CĐV Manchester City đang giận giữ với giá vé tăng cao ở Champions League. Hồi tháng 6, họ cũng biểu tình để phản đối điều tương tự diễn ra ở Premier League. Khi tình yêu với đội bóng bị chính các nhà điều hành đem ra làm kinh tế, họ có quyền phẫn nộ.
Đem so sánh mặt bằng giá vé, CĐV Man City chưa phải bị đối xử tệ nhất. Sự thất vọng nằm ở phía Bắc thành London, nơi sân Emirates tọa lạc. Theo thống kê được hãng thông tấn BBC đăng tải ngày hôm qua, fan “Pháo thủ” phải chi cao nhất 126 bảng Anh mới có thể tới ủng hộ đội bóng mình yêu mến thi đấu, cao nhất trong số các CLB đang có tên ở BXH Premier League. Biểu ngữ đòi giảm giá vé của người hâm mộ ở Premier League
CĐV không phải khách hàng
Thực tế, giá vé trung bình của giải Ngoại hạng đã giảm xuống 2,4% so với mùa giải năm ngoái. Nhưng fan Arsenal thì lại phải chi nhiều tiền hơn với 1.955 bảng cho vé trọn mùa, cao hơn đội xếp thứ 2 Tottenham 60 bảng. Giá vé thấp nhất tại Emirates cũng đã lên tới 985 bảng/mùa, đắt hơn 220 bảng so với các CLB khác, dù có tính những trận đấu thêm ở đấu trường châu Âu hay FA Cup.
Tình yêu bóng đá của người hâm mộ Anh đã được kiểm chứng thông qua số lượng vé bán sạch veo khi mùa giải chưa bắt đầu. Vậy nhưng, khi nó song hành với việc tiêu tốn quá nhiều tiền bạc, liệu lương tâm của ban lãnh đạo các đội bóng có “cắn rứt”?
Đại diện của một CLB từng chia sẻ rằng, việc giữ khán giả đến sân là ưu tiên hàng đầu, đội bóng luôn hiểu các CĐV và sẽ cố gắng tìm giải pháp. Năm tháng kiểm chứng rằng đó chỉ là lời nói suông.
“Luật công bằng tài chính cho người hâm mộ” là thông điệp mà fan truyền đi khi tụ tập trước trụ sở của các đội bóng trong cuộc “đại biểu tình” ở Premier League hồi tháng 6. Họ chỉ đến với đội bóng vì tình yêu, không phải khách hàng để phải bỏ tiền mua cảm xúc. Bởi nếu không, họ đã có thể chọn cho mình một đội bóng khác với giá vé thấp hơn để ủng hộ, chẳng hạn như Crystal Palace, với giá vé chỉ 4 bảng/trận đấu.
Nhưng nhiều CLB (có vẻ) phớt lờ điều đó, họ chỉ quan tâm đến Luật công bằng tài chính của UEFA. Bỏ ra quá nhiều tiền mua cầu thủ, họ bù ngân sách bằng việc vắt kiệt túi tiền chính người hâm mộ của mình.
“Tách trà và chiếc bánh”
Trong năm thứ 150 của FA, người ta nhận thấy rằng bản chất các trận đấu không còn ý nghĩa như trước. Các CLB luôn nói rằng họ cần nhiều tiền hơn để cạnh tranh, để trả lương cho các cầu thủ, giá vé vì thế cũng phải tăng lên. Đại diện của Premier League kêu than rằng đó là sự lựa chọn của các đội bóng và họ bất lực trong việc thay đổi điều này.
Chẳng ai bàn đến việc các đội bóng Premier League trước khi bắt đầu mùa giải đã chia nhau tiền bản quyền truyền hình 5,5 tỷ bảng hay quan tâm tới phát biểu tâm huyết của Chủ tịch Bayern Munich, Uli Hoeness: “Chúng tôi có thể tăng giá vé lên 300 bảng để kiếm được nhiều hơn 2 triệu bảng. Nhưng với chúng tôi, 2 triệu bảng chẳng có ý nghĩa gì, trong khi với người hâm mộ, giữa 104 bảng với 300 bảng là cả một vấn đề lớn”.
Với Bayern hay những đội bóng ở Bundesliga, bóng đá là dành cho cộng đồng, họ kiếm tiền từ các hoạt động thương mại chứ không phải giá vé. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, họ luôn nằm trong top những CLB làm ăn có lãi. Premier League thì ngược lại. Giá vé ở giải đấu này đã tăng trung bình 716% kể từ năm 1989. Trong cùng giai đoạn đó, lương của CĐV chỉ tăng trung bình 186%. Nếu tình hình diễn tiến như vậy, fan đâu còn khả năng duy trì tình yêu với CLB?Phải có giải pháp tháo gỡ. Bộ trưởng Thể thao Anh Hugh Robertson đã vạch ra chiến lược mang tên “Tách trà và chiếc bánh”, ngụ ý làm sao giá vé mỗi trận chỉ bằng tiền chi trả cho đồ ăn và thức uống đơn giản đó. Nhưng tiếc rằng, ông Robertson không thể đưa ra quyết định cuối cùng. Người làm chuyện đó là lãnh đạo các CLB.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)