Như một võ sĩ đang bị dồn vào góc võ đài và dường như chỉ còn chờ những cú đấm cuối cùng trước khi gục ngã, Jose Mourinho đã loạng choạng, nhưng rốt cục thì ông vẫn chưa bị knock-out. Thất bại trước Tottenham Hotspur có thể làm bùng lên đống lửa dưới ghế HLV người Bồ Đào Nha, nhưng Mourinho vẫn “sống”. Và đội Chelsea của ông đã đoàn kết vào thời điểm mà nó bị nghi ngờ rằng đang chia rẽ.
Khoảnh khắc khó khăn nhất của Mourinho
Trong vòng một tháng, chiếc ghế của HLV người Bồ nhận những cú đấm dữ dội. Đầu tiên là trận hòa 0-0 buồn tẻ trước Man United, với sơ đồ không tiền đạo và lối chơi quá thận trọng. Mourinho quay lại đây không chỉ để giúp Chelsea chiến thắng. Ông còn phải giúp họ thắng đẹp, như ông chủ Roman Abramovich mong muốn.
Sau đó là thất bại trên chấm phạt đền ở trận tranh Siêu Cúp châu Âu với Bayern. Một trận thua trước đối thủ cũ Pep Guardiola. Trận thua mà đội bóng của Mourinho đã không làm được cái điều vốn là sở trường của ông: Bảo vệ tỉ số.
Hai thất bại liên tiếp trước Everton (tại Premier League) và Basel (Champions League) thực sự đã đốt lên một đống lửa dưới ghế của Jose Mourinho, mà thắng lợi trước Fulham sau đó vài ngày chưa thể là xe cứu hỏa. Chúng thổi bùng lên những tranh cãi.
Các CĐV kêu gào và giăng băng-rôn đòi Mourinho trọng dụng Juan Mata, tiền vệ người TBN tuyên bố không quan tâm chuyện Mourinho nghĩ gì, Mourinho đổ lỗi cho các cầu thủ “thiếu bản lĩnh” (sau trận thua Basel). Các fan Chelsea và cầu thủ, dù kỳ vọng rất nhiều khi ông trở lại, không ủng hộ Mourinho vào lúc này.
Báo chí Anh thậm chí tiết lộ rằng ông chủ Abramovich đã chất vấn HLV người Bồ về lối chơi và hiệu quả của Chelsea, bao gồm cả việc gạt Mata khỏi đội hình chính. Ông chủ người Nga có vẻ cũng không đứng về phía Mourinho nữa.
Những lời lẽ “đoạn tuyệt” của trợ lý cũ Andre Villas-Boas cũng đã đẩy Mourinho vào một tình thế hiểm nghèo: Ông không được phép thua. Bàn thắng của Sigurdsson là một quả đấm dồn HLV người Bồ đến góc võ đài.
Mourinho cực kỳ nguy hiểm trong bão tố
Chúng ta nhớ lại trận Kinh điển vào đầu tháng Hai năm nay, Real Madrid của Mourinho đã đánh bại Barcelona 2 trận liên tiếp, một ở Liga (2-1) và đặc biệt là thắng lợi 3-1 ngay tại Camp Nou ở Cúp Nhà Vua. Nói về trận thắng 3-1 ấy, Tổng biên tập tờ AS, Tomas Roncero, viết: “Barca không thất bại trước cả đội Madrid, mà chỉ là nửa đội Madrid. Chỉ với một nửa số cầu thủ chính thức ra sân (vì chấn thương), Madrid đã dồn Barca đến chân tường”.
Đó là thời điểm mà phòng thay đồ Madrid đang bị chia rẽ, ghế HLV của Mourinho lung lay dữ dội, đội trưởng Casillas lẫn đội phó Ramos đều bị ném lên ghế dự bị, còn ngôi sao sáng nhất Cristiano Ronaldo không những chơi tệ, mà còn liên tục kêu “buồn” và chán Bernabeu.
Barca, ngược lại, dẫn đầu bảng, hơn Madrid đến 15 điểm và vừa gia hạn hợp đồng với một loạt trụ cột, là Xavi, Messi và Puyol. Nhưng đội bóng bình yên ấy đã gục ngã trước một Real Moudrid đi trong bão tố.
Nhà báo Gabriel Marcotti lấy một ví dụ rất sinh động (là câu nói trong một bộ phim) để nói về cá tính các đội bóng dưới quyền Mourinho: “Cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, 30 năm cầm quyền của Hồng Y Cesare Borgia, ngập trong chiến tranh, bắt bớ và máu, là ba thập niên đã sản sinh ra Michelangelo, Leonardo Da Vinci và thời kỳ Phục hưng. Ở Thụy Sĩ, nơi 500 năm chỉ có dân chủ và hòa bình, thứ đáng kể nhất họ sáng tạo ra là gì? Đồng hồ cookoo!”
Mourinho “thích” những cơn khủng hoảng, bởi vì ông ta không ngại làm việc dưới áp lực của khủng hoảng. Ông đương đầu rất tốt với mọi chỉ trích, và luôn âm thầm sửa chữa những sai lầm, dù không thừa nhận nó (chuyện tung Mata vào sân chẳng hạn).
Những gì diễn ra ở Chelsea hiện tại chưa thấm tháp vào đâu so với cơn khủng hoảng ở Madrid mùa trước, và có lẽ chưa phải là thời điểm đến nói về một đòn knock-out. Bởi ngay cả khi đã ngã sấp xuống sàn, Mourinho vẫn có thể tạo ra những Michelangelo, dù thời kỳ Phục hưng thì chưa chắc. Giống như cú đánh đầu của John Terry, một con đường máu mở ra tại White Hart Lane đêm qua.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)