Ba trận Van Persie không ghi bàn, đã bắt đầu có những ngờ vực về chuyện anh bị cô lập ở M.U. Phân tích cho ngờ vực ấy nghe có vẻ cũng có cơ sở.
1. Việc Van Persie có thể nhanh chóng trở thành tượng đài mới ở Old Trafford xem ra sẽ khiến Rooney khó chịu. Và khi Rooney khó chịu, phe cánh của anh tất nhiên không chuyền bóng thuận lợi cho Van Persie để giảm bớt đi vai trò của tân binh.
Nếu trước West Ham, Van Persie tiếp tục không ghi bàn và ở một hai trận sau đó cũng vậy, biết đâu chừng, những ngờ vực kia, được đồn thổi, “bơm vá” bởi truyền thông, sẽ trở thành mối bất hòa thực sự. Lẽ thường là vậy, nhiều khi người trong cuộc “chết” vì ngờ vực từ những thứ được tạo dựng bởi phỏng đoán bên ngoài. Nhưng nói như HLV Paul Lambert của Aston Villa: “Không có ‘nếu’, ‘nhưng’ hay ‘có thể’ gì trong bóng đá cả. Chỉ có thực tế mà thôi. Và thực tế là chúng tôi đã thắng”, cái gọi là “NẾU” ở trên đã không xảy ra.
Van Persie đã đợi 3 trận để có câu trả lời, câu trả lời sớm từ phút thứ nhất gặp West Ham. Và Rooney cũng đã trả lời ngay trong phút thứ nhất ấy. Người đầu tiên lao vào ôm Van Persie hồ hởi ăn mừng cùng anh là Rooney. Người thứ nhì là Chicharito. Họ cho thấy một cảm xúc thực sự của “Đoàn kết”.
Không có một M.U “bất hòa” trong diện mạo đó. Ngờ vực đã được dẹp bỏ hoàn toàn…
2. Nhưng vẫn tồn tại một M.U “bất hòa” khác. Đó là một M.U chưa có trận hòa nào kể từ đầu mùa, ở cả Premier League lẫn ở Champions League. Đó là một M.U chỉ có thắng hoặc thua, đúng kiểu “được làm vua thua làm giặc”. Kết quả đó, cùng lối chơi, cho thấy rõ M.U đã có những đổi thay rất khác. Họ trở nên quyết liệt hơn, quyết liệt đến mức không chấp nhận thỏa hiệp.
Và sự quyết liệt đó chính là điều kiện tạo ra một M.U nghịch cảnh như lúc này, nghịch cảnh của việc trở thành Vua lội ngược dòng. M.U ấy đang chiếm ngôi đầu bảng Premier League với 1 điểm mong manh so với Man City, 1 điểm mong manh bằng đúng một trận hòa. Và cũng chính 1 điểm mong manh ấy nhiều khi lại quyết định cả một mùa giải, khá giống như mùa giải năm ngoái, khi cả M.U lẫn Man City có cùng số trận thắng-hòa-bại như nhau ở 3 vòng cuối mùa trước. Chắc hẳn, có những người M.U từng tiếc nuối nghĩ rằng, giá như M.U có bàn gỡ phút cuối vào lưới Blackburn hồi tháng 12/2011; hay vào lưới Wigan vào tháng 04/2012 thì chức vô địch đã không về tay kình địch cùng thành phố. Giá trị của một trận hòa không nhỏ là thế.
3. Man City đứng thứ hai trên BXH dù họ đang bất bại ở Premier League. Lý do đơn giản là Man xanh thắng ít hơn M.U. Ở thời đại một trận thắng bằng 3 trận hòa, giá trị của thắng lợi cho ưu thế lớn hơn nhiều. Thế nên mới có chuyện những đội bóng bất bại cả mùa vẫn không vô địch chỉ vì họ hòa nhiều quá.
Mùa giải năm nay chắc chắn cũng sẽ rất căng thẳng với M.U, như cách ông nói “cuộc đua còn đường trường lắm”. Chính Wenger, người có lẽ hiểu Fergie nhất trong các HLV Premier League đã nói: “Thua 4 trận coi như mất cơ hội vô địch”. M.U thua 3 trận rồi và không thể để thua hơn nữa. Bởi lẽ không chắc Man City sẽ thua 5 trận như mùa giải trước.
Việc M.U chọn lối chơi quyết liệt, không thỏa hiệp, cởi mở hơn hẳn để mạo hiểm tìm chiến thắng cho phép họ “ăn đậm” hơn khi mọi việc như ý, nhưng sẽ khiến họ mất nhiều hơn nếu chẳng có gì suôn sẻ diễn ra. Đã đến lúc Fergie có lẽ cũng phải nghĩ đến chuyện giải quyết vấn đề “bất hòa” thứ hai kia của M.U, để kéo dài mạch bất bại…
Hà Quang Minh - Bongdaplus.vn