Sau 27 năm, bóng đá Tây Ban Nha lại rơi vào cảnh đình công, khiến mùa giải mới không thể khởi tranh như dự kiến. Một trong những giải VĐQG mạnh nhất, nơi hội tụ những vì tinh tú của bóng đá thế giới, đang bị giết chết bởi chính những người trong cuộc.
Trong ba ngày liên tiếp, những cuộc họp kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ được thực hiện giữa Hiệp hội cầu thủ Tây Ban Nha (AFE) và Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp (LFP). Quan điểm mà các bên đưa ra khi bước vào cuộc họp ở văn phòng LFP (Madrid) là tìm ra hướng đi tốt nhất cho bóng đá chuyên nghiệp Tây Ban Nha, tránh rơi vào cuộc đình công không mong muốn.
Thế nhưng, đã không có tiếng nói chung nào trong những cuộc gặp này. Những rắc rối ngày một lên cao, kết quả là vòng đầu tiên của La Liga cũng như Segunda chính thức bị hoãn vô thời hạn. Sau 27 năm, nền bóng đá chuyên nghiệp ở xứ bò tót trở thành thành nạn nhân của đình công.
La Liga bị hoãn vô thời hạn
Hôm qua, AFE và LFP tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm hướng giải quyết mới. Sẽ có thêm một cuộc họp nữa vào buổi chiều thứ Hai, để quyết định vòng đấu thứ hai có diễn ra đúng lịch hay không.
Theo những diễn biến mới nhất, và tiết lộ của một số người trong cuộc, nỗ lực hòa giải mâu thuẫn đang có tiến triển tích cực hơn. Tuy vậy, những tín hiệu tích cực không đồng nghĩa sân cỏ Tây Ban Nha sẽ quay trở lại với bầu không khí sôi động như thường lệ. Phải đến đêm mai, câu hỏi có hay không một cuộc đình công ở vòng hai mới chính thức có đáp án.
Cái chết được báo trước
Cuộc đình công ở La Liga và Segunda thực tế đã được cảnh báo từ trước, khi mâu thuẫn AFE - LFP bị đẩy lên rất cao. Mỗi bên đều muốn bảo vệ quyền lợi của riêng mình, để rồi mọi việc càng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Vì thế, có thể khẳng định rằng chính những người trong cuộc đang đẩy nền bóng đá Tây Ban Nha đi đến miệng vực.
AFE là những người kêu gọi và giật dây cho cuộc đình công lần này. Tuy nhiên, trách nhiệm chính không thuộc về tổ chức đại diện cho các cầu thủ này. Đơn giản vì AFE đang đứng ra để đòi quyền lợi chính đáng cho các cầu thủ. Trước đây, khi ảnh hưởng của AFE không cao, LFP toàn quyền quyết định tất cả, và CLB hưởng lợi nhiều nhất. Giờ thì khác. AFE ngày một lớn mạnh và ảnh hưởng không kém LFP.
Là đại diện hợp pháp cho người lao động (ở đây là cầu thủ), AFE hoặc bất kỳ tổ chức nào khác đều không thể chấp nhận vấn đề khoản nợ lương lên đến trên 50 triệu euro (Liga và Segunda). Có những CLB thậm chí chưa thánh toán đồng lương nào trong suốt cả năm nay.
Trong khi AFE và cầu thủ muốn nhận lương đúng như cam kết, thì LFP đã đơn phương thông qua quỹ trợ giúp phá sản. Từ nay đến năm 2015, quỹ này sẽ lên đến 40 triệu euro (mỗi CLB), nhưng thực tế nó chẳng giải quyết được gì (nhờ Luật phá sản, các CLB luôn được cứu và rất khó bị giải thể).
Các hãng truyền hình và đài phát thanh chịu thiệt nhất từ cuộc đình công, bởi những chương trình được lên lịch trước đó đều phải thay đổi. Rất nhiều người hâm mộ (những người mua vé trọn mùa), cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Cuộc đình công thậm chí còn tác động xấu đến một số ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Tây Ban Nha nói chung. Về chuyên môn, các CLB dự Cúp châu Âu ít nhiều bị ảnh hưởng. Một năm nữa sẽ là EURO 2012, và ĐTQG TBN cũng chịu những tác động tiêu cực.
Nhiều tổ chức xã hội không sai khi chỉ trích LFP là những kẻ vô trách nhiệm. Sau khi “đẻ” ra lịch thi đấu 9 khung giờ khác nhau (phục vụ truyền hình), tổ chức này lại đẩy Liga và Segunda rơi vào cảnh trầm luân chỉ vì lợi nhuận riêng. Bản thân LFP đã xác định trước sẽ không thể tháo nút thắt cùng AFE, bằng chứng là họ ra thông báo yêu cầu các trọng tài không phải di chuyển đến địa điểm đã được phân công.
Sau hình ảnh buồn ở lượt về Siêu Cúp, bóng đá TBN thêm một lần vẩn đục!
10.000.000 Dự kiến, nếu vòng 1 diễn ra đúng lịch, tiền vé có thể lên đến 10 triệu euro (chủ yếu nhờ các cặp Real - Bilbao), Malaga - Barca, Betis - Sevilla, Sociedad - Atletico. Năm trước, vòng 1 thu 7,8 triệu tiền vé. 150.000 Do không thi đấu, lương các cầu thủ sẽ bị khấu trừ. Valencia là đội đầu tiên công bố mức lương khấu trừ, lên đến 150.000 euro. 52.000.000 Tính đến thời điểm hiện tại, khoản nợ lương của các CLB ở La Liga và Segunda lên đến xấp xỉ 52 triệu euro. |