%), Premier League (755 - 29%), Bundesliga (275 - 10%) và Serie A (400 - 8%) cũng đều chịu chơi hơn so với 1 năm trước.
Và Premier League vẫn cho thấy sự hào nhoáng với những khoản chi mạnh tay. Số tiền mà họ chi ra cho chuyển nhượng, không tính các thương vụ nội bộ, là 479 triệu euro. Trong số đó có 443 triệu euro “chảy” ra nước ngoài và chỉ 36 triệu euro là “rớt xuống” các đội bóng thuộc giải Hạng Nhất. Hay tổng số tiền mà 4 đội bóng là Arsenal, Chelsea, Man City và Man United chi ra là 275 triệu euro, bẳng tổng chi của cả Bundesliga.
Với tiềm lực tài chính cũng như những khoản thu lớn mà Premier League mang lại, các đội bóng tại đây sẽ tiếp tục là “ông kẹ” trên TTCN, không chỉ trong năm 2014 và cả nhiều năm tiếp theo. Song, có một điều có thể nhìn thấy là những khoảng cách trên TTCN sẽ được rút ngắn, khi cầu thủ đang ngày càng có nhiều lựa chọn hơn.
Theo Bongdaplus.vn