… chỉ có một chốn để về. Giai điệu mềm mại, thiết tha của nhạc phẩm “Home” (Michael Buble) có thể “đánh gục” bất cứ một người con xa xứ nào. Thậm chí có người nghe xong chỉ muốn khăn gói về quê ngay lập tức…
Tuy nhiên, có chút khác biệt với tình huống của Công Vinh, khi anh quyết định trở lại mái nhà xưa SLNA, như khẳng định của lãnh đạo (SLNA và CLB BĐ Hà Nội). Phải chăng Vinh đã không còn nơi nào để đến nữa?
1. Kết thúc V-League 2008, 23 tuổi, Công Vinh khăn gói ra Thủ đô với điểm đến đầu tiên là tân binh V-League HN.T&T (theo lời giới thiệu và cả những đảm bảo của đàn anh đi trước là thủ thành đồng hương Dương Hồng Sơn).
Công Vinh về lại SLNA vì không còn sự lựa chọn nào khác
Chi tiết bản hợp đồng (3 năm) mà Vinh ký với HN.T&T không được tiết lộ, nhưng dám chắc nó không dưới 7 tỷ đồng. Đấy là số tiền lớn đầu tiên mà Vinh từng sở hữu, kể từ ngày đi tập đá bóng, rồi được lên đội một SLNA (JVC Cup 2003-PV) và là trụ cột của các ĐTQG sau đó.
Nhưng, số Vinh lận đận! 3 năm ở HN.T&T, tiền đạo xứ Nghệ đã ghi rất nhiều bàn thắng, nhưng chiến tích vĩ đại nhất mà HN.T&T đoạt được là chức vô địch V-League 2010 lại gần như không mang dấu giầy của Vinh. Kết thúc 6 lượt trận đầu tiên, Vinh dính án kỷ luật sau vụ vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh ở Cao Lãnh và gần như liền sau đó, anh gặp chấn thương, khiến phải Vinh mất luôn cả mùa giải cũng như cơ hội khoác áo ĐT Việt Nam trên hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch AFF Cup 2010…
Rời HN.T&T, Vinh đầu quân cho đội bóng láng giềng CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên, nhưng những gì xảy ra sau đó, chắc không cần phải nhắc lại. Vinh bề ngoài có vẻ thư thái, luôn làm chủ được số phận, nhưng trên thực tế, trong lòng lại nóng như lửa đốt trong khoảng thời gian sau vụ bầu Kiên bị bắt và ĐT Việt Nam tập trung chuẩn bị AFF Cup 2012.
Việc những người như Công Vinh, Thành Lương hay Quang Hải bị chi phối bởi chuyện CLB, được cho là nguyên nhân gián tiếp khiến họ khó tập trung thi đấu và ĐT Việt Nam thất bại trên đất Thái. Một lần nữa, Công Vinh lại phải ra đi, nhưng lần này là sự trở về, trở về với sân bóng đã đưa anh lên tầm cao và có giá chuyển nhượng 7 tỷ đồng.
2. SLNA trong quá khứ và ngay vào thời điểm hiện tại vẫn được xem là địa chỉ đỏ để các CLB Việt Nam tìm đến tuyển quân. Đấy là một niềm tự hào mà không phải lò đào tạo nào cũng có được.
Trước và sau Công Vinh, rất nhiều những cầu thủ SLNA đã ra đi rồi trở về. Thành công có, nhưng thất bại cũng nhiều. Trường hợp điển hình cho sự thành đạt phải là bộ đôi thủ thành Nguyễn Thế Anh và Dương Hồng Sơn, kế đến mới tới Sỹ Hùng, Công Vinh, hay Hồng Tiến, hoặc thấp hơn chút là Nguyễn Minh Đức, Cao Xuân Thắng…
Trong khi đó, những bản hợp đồng thất bại từ “xưởng sản xuất SLNA” nhiều không đếm xuể, và có vô số trường hợp cầu thủ SLNA khi ra đi hừng hực tráng chí nhưng lúc trở về chỉ còn là tiếng thở dài. Nguyên nhân được chỉ ra là do họ đã không giữ được chất, không được tạo môi trường tốt để phấn đấu, cống hiến. Nói tóm lại, vì đời, vì người và vì chính mình. Điều đáng lưu ý hơn tất cả là họ đều không được chào đón khi quay về. Hãy lấy Văn Quyến hay Quốc Vượng làm viện dẫn.
SLNA sau lứa của Huy Hoàng, cầu thủ từng được xem là biểu tượng thất truyền ở chảo lửa Vinh, người duy nhất còn sót lại trong màu áo SLNA từng giành 2 chức vô địch V-League (mùa giải 2000 – 2001 và 2011), cũng cho thấy sự kế thừa rất khoa học nhờ thành công của các tuyến trẻ.
Cụ thể, Trọng Hoàng đang được xây dựng như một biểu tượng mới và thế hệ cầu thủ sinh năm 88-89 cùng Trọng Hoàng hiện đang là hồn cốt của bóng đá xứ Nghệ, giữ vai trò quyết định cho sự thành bại của đội bóng. Trở lại với chuyện của Vinh. Dù đang thất thế, nhưng Công Vinh vẫn là ngôi sao, là cầu thủ có tài, điều này không ai phủ nhận, đó là lý do khiến lãnh đạo SLNA muốn kéo anh trở lại sân Vinh. Tuy nhiên, điều đó có thể lại là thách thức không nhỏ trong nỗ lực hòa nhập của anh.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)