Theo tính toán ban đầu, Kazuyoshi Tanabe được mời sang Việt Nam để ngồi chiếc ghế Phó TGĐ VPF, với chức năng tương tự như một CEO, điều hành các giải đấu chuyên nghiệp mà công ty này đã nhận lại từ VFF hơn một năm trước. Tuy nhiên vào phút cuối, với bản hợp đồng dự tính ký ngắn hạn (một năm), ông Tanabe chỉ vào vai với tư cách là cố vấn – trợ lý cho Chủ tịch HĐQT VPF là ông Võ Quốc Thắng…
1. Trước khi ông Kazuyoshi Tanabe đặt chân đến Việt Nam, vai trò điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp mà VPF là đơn vị tổ chức trong năm đầu tiên được giao cho TGĐ Phạm Ngọc Viễn, Phó TGĐ Phạm Phú Hòa, cùng các ông Trần Duy Ly (V-League) và Nguyễn Hữu Bàng (hạng Nhất), với sự hỗ trợ của các phòng ban khác thuộc VFF... Cơ cấu nhân sự như thế được xem là đã khá kiện toàn, ít nhất so với thời VFF, mà sáng nước nhất là chế độ dành cho giám sát, trọng tài, về lý thuyết là đã được tăng đáng kể so với thời VFF.Nhiều thử thách đang chờ đón chuyên gia Kazuyoshi Tanabe
Tưởng như giải quyết triệt để được điều này, “vấn nạn” trọng tài sẽ không còn đáng lo ngại như khi các CLB phải (hay được) đứng ra gánh vác khoản thù lao cho đội ngũ cầm cân nảy mực. Tuy nhiên, tiêu cực vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, mà cụ thể là không ít các trận đấu có “mùi”; nạn bạo lực sân cỏ có chiều hướng gia tăng; các sự vụ khác về văn hóa ứng xử trên sân như những ông bầu sẵn sàng nhảy bổ xuống sân ăn thua đủ với trọng tài và dọa bỏ cuộc… Trước tình hình đó, Ban Kỷ luật (VFF) và các chế tài cũng cần phải xem lại.
Đó là lý do mà VPF cần phải có CEO mới, đến từ một nền bóng đá phát triển, với kinh nghiệm điều hành đạt đến độ “thượng thừa”. Và sau chuyến thị sát, học hỏi và hợp tác với phía đối tác Nhật Bản, J-League, ông Kazuyoshi Tanabe xuất hiện tại Việt Nam như một đòi hỏi cấp bách của lịch sử.
Ngày đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất và sau đó, với sự cầu thị, ông Tanabe đã nói rất nhiều, về thực trạng nền bóng đá và cả những hoài bão đưa bóng đá Việt Nam không những thoát khỏi khủng hoảng, mà còn vươn ra tầm chân lục trong vòng 5 năm tới.
2. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu một người nước ngoài như Kazuyoshi Tanabe có được chào đón tại Việt Nam, với núi công việc mà ông này (dự định) sẽ gánh, nếu vào vai trò của một CEO? Câu trả lời là rất khó, bởi nó cũng giống như thời gian đầu chuyển giao các giải đấu từ VFF qua VPF, rất nhiều bộ phận – phòng ban của tổ chức xã hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm với sự tồn vong của nền bóng đá này, chịu cảm giác thừa thãi, thiếu việc làm.
Không nói ra, nhưng có thể cảm nhận được phần nào những ánh mắt thờ ơ của người trong cuộc, sau khi ông Tanabe xuất hiện. Như cảm nhận được vấn đề, ông Võ Quốc Thắng phải chủ động thu lại quyền hạn, cũng như các kế hoạch sắp tới với vị chuyên gia người Nhật và chỉ giới thiệu Kazuyoshi Tanabe như một cố vấn, trợ lý đặc biệt của chủ tịch HĐQT VPF. Sau buổi ra mắt bộ nhận diện thương hiệu và Ban Tư vấn Đạo đức VPF cách đây ít ngày, chính ông Thắng đã chủ động đề nghị trợ lý Tanabe ngồi lại để thông qua giới truyền thông, “nói lại cho rõ”.
Giới thạo tin đồ rằng, ngay cả khi VPF chấp thuận để ông Kazuyoshi Tanabe trong vai trò CEO của các giải bóng đá chuyên nghiệp, chuyên gia người Nhật cũng khó thể hoàn thành tốt công việc như dự định tại một nền bóng đá còn mới mẻ và phức tạp như Việt Nam. Một khi không nhận được sự hợp tác của các cộng sự bản địa, liệu công việc của ông có thuận chèo mát mái không? Kazuyoshi Tanabe cũng là con người bình thường, chứ đâu phải là thánh?!
Đến đây, hẳn chúng ta đã có câu trả lời, tại sao và như thế nào ông Tanabe chỉ là trợ lý riêng của ông Thắng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)