U19 Việt Nam đang tạo nên cơn sốt khó tin ở một giải trẻ, mang tính chất giao hữu. Đấy là tín hiệu cho thấy người hâm mộ không quay lưng với bóng đá tử tế. Nhưng chỉ mỗi đội U19 có cứu vãn cả nền bóng đá hay không thì lại là chuyện khác.
Một mô hình đáng học hỏi…
Phải nói ngay rằng mô hình phát triển lứa U19 hiện nay, với nòng cốt là phần đông các cầu thủ của học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG là một mô hình thuộc vào loại xưa nay hiếm, là đáng học hỏi, theo kiểu kết hợp giữa tiềm lực kinh tế của một ông bầu dám nghĩ, dám làm (bầu Đức), với một thương hiệu bóng đá vốn đã có chỗ đứng trên thế giới (Arsenal).U19 thi đấu tốt không có nghĩa là cả nền bóng đá Việt Nam đang có chân đế tốt
Nhưng cũng phải nói ngay rằng có học được bầu Đức và có làm được như ông bầu này hay không lại là chuyện khác. Ở Việt Nam, người giàu cỡ bầu Đức, thậm chí giàu hơn không hiếm, người giàu làm bóng đá cũng chẳng thiếu.
Dù vậy, số ông bầu chịu đầu tư vào bóng đá và có thể cho ra lò những lứa cầu thủ trẻ tốt do chính tay mình đào tạo lại là cực hiếm. Điều ấy đến từ ý tưởng và đến từ sự kiên nhẫn của mỗi người. Mà phàm đã bàn đến yếu tố ý tưởng và tính kiên nhẫn, thì khó ai giống ai.
Nên nhớ, khi lập ra học viện HAGL-Arsenal.JMG 6 - 7 năm về trước, bầu Đức còn chưa tính được chuyện lời – lỗ với lứa cầu thủ mà ông sẽ đào tạo. Và cho đến tận bây giờ, câu chuyện bán lứa cầu thủ ấy là lời hay lỗ có lẽ cũng không dễ tính.
Ngay chính ông Đức cũng thừa nhận rằng bán đi đâu và bán cho ai khi các cầu thủ vừa nêu trưởng thành là chuyện mà ông không quyết định được, bởi còn phải chờ thống nhất ý kiến của bên sở hữu 50% thương hiệu là CLB Arsenal.
Đã là dân kinh doanh mà không tính được lợi nhuận, trong khi tiền vẫn cứ phải rót đều hàng năm thì sự kiên nhẫn khi đầu tư vào bóng đá trẻ phải là ghê gớm lắm. Thành ra, không phải ông bầu nào cũng làm được điều mà bầu Đức đang làm. Với các lò đào tạo mang nặng tính bao cấp như ở SL Nghệ An, Đồng Tháp hay Nam Định, việc chạy thay mô hình này còn khó hơn, bởi họ lấy đâu ra tiền để chi nhanh và chi bạo như bầu Đức?
… Nhưng không phải là bản chất của cả nền bóng đá
U19 Việt Nam đang thành công, đang tạo cơn sốt vì đó là một đội bóng hay, đáng theo dõi. Nhưng đội bóng ấy không phải và không thể đại diện cho cả một nền bóng đá đang xuống cấp. Càng không thể lấy một đội tuyển U19 vốn đang được tung hô mà bảo rằng bóng đá nội đang làm tốt khâu đào tạo.
Như đã nói ở trên, những mô hình chuyên tâm đào tạo cầu thủ trẻ như HAGL-Arsenal.JMG, hay Viettel và PVF hiện quá hiếm. Điều đáng bàn hơn nữa là những trung tâm đào tạo trẻ ấy đến từ tâm huyết của một số doanh nhân máu mê, chứ không phải đến từ sự phát triển đồng bộ của cả nền bóng đá.
Một nền bóng đá mạnh không phải là một nền bóng đá mà ở đó giải vô địch quốc gia (VĐQG) thì èo uột, các giải đấu trẻ mang nặng bệnh thành tích với tình trạng vay mượn quân tứ tung, trong khi các CLB đang chơi ở giải VĐQG và các hạng đấu phía dưới thì sống dở chết dở, tồn tại mà không cần cơ sở vật chất, không đảm bảo về mặt tài chính, thậm chí có khi còn không có tuyến trẻ.
Thành ra, lứa U19 hiện nay dù mang nhiều kỳ vọng đến đâu cũng không thể gánh toàn bộ trọng trách thay đổi cả một nền bóng đá trong tương gần, càng không thể dựa vào đó mà nói hệ thống đào tạo của bóng đá Việt Nam đã tốt lên.
Mà sự thật thì không thể có một hệ thống đào tạo tốt khi nguồn thu của các CLB được gọi là chuyên nghiệp luôn ở mức âm, không thể có những đội tuyển tốt nếu như giải trong nước vẫn cứ đầy bạo lực lẫn những trận cầu chân chân – giả giả.
Lấy cảm hứng từ đội tuyển U19 Việt Nam để tìm lại động lực cho người hâm mộ và những ai quan tâm đến bóng đá nội là điều nên làm. Nhưng chắc chắn đó không phải là công việc duy nhất, mà cần phải thay đổi từ chân đế cho đến thượng tầng mới mong thay đổi cả nền bóng đá. Điều đó thì khó hơn và mất thời gian hơn rất nhiều so với việc tổ chức một giải đấu và chăm chút cho duy nhất một đội bóng mang tên U19. Điều đó cũng cần những cái tâm và cái tầm lớn hơn rất nhiều so với chuyện tổ chức 1 giải đấu đơn lẻ.
Theo Dân Trí