Nếu như không có yếu tố ngoại binh thì Liverpool đã lên ngôi vô địch, còn Southampton, đội bóng đã phải cạnh tranh quyết liệt để có suất trụ hạng cũng có tên ở Champions League mùa giải sang năm.
Sự phụ thuộc quá lớn vào ngoại binh
Những thông tin chấn động như thế chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sự phụ thuộc quá lớn vào các cầu thủ ngoại tại Premier League. Trong danh sách 10 chân sút hàng đầu tại giải Ngoại hạng mùa có 2 cầu thủ mang quốc tịch Anh, nhưng thật trớ trêu, đó không phải là Rooney, Walcott, Defoe hay Carroll, những tiền đạo chủ lực của Roy Hodgson, lại là hai ông già Lampard (Chelsea) và Lambert (Southampton).MU là một trong số ít những CLB lớn vẫn duy trì sử dụng các cầu thủ Anh
Đó là một bước lùi lớn của Premier League nói chung và đội tuyển Anh nói riêng. Nên nhớ, trong những năm trước, những chân sút ngoại rất ít khi chiếm được thế thượng phong hoàn toàn so với các chân sút nội. Và gần như trong thời kỳ nào, đảo quốc sương mù cũng sản sinh ra được những tiền đạo xuất chúng.
Eric Cantona, Mark Hughes phải dè chừng Teddy Sheringham, Les Ferdinand. Dennis Bergkamp không dám ngổ ngáo trước Alan Shearer, Andy Cole. Van Nistelrooy, Thierry Henry xem trọng Kevin Phillips, Michael Owen. Hay như cách đây vài mùa, Van Persie, Didier Drogba cũng chẳng làm khó được nhiều Wayne Rooney.
Nhưng đó đã là chuyện của quá khứ. Khi mà Premier League bế mạc vào ngày 19/5, những chân sút người Anh chỉ có thể tìm thấy đất diễn ở những câu lạc bộ nhỏ như Rickie Lambert (Southampton) hay Adam Le Fondre (Reading), Grant Holt (Norwich). Còn ở những đội bóng lớn, trách nhiệm ghi bàn được dồn cả vào những Van Persie (MU), Suarez (Liverpool), hay Dzeko, Aguero (Man City).
Có hai cách để giải thích cho hiện tượng này. Hoặc là các tiền đạo nước ngoài ở đẳng cấp cao hơn hẳn các chân sút người Anh, hoặc là lối chơi của các ngôi sao bản địa không còn phù hợp trên chính quê hương của họ nữa.
Cả hai cách lý giải dĩ nhiên là đều… đúng. Thứ nhất là vì những tiền đạo người Anh hiện nay có lối chơi đơn giản và thường sử dụng khá nhiều sức mạnh (hoặc tốc độ). Họ không có lối chơi tinh quái và một chút tiểu xảo, điều mà trung vệ cơ bắp tại Premier League luôn sợ hãi.
Thứ hai, thời của những máy làm bàn mang thương hiệu Tam Sư đã qua rồi. Người giỏi nhất trong việc tìm lưới đối phương bây giờ, Wayne Rooney vẫn đang lạc lối giữa đám mây mù mà Van Persie giăng ra, thì những chân gỗ như Defoe, Carroll hay Agbonlahor còn mang lại được những hy vọng gì.
Tin vào nội binh chỉ có thiệt
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, bóng đá cũng chẳng phải là ngoại lệ, nhất là ở một nơi như Premier League, nơi có số lượng cầu thủ ngoại nhiều nhất trong số 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu hiện nay. Mùa giải 2012-2013, trong số 464 cầu thủ được 20 câu lạc bộ tại Premier League đăng ký thi đấu thì chỉ có 162 người mang quốc tịch Anh, nghĩa là chỉ chiếm 34,9%, thấp hơn rất nhiều nếu so với Bundesliga (45,7%), Serie A (45,8%), Ligue 1 (58%) hay La Liga (59,7%).
Hệ quả của việc ít trọng dụng các cầu thủ trẻ trong nước là đội hình U21 hay tuyển Anh thường xuyên lâm vào cảnh có quá ít những sự lựa chọn trong các đợt tập trung. Chính Roy Hodgson cũng phải than phiền: “Tôi từng chứng kiến một số trận đấu ở Premier League mà chẳng có bất cứ một cầu thủ Anh nào ra sân, và để có thể lựa chọn được một đội hình ưng ý, tôi đã phải quan sát cả những trận đấu ở giải hạng nhất, thậm chí là hạng hai”.
Lo lắng của cựu huấn luyện viên trưởng Liverpool thể hiện rõ rệt qua giải thưởng do PFA bình chọn. Kể từ khi bắt đầu trao thưởng vào năm 1974, chỉ có đúng 9 lần, các ngôi sao người Anh được vinh danh ở hạng mục cầu thủ xuất sắc nhất mùa. Thêm vào đó, trong đội hình tiêu biểu hàng năm, số lượng các cầu thủ trong nước cũng rất ít: 3 người (2013), 4 người (2012), 2 người (2011)
Nội binh đã kém về chất, nhưng bản thân các câu lạc bộ lớn cũng sử dụng họ không nhiều. MU chỉ chú trọng vào Carrick, Rio Ferdinand; Man City khoái mỗi Joe Hart; còn Chelsea mùa này hầu như chỉ còn sử dụng Ashley Cole. Họ trao những vị trí chủ chốt cho các cầu thủ nước ngoài (thậm chí là cả huấn luyện viên).
Nhưng nghịch lý lại nằm ở chỗ, chính cách làm ấy lại mang tới thành công. MU, Chelsea, Man City thay nhau thống trị Premier League. Còn những đội bóng vẫn đang vỗ ngực mang bản sắc nước Anh lại đang chìm đắm ở cuối bảng xếp hạng (Southampton) hay vất vưởng đi tìm lại ánh hào quang của quá khứ (Liverpool).
(Theo VTC)