Con người đã từng tự nhận rằng mình là thiên tài trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình Italia ấy đang dần phủ nhận những gì mà ông tự gán cho bản thân. Roberto Mancini vốn là một HLV có ý thức cực mạnh về cái tôi, nhưng áp lực tại Manchester City ở mùa bóng thứ ba ông dẫn dắt đế chế tiền bạc này đang khiến nhà cầm quân người Italia trở thành một người thích đổ lỗi cho tất cả mỗi khi đội bóng của ông vấp ngã.
Đập vào mắt bất kỳ ai click chuột vào website chính thức của Mancini là một slogan ngạo nghễ: “Đẳng cấp nhà vô địch”. Những người hâm mộ Mancini thậm chí đã nghĩ ra cách sắp xếp lại tên họ của ông để tạo thành chữ “ambition corner” (tạm dịch: Tham vọng thống trị). Trong một bài trả lời phỏng vấn truyền hình Italia vào năm ngoái, khi được yêu cầu mô tả bản thân bằng một từ, Mancini đã nói thẳng: “Genius” (Thiên tài). Khi mới đặt chân đến Man City, ông bảo với báo chí rằng “tôi luôn thích mang lại thành công cho một đội bóng đã trắng tay trong nhiều năm”. 17 tháng sau, lời tuyên bố ấy thành sự thật. Man City giải cơn khát danh hiệu kéo dài ba thập niên bằng chiếc Cúp FA, và mùa trước, họ đăng quang tại Premier League một cách nghẹt thở.
Ông Mancini thực sự là một con người kiêu ngạo, độc lập và đầy tham vọng, những tính cách được bộc lộ ngay từ khi ông còn là cầu thủ. Có một câu chuyện nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi ở quê nhà Jesi, Ancona (Italia) của ông: Khi Mancini lên 8 tuổi, ông đã bỏ cả buổi rước lễ Thánh lần đầu trong đời để dự một trận đấu quan trọng của đội nhi đồng làng, và cứu đội bóng khỏi một thất bại. 5 năm sau, khi mới 13 tuổi, Mancini một mình xách ba lô vượt 200 cây số để gia nhập lò đảo tạo trẻ của Bologna, ăn và ở tập trung tại đó trong ba năm trời, và sau đó trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử ra sân tại Serie A. Đó là trận Bologna gặp Cagliari vào ngày 12/9/1981, khi Mancini mới 16 tuổi. Khi được hỏi rằng ước mơ chưa thực hiện được trong đời cầu thủ của ông là gì, Mancini tiết lộ: “Đá cho Real Madrid”. Ai cũng biết, đó là đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Một cái tôi lớn đang mất đi
Mancini không chỉ biết nói suông. Ông thật sự gặt hái được thành công và được những người xung quanh nể phục: Mancini luôn giành được ít nhất một danh hiệu khi dẫn dắt bất kỳ đội bóng nào trong sự nghiệp HLV, từ Fiorentina, Lazio, Inter Milan, cho đến Manchester City. Khi là đội trưởng của Sampdoria, ông đã đưa đội bóng đến Scudetto duy nhất trong lịch sử vào mùa 1990-1991, giai đoạn mà sức cạnh tranh của Serie A là cực kỳ khốc liệt: AC Milan và Juventus thay nhau thống trị, trong khi Napoli có Diego Maradona và Inter sở hữu bộ ba huyền thoại người Tây Đức là Andreas Brehme, Lothar Matthaeus và Juergen Klinsmann. Mancini chỉ chơi tại Leicester một mùa giải, năm 2001, nhưng đã được các đồng đội đặt cho biệt danh “Huyền thoại”. Hai tuần sau khi nhậm chức HLV trưởng Manchester City, các CĐV đã hát vang tên ông trên các khán đài: “Ông ta đến từ Italia, ăn pasta vào giờ uống trà”.
