Thứ Bảy, 16/11/2024Mới nhất
Zalo

Đội tuyển Đức: 11 năm, 22 đội trưởng

Thứ Năm 10/11/2011 14:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sự vắng mặt của Philipp Lahm (đội trưởng) lẫn hai đội phó Bastian Schweinsteiger và Miroslav Klose sẽ tạo cơ hội cho trung vệ Per Mertesacker được đeo băng đội trưởng của đội tuyển Đức ngay từ đầu, và anh là người thứ 22 từng nhận lấy tâm băng này trong 11 năm qua, nhiều hơn cả số đội trưởng chính thức của đội Đức trong hơn 80 năm (20 người).

Mertesacker, người nhiều khả năng sẽ thế vai Lahm đeo băng đội trưởng trong trận gặp Ukraina, mới chỉ có 3 lần đảm nhận vinh dự này, và chưa bao giờ đeo băng thủ quân ngay từ đầu. Trong số 22 người từng được trải qua cảm giác làm thủ lĩnh đội bóng của tuyển Đức từ năm 2000 cho đến nay, chỉ có 4 người được coi là đội trưởng thực sự, bao gồm Olivier Bierhoff (1998-2001, mang băng đội trưởng trong 23 trận), Oliver Kahn (2001-2004, 50 trận), Michael Ballack (2004-2010, 55 trận) và Philipp Lahm (2010-nay, 25 trận). Trong nhóm còn lại, Thomas Haessler (7 trận), Christian Woerns (7), Bernd Schneider (9 trận), Torsten Frings (8 trận) đều phải lãnh trọng trách này với tư cách là những cầu thủ có kinh nghiệm nhất trong đội ở giai đoạn giao thời, chứ chưa hẳn là do phẩm chất thủ lĩnh của họ. Số còn lại (Borowski, Klose…) đơn thuần là giải pháp tình thế, hoặc khi các đội trưởng chính thức bị rút ra khỏi sân, với chỉ 1-2 trận được đeo băng thủ quân.

Mertesacker (phải) sẽ đeo băng đội trưởng thay Lahm ở trận gặp Ukraine

Tức là việc chọn ra đội trưởng cho đội tuyển Đức trong một thập kỷ qua không hề khắt khe, thậm chí còn khá “dễ dãi”. Có đáng lo ngại không, bởi vì thường thì trong những giai đoạn rực rỡ nhất của đội Đức, thì tấm băng đội trưởng cũng “ổn định” nhất. Đó là thời kỳ của 4 thủ quân đã được trao danh hiệu đội trưởng danh dự, bao gồm Fritz Walter (1951-1956, 30 trận đeo băng đội trưởng, người đưa Đức đến danh hiệu vô địch Thế giới năm 1954), Uwe Seeler (1962-1970, 40 trận, á quân World Cup 1966), Franz Beckenbauer (1971-1977, 50 trận, vô địch World Cup 1974 và EURO 1972), và Lothar Matthaeus (1988-1994, 75 trận, vô địch World Cup 1990).

Vai trò thủ lĩnh ở đội Đức cũng luôn rất quan trọng. Vào giai đoạn mà Đức đang khủng hoảng, thì sự xuất sắc của thủ môn đội trưởng Oliver Kahn cộng thêm vai trò thủ lĩnh lối chơi của Michael Ballack (người tiếp quản băng thủ quân từ Kahn) là đủ để đội Đức giành ngôi á quân World Cup 2002. Sau này, khi Đức tái thiết, thì gần như một mình Ballack đã kéo đội bóng đi lên, trước khi HLV Juergen Klinsmann tiến hành thay đổi mang tính cách mạng từ năm 2006. Và cũng phải đến sau EURO 2008, thì đội Đức mới bắt đầu bước ra khỏi cái bóng của Ballack.

Khi thủ quân không còn là “thần thánh"

Tấm băng thủ quân của đội Đức đã từng được coi là một biểu tượng thần thánh, và đòi hỏi người đeo nó phải chịu được những áp lực rất lớn, phải đủ sự bền bỉ và sở hữu tiếng nói có trọng lượng, thậm chí là mang tính áp đặt. Đội trưởng không những phải gồng mình lên dưới những sức ép tứ phía, mà các đồng đội của anh ta cũng phải chịu chính áp lực từ phía người đội trưởng của mình để duy trì một trật tự khá khố cứng trong đội bóng.

Nhưng thời thế đổi thay. Ballack đã từng là người nói ai cũng phải nghe trong đội Đức, nhưng khi các đồng đội trẻ tuổi của anh đã bắt đầu đòi hỏi bộc lộ cái tôi cá nhân, thì tiền vệ của Leverkusen đã bị “phản đòn”. Như lần anh nhận cái bạt tai của Lukas Podolski sau khi cố “chỉnh huấn” thái độ thi đấu của anh này (trận thắng xứ Wales 4-2 cách đây hơn một năm), và những cãi vã với Philipp Lahm vì băng thủ quân. Người Đức đã nhận ra rằng đội trưởng cũng chỉ là một người bình thường, không phải là một cái máy. Bản thân thủ quân cũng cần được giải phóng những áp lực và tái tạo năng lượng, và đó là lý do khiến HLV Joachim Loew cho Lahm được nghỉ ngơi trong đợt tập trung lần này.

Không “thần thánh hóa” vị trí đội trưởng không những giảm áp lực cho chính người mang trọng trách ấy, mà còn giúp đội bóng có trách nhiệm san sẻ với người thủ lĩnh, và tạo ra sức mạnh tập thể thực sự. Vì thế, 22 người từng đeo băng thủ quân tuyển Đức trong 11 năm qua còn là con số đáng mừng, và có thể tin tưởng rằng ngay cả khi không có Lahm, đội Đức vẫn sẽ chơi tốt trong 2 trận giao hữu tới đây.

22 đội trưởng trong 11 năm

Thomas Haessler: 7 trận đeo băng đội trưởng
Olivier Bierhoff: 22 trận
Jens Nowotny: 2 lần
Jens Jeremies: 2 trận
Dietmar Hamann: 3 trận
Christian Woerns: 7 trận
Oliver Kahn: 50 trận
Bernd Schneider: 9 trận
Torsten Frings: 8 trận
Thomas Hitzlsperger: 2 trận
Michael Ballack: 55 trận
Philipp Lahm: 25 trận
Tim Borowski, Miroslav Klose, Arne Friedrich, Kevin Kuranyi, Christoph Metzelder, Bastian Schweinsteiger, Lukas Podolski, Per Mertesacker, Heiko Westermann, Sedar Tasci: 1 trận

 (Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Video

Xem thêm
top-arrow
X