Những thất bại tâm phục, khẩu phục ở đấu trường Champions League, đặc biệt trước người Tây Ban Nha, đã buộc Sir Alex Ferguson phải thay đổi hệ thống chiến thuật để thích nghi với thời cuộc. Cuộc cách mạng mới nhất mang tên "kim cương", sử dụng hàng tiền vệ không cần cầu thủ chạy cánh. Ý tưởng này có lẽ xuất phát từ những thất bại trước Barca.
Từ 4-4-2 đến 4-2-3-1
Trước hết, Sir Alex chưa bao giờ là người sáng tạo, đưa ra những phát kiến mới về chiến thuật. Ở khía cạnh này, người Đức, người Hà Lan hay người Italia mới là bậc thầy. Nhưng Sir Alex luôn thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Thập niên 90 của thế kỷ trước, M.U của Sir Alex tạo dựng vinh quang ban đầu và tiến đến thiết lập sự thống trị ở bóng đá Anh nhờ sơ đồ 4-4-2, hệ thống gắn liền với tên tuổi của Arrigo Sacchi, kiến trúc sư của Đại Milan.Thất bại trước Barca đã khiến Sir Alex phải cách mạng.
Đội hình 4-4-2 nổi tiếng đầu tiên của Sir Alex ở M.U gồm hai tiền vệ trung tâm là Roy Keane và Paul Ince, bộ đôi chạy cánh Ryan Giggs và Andrei Kanchelskis trong khi cặp tiền đạo phía trên là Mark Hughes và Eric Cantona. Với hệ thống này, M.U trở thành đội đầu tiên giành chức vô địch Premier League. Sự thực, trong những năm 90 ấy, cả nước Anh đua nhau đá 4-4-2. Nhưng không đội bóng nào thành công như M.U.
Cũng với sơ đồ 4-4-2, M.U trở thành đội đầu tiên của bóng đá Anh vô địch Champions League. Chiến thắng nghẹt thở và có phần điên rồ trước Bayern Munich năm 1999 đã trở thành khoảnh khắc huy hoàng nhất trong lịch sử CLB. Nhưng chứng kiến cái cách đội bóng ngược dòng nhờ dấu ấn của may mắn, Sir Alex bắt đầu cảm thấy không yên tâm với hệ thống này.
Champions League mùa sau đó, mùa 1999-2000, sự lo lắng của ông đã trở thành hiện thực. M.U bị loại bởi Real Madrid ngay ở vòng tứ kết. Tổng tỷ số 2-3 thực sự không phản ánh đúng sự chênh lệch giữa hai đội. Trận lượt về ở Old Trafford, Real kiểm soát thế trận rất chủ động, đá rất nhàn và ngay cả CĐV M.U cũng phải thán phục những pha xử lý bóng tinh tế của Fernando Redondo, tiền vệ trụ người Argentina.
Một năm sau đó, Sir Alex đưa về tiền vệ trung tâm nổi tiếng người Argentina. Không phải Redondo. Anh là Juan Sebastian Veron, trị giá đến 28,1 triệu bảng. Old Trafford đã chứng kiến cuộc cách mạng chiến thuật: Từ bỏ 4-4-2, chuyển sang 4-2-3-1, với Veron và Keane đá trung tâm, Scholes chơi ngay sau Ruud van Nistelrooy trong khi hai cánh vẫn là Giggs và Beckham. Thực ra, từ 3 năm về trước, ĐT Pháp của Aime Jacquet đã bước lên đỉnh cao World Cup 1998; nhưng ở Premier League, M.U là đội đầu tiên sử dụng hệ thống này. Dù Veron gây thất vọng lớn, nhưng hệ thống 4-2-3-1 đã tạo nên thời kỳ vinh quang khác, với thế hệ 2008 của những Ronaldo, Rooney, Tevez.
Barca, van Persie & "kim cương"
Sir Alex đã tỏ ra rất bất ngờ khi chứng kiến đội bóng của ông bị Barca hạ gục trong trận chung kết tại Roma năm 2009. Vấn đề không chỉ là thất bại, mà là cái cách Barca kiểm soát bóng cực tốt. Chính ở trận chung kết ấy, HLV Pep Guardiola đã kéo Messi vào giữa, cùng Iniesta và Xavi chơi trò "đá ma", khiến cầu thủ M.U không có nhiều cơ hội chạm chân vào bóng (trừ 10 phút đầu tiên). Ở Roma, ông ngồi gần như bất động trên băng ghế huấn luyện. Điều tương tự xảy ra ở trận chung kết tại Wembley 2011 và chắc hẳn người hâm mộ trên toàn thế giới không thể quên được hình ảnh ngón tay của Sir Alex run run. Không phải vì sợ hãi mà tức giận, cay cú. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", ông vẫn rất máu ăn thua, khát khao chiến thắng vẫn luôn chảy trong huyết quản của ông.
Khi ông chưa kịp thay đổi thì Athletic Bilbao lại "dạy" tiếp cho M.U bài học về kiểm soát bóng khi hai đội gặp nhau tại Europa League. Và có lẽ từ đây, ông quyết định thay đổi, cách mạng.
Hàng tiền vệ "kim cương" không phải là phát kiến mới, thậm chí rất cũ, cũ đến mức bị xem lạc hậu và gần như bị lãng quên. Nếu thành công với thương vụ Lucas Moura, cầu thủ chạy cánh trẻ người Brazil, có lẽ ý tưởng "kim cương" vẫn chỉ là ý tưởng. Nhưng vì thất bại (Moura sang PSG), cộng với sự xuất hiện của van Persie, buộc Rooney phải đá lùi, Sir Alex quyết định chọn hệ thống này.
Với hàng tiền vệ không gồm cầu thủ chạy cánh, hệ thống này sẽ cải thiện khâu kiểm soát bóng ở khu vực trung tuyến. Đó chỉ là biểu hiện rõ nhất. Còn cách vận hành thì khá phức tạp, còn phụ thuộc vào yếu tố con người.
Từ khi Rooney trở lại sau chấn thương, M.U đã 4 lần sử dụng hàng tiền vệ kim cương. Họ toàn thắng cả 4, gồm 2 trận trước Newcastle (Cúp Liên đoàn và Premier League) và 2 trận ở Champions League (Cluj, Braga).
Còn quá sớm để nói rằng kim cương sẽ tỏa sáng và M.U gặt hái thành công. Nhưng ít nhất, Sir Alex chấp nhận thay đổi để hướng đến các đỉnh cao.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)