Mancini đã từng là một con người ngang tàng như thế, và con người ngang tàng ấy không hề biết đổ lỗi. Khi còn dẫn dắt Fiorentina, ông đã từng làm việc không lương trong một năm và ngay cả khi bị các CĐV áo tím dọa giết khi đội bóng xuống dốc vì khủng hoảng tài chính, Mancini vẫn không phàn nàn. Nó khác xa với hình ảnh một HLV đỏng đảnh luôn kêu gào các ông chủ Ả Rập mở hầu bao, dù đội hình Man City hiện tại là không hề thiếu chiều sâu. Một HLV luôn bào chữa cho mỗi cú vấp ngã của Man City bằng cách đổ lỗi cho bất kỳ ai trừ ông, từ trọng tài, Giám đốc thể thao Brian Marwood của… Man City, và thậm chí là chính các cầu thủ của ông. Trận thua trước Real Madrid ở loạt trận Champions League đầu tiên, Mancini lấy thủ môn Joe Hart ra làm mục tiêu chỉ trích. Sau thất bại 2-4 trước Aston Villa ngay tại Etihad tại Carling Cup cách đây một tuần, ông đem hàng thủ ra làm bình phong, và “gây sự” với cả HLV Paul Lambert của đội khách.
Áp lực khủng khiếp trong mùa bóng thứ ba dẫn dắt một đội bóng không được phép thất bại như Man City thật sự đã khiến cái tôi lớn của ông Mancini lạc lối. Thay vì giữ vững niềm tin bất diệt vào bản thân bằng cách làm việc không ngừng để vượt qua những thử thách ngày một chất chồng, ông Mancini lại chọn biện pháp đổ vấy trách nhiệm khi Man City gặp vấn đề cho tất cả, trừ bản thân mình. Một cái tôi lớn đang mất đi, trong những ám ảnh về sự hèn nhát của một con người từng thừa nhận mình là thiên tài và sinh ra đã là kẻ đi chinh phục.
Cung Nhân Mã, mê James Bond, tennis, thần tượng… Roger Federer Ông Roberto Mancini sinh ngày 27/11/1964, thuộc cung Nhân Mã, và được cho là mang những tính cách điển hình rõ rệt của cung mệnh này, với sự lạc quan và lòng tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng, nhờ việc tự nhận thức rằng mình nhận được rất nhiều quà tặng của số phận. Mancini còn là một người rất đa tình: Năm 2003, khi ông xuất hiện cùng HLV Carlo Ancelotti trong chương trình truyền hình Italia La lene, trong khi HLV của Milan khi ấy trả lời rằng ông chỉ yêu một người duy nhất là vợ mình, thì Mancini thậm chí bảo rằng ông đã nói câu “Anh yêu em” với… một vài người, và phân tích rằng sự khác biệt văn hóa giữa các cầu thủ Anh với cầu thủ Italia là trong khi người Anh thích rượu chè, thì người Italia thích “cặp với các cô gái hơn”. Mancini cũng là một con người sành điệu và lịch lãm: Ông thường mặc đồ của hãng Armani, đi giày của Trickers, và dùng nước hoa Creed Millesime Imperial. Mancini cũng là một người có đời sống tinh thần phong phú. Ông đặc biệt thích serie phim về điệp viên 007 James Bond, đặc biệt là phần đầu tiên do Sean Connery, diễn viên thần tượng của ông, thủ vai. Ông cũng thích đọc sách, và tác giả mà Mancini ưa thích là nhà văn chuyên viết trinh thám và kinh dị John Grisham. Ca sĩ ông ưa thích là Renato Zero, một nam danh ca nhạc rock. Ngoài bóng đá, Mancini rất thích chơi tennis, và thần tượng của ông ở môn thể thao này là tay vợt người Thụy Sĩ Roger Federer. Đồ uống ưa thích của Mancini lại là… Coca Cola, và dù đã thưởng thức nhiều sơn hào hải vị, món khoái khẩu nhất của Mancini lại là… mì nướng do bà mẹ Marianna của ông nấu. |