Sau khi Công Vinh bùng nổ ở những lượt trận đầu tiên, tất cả đã kỳ vọng vào một cuộc lật đổ ít nhất ở phương diện cá nhân giữa Công Vinh và Antonio Carlos, những người đang dẫn đầu kỷ lục ghi bàn ở V-League. Tuy nhiên, trong khi Antonio vẫn nhả đạn rất đều, thì Công Vinh đã tắt tiếng ở ít nhất 3 lượt trận gần nhất, khiến SLNA thua đến 2 trận.
Giải đấu hàng đầu Việt Nam, với các đội bóng đã, đang và vẫn phụ thuộc quá nhiều vào tỉ lệ những bàn thắng của ngoại binh. Tất nhiên, CLB hưởng lợi, nhưng các ĐTQG chắc chắn sẽ gặp khó.
Quang Vinh (trái) từng thi đấu tiền đạo khi còn đá cho đội trẻ Thể Công nhưng giờ đây phải đá cánh ở B.BD để có chỗ đứng. |
Dòng máu ngoại
Chỉ một ngày sau khi Antonio Carlos (XM V.HP) và Moussa (V.NB) ghi những bàn thắng thứ 7 và thứ 8 sau 9 lượt trận, Gonzalo (HN.T&T) cũng lên tiếng cũng với một cú đúp vào lưới đối thủ yếu K.KG tại Hàng Đẫy, để trở thành người dẫn đầu danh sách những cầu thủ dội bom (với 9 bàn).
Nhưng, HN.T&T không chỉ có mỗi “cây sào” Gonzalo biết tỏa sáng, mà ở mùa này, “mũi tên đen” Samson Kayode cũng cho thấy vai trò của mình, với sự bám đuổi quyết liệt đồng đội Gonzalo về tỷ lệ những bàn thắng ghi được. Samson vừa có pha lập công thứ 5 và thứ 6 kể từ đầu mùa giải.
Nếu tỷ lệ làm bàn nói trên của Gonzalo và Samson được duy trì cho đến hết mùa giải, đại diện Thủ đô sẽ sở hữu ít nhất 2 chân sút ghi được trên 20 bàn/mùa và cửa vô địch của họ rõ ràng là rất sáng, bởi thông thường mỗi ứng viên cũng chỉ mơ ước một tiền đạo đủ sức làm điều đó. Tất nhiên, với điều kiện có sự cộng hưởng của hàng phòng ngự.
Từ các ứng viên vô địch như SLNA, SHB.ĐN, HN.T&T…, đến những đội bóng yếu như Đồng Nai, K.KG hay ĐT.LA, vai trò của ngoại binh vẫn quá quan trọng. BTC giải đã rất nỗ lực tạo nhiều hơn cơ hội cho cầu thủ trẻ nhưng thật sự năng lực chơi bóng của chúng ta là hữu hạn.
Bất lợi cho ĐTQG
Từ khoảng 5 năm đổ lại, sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam với đầu ra là các ĐTQG bắt đầu cảm thấy thiếu thốn tiền đạo. Rất thường xuyên, những người ghi bàn nhiều nhất cho ĐT ở SEA Games hay AFF Cup kể từ đó, là những tiền vệ. Từ Tiến Thành (SEA Games 2009), đến Văn Quyết (SEA Games 2011), rồi Vũ Phong, Trọng Hoàng ở các kỳ AFF Cup…
Cái gì cũng có nguyên do của nó và việc không cạnh tranh được một suất đá gần cầu môn đối phương tại CLB, khiến khả năng làm bàn của cầu thủ nội bị cùn đi rất nhiều. Từ sở trường tiền đạo, vì lợi ích của đội bóng, họ bị biến thành các tiền vệ trong sơ đồ chiến thuật. Mãi rồi thành quen và bóng đá nội dần tuyệt chủng trung phong. Đến giờ này, Việt Thắng và Anh Đức vẫn được nhắc tên là vì thế.
Lịch sử bóng đá Việt Nam quả rất hiếm những người có thể ghi hơn 10 bàn thắng khi xuất phát từ biên như Công Vinh hay Văn Quyết. Dù sở hữu những kỹ năng chơi bóng đặc biệt, nhưng bản thân Công Vinh, khi còn ở HN.T&T, cũng từng chủ động đề nghị HLV Phan Thanh Hùng cho đá gần cầu môn hơn. Bởi chỉ như thế, Vinh mới mong cải thiện được thành tích ghi bàn.
Với việc hạn chế suất đăng ký và sử dụng ngoại binh ở V-League, cũng như giải hạng Nhất 2013, cơ hội ra sân và thể hiện mình với cầu thủ trẻ bản địa nhiều hơn, nhưng với diễn biến như hiện tại của mùa giải, chắc chắn U23 Việt Nam sẽ lại gặp khó trong việc tìm kiếm các chân sút. Một bi kịch rất cũ! Nó cũng có nghĩa rằng, chúng ta sẽ lại phải kỳ vọng vào tỷ lệ làm bàn từ tuyến 2, bằng sự điều chỉnh chiến thuật.
Với việc phải liệu cơm gắp mắm, HLV Phan Thanh Hùng đã từng thất bại. Thế còn tân HLV Hoàng Văn Phúc?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)