Người làm bóng đá Việt Nam, cái thuở bóng đá xứ mình vẫn luôn bị “áp bức” bởi cái bóng quá lớn của người Thái, sau một số những thất bại, với sự tinh ý từng truyền nhau nhận định: “Trình độ ĐTVN không hề kém. Nếu mà đá cho đúng thực lực, chúng ta không ngán người Thái”.
1. Bóng đá Việt Nam từng có hầu như đủ mọi thứ để phát triển. Nói như thế không hề đại ngôn hay AQ. Với dân số hơn 92 triệu dân xếp thứ 14/225 thế giới, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên nhân lực có thể nói là cực kỳ dồi dào, đến đáng nể. Người dân Việt Nam có thể không phải ai cũng chơi bóng đá, nhưng sự yêu thích và ủng hộ bóng đá là rất cao, đặc biệt với cấp độ đội tuyển thì có những thời điểm lên đến tuyệt đối. Đấy là nhân hòa.
U19 Việt Nam đang khiến NHM ngây ngất với những chiến thắng gần đây
Còn địa lợi, đó là điều kiện tự nhiên rất thích hợp chơi bóng. Chúng ta không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt như Đông Âu (mùa đông quá lạnh) hoặc châu Phi (quá nóng), hay Bolivia (quá cao và ít khoảng không) gây khó khăn cho tập luyện và vui chơi bóng đá. Bên cạnh khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, sứ sở hình chữ S của chúng ta có đủ mọi loại địa hình từ biển, đảo, miền núi, đồng bằng... muốn gì có nấy. Muốn tập sức bền thì lên Tam Đảo không khí loãng, muốn dẻo dai đôi chân thì xuống Nha Trang, Vũng Tàu chạy trên cát biển, rất thích hợp để phát triển các phong cách bóng đá đa dạng.
Còn thiên thời thì càng rõ. Từ khi tái hội nhập đến lúc xác định đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt đã có chục năm trời phát triển cực nóng. Đó là nhờ kinh tế phát triển, các doanh nghiệp nở rộ và hàng loạt tỷ phú ra đời. Thời cực thịnh, BĐVN là bản đồ thu nhỏ của “xã hội đại gia” của Việt Nam. Trừ vài vị từ lâu quen với việc chú trọng kín tiếng để tránh phiền phức, V.League - thậm chí cả hạng Nhất - là bảng phong thần của rất nhiều doanh nghiệp cỡ bực, cỡ “trùm” ở cả khối nhà nước (Pijico, Dầu khí, Đạm Phú Mỹ, Viettel, CSG, Hàng không Việt Nam...) lẫn tư nhân (HA.GL, ACB, Hòa Phát, Becamex, Đồng Tâm, NH Đông Á...). Đầu tư hàng trăm tỷ đồng, tức hàng 4-5 triệu USD mỗi mùa bóng nghe rẻ ở đâu, chứ tại đất nước còn nghèo như Việt Nam thì nó là khoản tiền khổng lồ. Ấy vậy mà thuở hoàng kim biết bao doanh nghiệp chen chân nhảy vào, xếp hàng để được đổ tiền vào bóng đá. Điều ấy, với rất nhiều quốc gia là cả giấc mơ.
Ấy thế nhưng, một thời gian rất dài, ngoại trừ chức vô địch có phần may mắn trước Thái Lan vào năm 2008, chúng ta cao nhất cũng chỉ lọt vào chung kết và đến bây giờ tụt xuống hàng “chiếu dưới” trước cả người Mã.
U19 Việt Nam đang khiến NHM ngây ngất với những chiến thắng gần đây
2. Quay trở lại câu nói đầu bài, thực tế sự nghèo nàn về thành tích ấy của BĐVN đến từ nhiều lý do, nhưng chung quy cũng chỉ tại một điểm: không phát huy hết tiềm năng.
Người Việt mình nghèo, chịu thương chịu khó, nhưng cũng... phung phí lắm. Sự phung phí trong bóng đá là một trong những cái rõ nhất. Đầu tiên là phung phí niềm tin và sự hứng khởi của các doanh nghiệp. Rất nhiều cái tên đã đến và nhảy khỏi bóng đá trong chán chường, thất vọng cùng lời thề vĩnh viễn không bao giờ dính vào lại. Rồi là sự phung phí về nguồn nhân lực khổng lồ. Tiềm năng bóng đá của Việt Nam là rất lớn và đến tận lúc này chúng ta vẫn chỉ mới khai phá được một phần nhỏ, người viết tin tưởng thế. Hãy nhìn Hà Lan chỉ có 16 triệu người, xấp xỉ 1/6 Việt Nam. Họ có đam mê cháy bỏng với trái bóng (giống ta) nhưng thành công hơn bởi trội ta ở chỗ có điều kiện về công nghệ, kinh tế và nhất là khoa học và tư duy làm bóng đá.
Cứ cho đó là vấn đề vĩ mô đi, nhưng ngay cả bản thân những người trực tiếp làm ra các sản phẩm bóng đá là cầu thủ hay HLV cũng rất phung phí. Những trận đấu mà tỷ số không phản ánh thực lực 2 đội, với những chiêu trò đá “bóng bàn”, hoặc sau này là đá “kèo” với một cơ số đến từ các ông thầy là điều ai cũng thấy. Ngay cả cấp độ đội tuyển như Olympic hay ĐTQG, việc “Lữ đoàn đỏ” rất nhiều lần gục ngã ở những thời khắc không ai ngờ nổi cũng có thể kể đến. Như câu nói ở đầu bài, nếu người Việt tập trung và đá “tử tế”, chúng ta không tệ. Cái chính, cầu thủ vào sân với đôi chân bị quá nhiều điều chi phối.
3. Tiếp nối các đội trẻ, ĐT Việt Nam vừa khiến cả châu lục phải nhìn lại khi hạ gục Qatar ngay tại sân nhà của gã đại gia này. Đó là một chiến thắng thuyết phục, khi các chàng trai áo đỏ đã có màn lội ngược dòng bằng sự quyết tâm, ý chí và cả tính toán hợp lý. Nó rất khác với một số kết quả nhợt nhạt trước đấy, như trước Hong Kong (TQ) chẳng hạn.
Có một sự trùng hợp thú vị, cùng với sự bùng nổ của “hiệu ứng U.19 VN”, các đội tuyển từ cấp trẻ đến tuyển xịn đều chơi như lên đồng. U.16, U.23 và giờ là ĐTVN đều chơi tưng bừng, tạo ra những kết quả làm nức lòng người hâm mộ. Quả thực, các nước bạn lúc này nếu nhìn vào thông tin các cấp ĐTQG của Việt Nam hẳn không ít người sẽ rất bất ngờ. Rõ ràng, nếu cứ duy trì được nhịp độ thành tích và tăng tiến thế này, viễn cảnh về một ngày chạm tầm châu lục không phải là quá xa.
Nhưng, mong sao những thành công qua là thực tế và nhất là, sẽ được duy trì lâu thật lâu vào. Dường như sự thành công của U.19 VN đã là liều doping kích thích sự phấn khởi của các đàn em (U.16 VN) và nhất là sự “tự ái” của những người đàn anh, kể trên cấp độ “Tuyển”. Cho dù các cầu thủ U.19 VN có là thế hệ Vàng đi chăng nữa thì đó là chuyện của ít nhất 3-5 năm nữa. Còn bây giờ trách nhiệm của cả ĐT Olympic lẫn ĐTVN vẫn là của những đàn anh và họ đang cho tất cả thấy không chỉ có U.19 VN là biết đá thắng và đem niềm vui về cho người.
(Theo Thể Thao HCM)